1 nước tuyên bố khả năng đổ quân tới Kiev, đánh phủ đầu Nga: Moscow cảnh cáo biến kẻ gây sự thành hạt bụi

Minh Minh |

Sau khi thề "khiến Nga quỳ gối ở Ukraine", quốc gia này đã tuyên bố về khả năng tấn công phủ đầu Nga, đánh dấu một loạt động thái ngày càng táo bạo hơn.

Estonia tuyên bố khả năng điều quân tới Ukraine

Hãng thông tấn TASS (Nga) đưa tin, chính phủ Estonia đang cân nhắc khả năng điều quân tới tây Ukraine. Thông tin này do Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur đề cập trong bài bình luận trên đài phát thanh Polskie Radio cBa Lan).

"Trước hết, chúng tôi cần đảm bảo an toàn cho các nhân viên quân sự của mình (nếu điều tới Ukraine)", ông Pevkur nói, "việc gửi một lực lượng có quy mô lữ đoàn, cùng với trang thiết bị quân sự sẽ là mục tiêu lớn cho phép Nga dễ nhắm tới".

