Serbia ký tuyên bố ủng hộ Ukraine
Hãng tin RBC (Nga) ngày 10/10 đưa tin, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic vừa ký một tuyên bố lên án hành động của Nga tại Ukraine và bày tỏ cam kết tiếp tục ủng hộ Kiev. Đáng lưu ý, ông Vucic tuyên bố, ông đã tìm cách "làm dịu đi cách diễn đạt trong văn bản" trước khi nó được công bố.
Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Ukraine – Đông Nam Âu mà ông Vucic vừa tham dự tại Dubrovnik (Croatia) ngày 9/10 vừa qua. Văn bản ghi nội dung tuyên bố đã được công bố trên website chính thức của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuyên bố bao gồm 18 điểm, trong đó có điểm công nhận cuộc xung đột ở Ukraine là "tội ác chống lại nhân dân Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và là mối đe dọa lớn đối với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực Đông Nam Âu, cũng như toàn bộ lục địa châu Âu và toàn thế giới".
Các phía tham gia hội nghị thượng đỉnh này cũng tái khẳng định cam kết "tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ Ukraine và người dân Ukraine nếu cần thiết". Họ đồng thời ủng hộ kết quả của "Hội nghị thượng đỉnh hòa bình" được tổ chức tại Thụy Sĩ tháng 6 năm nay, và tuyên bố sẵn sàng nỗ lực thực hiện "công thức Zelensky".
Tổng cộng, tuyên bố ủng hộ Ukraine đã nhận được chữ ký của 15 lãnh đạo các nước. Ngoài Tổng thống Serbia Vucic, còn có Tổng thống Kosovo, Montenegro và Slovenia.
Phát biểu trước các phóng viên sau hội nghị, Tổng thống Vucic cho biết, ông đã "tìm cách xoay xở để thay đổi một số điểm trong tuyên bố, từ đó làm dịu đi cách diễn đạt về lệnh trừng phạt đối với Nga".
"Đúng vậy, chúng tôi ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này không đồng quan điểm với một số quốc gia có mặt tại đây, nhưng chúng tôi cũng quyết định sẽ không áp đặt lệnh trừng phạt đối vưới Nga, bởi đây là chính sách mà Cộng hòa Serbia đang theo đuổi" – Ông Vucic nói.
Trước đó, nhà lãnh đạo Serbia cho rằng, "kịch bản Triều Tiên" là khả thi nhất với Ukraine (kết thúc bằng một hiệp định đình chiến và sự hình thành của 2 quốc gia riêng biệt - Triều Tiên và Hàn Quốc). Tuy nhiên, theo ông, trước khi có một giải pháp hòa bình thì sẽ có một cuộc chiến tranh dữ dội để "giành mọi tấc đất" ở Ukraine.
Báo Nga: Ông Vucic "đâm dao sau lưng Nga"
Theo trang tin News.ru (Nga), việc Tổng thống Serbia Vucic ký tuyên bố lên án hành động của Nga tại Ukraine không khác gì "nhát dao đâm sau lưng Moscow".
News.ru cho biết, trước đó, "lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, ông Vucic đã không chúc mừng sinh nhật Tổng thống Nga Vladimir Putin". Trước đó, nhà lãnh đạo Serbia được cho là đã 2 lần từ chối lời mời của ông Putin về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sắp diễn ra trong tháng 10 này.
Bình luận trên tờ Danas (Serbia), luật sư người Serbia Nikola Lakic cho biết, ông Vucic làm như vậy vì lo sợ phản ứng tiêu cực từ giới lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Lakic, hoàn cảnh đã thay đổi. Từ một đồng minh truyền thống của Nga ở Balkan, Serbia giờ đây đang bán vũ khí và đạn dược cho Ukraine để nhắm vào lực lượng Nga.
"Vì vậy, việc ông Vucic chúc mừng sinh nhật ông Putin sẽ trở thành điều hơi khó xử" – Ông Lakic nói.
Vũ khí từ đồng minh của Nga tới tay Ukraine
Theo hãng thông tấn N1 (Serbia), ông Zelensky đang quan tâm đến nguồn cung cấp vũ khí từ Bosnia & Herzegovina và Serbia. Trong đó, Bosnia đã xuất khẩu lượng vũ khí và đạn dược trị giá hơn 100 triệu mark (tương đương 55,5 triệu USD) sang Ukraine chỉ trong vòng 3 tháng.
"Hoạt động kinh doanh này đã được thiết lập trơn tru. Từ tây Balkan, vũ khí được chuyển đến Ukraine và Israel thông qua các bên trung gian. Vũ khí và đạn dược từ Serbia, Bosnia & Herzegovina đang được săn đón vì chúng cũng có nguồn gốc từ Nga, đáp ứng tốt nhu cầu của Ukraine" – Chuyên gia quân sự Djuro Kozar nhận định với N1.
Theo ông Kozar, 50.000 quả lựu đạn từ nhà máy Valjevo (Serbia) đã xuất hiện trên chiến trường Ukraine, mặc dù trước đó nước này tuyên bố rằng, "sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì cho khu vực xung đột".
Bên cạnh đó, theo News.ru, hững bức ảnh chụp tài liệu rò rỉ được công bố qua mạng xã hội X cho thấy Kiev nhận được tên lửa do công ty Krusik (Serbia) phân phối để dùng cho hệ thống phóng loạt từ tháng 2/2023.
Số lượng lên tới 3.500 tên lửa cỡ nòng 122mm. Đơn vị xuất khẩu trực tiếp cho Kiev là công ty Thổ Nhĩ Kỳ Arca Savunma Sanayi Ticaret Limited. Thông tin sau đó được đăng tải trên website Bộ Quốc phòng Ukraine.
Tổng thống Vucic từng tuyên bố việc vũ khí Serbia tới tay Ukraine là chủ đề bị "thổi phồng" bởi các bên muốn làm phức tạp hóa quan hệ Nga-Serbia.
Tuy nhiên, tới tháng 6 năm nay, ông Vucic cho biết, Serbia không xuất khẩu trực tiếp sang Ukraine nhưng nước này vẫn có hợp đồng với Mỹ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech...
"Sau đó, các nước này làm gì [với vũ khí nhập khẩu từ Serbia] thì đó là việc của họ" – Nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh.
Phản ứng của Nga
Bình luận về việc Tổng thống Serbia Vucic ký tuyên bố lên án hành động của Nga ở Ukraine, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Klimov cho rằng, ông Vucic "đã ký văn bản này dưới áp lực của phương Tây".
Theo vị chính trị gia, nhà lãnh đạo Serbia đang cố gắng xoay xở giữa Moscow và tập thể phương Tây, do Serbia bị bao quanh bởi các nước NATO.
"Tổng thống Vucic buộc phải hành động theo cách này do áp lực từ phương Tây. Họ (phương Tây) đang thắt chặt thòng lòng hơn nữa đối với Serbia qua từng tháng" – Ông Klimov nói.
Thượng nghị sĩ Nga nhấn mạnh rằng, phương Tây đang cố gắng buộc nhà lãnh đạo Serbia đứng về phía đối thủ của Moscow bằng cách sử dụng phương pháp này.
Theo Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov, Moscow buộc phải tiếp cận cực kỳ thận trọng với bất kỳ tình huống nào có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương Nga-Serbia.
"Chúng ta không còn nhiều đối tác và bạn bè ở châu Âu, và Serbia là một trong số đó. Tôi cho rằng hiện tại không phải lúc thích hợp để Nga làm lớn chuyện này" - Ông Kortunov nói.
Đáng lưu ý, không chỉ ký tuyên bố lên án hành động của Nga ở Ukraine, theo hãng thông tấn Anadoulu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10/10, ông Vucic còn thông báo sắp ký một hợp đồng năng lượng lớn với Mỹ vào tuần tới.
Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của Serbia trong nhiều năm tới, tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây còn là động thái của Belgrade nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.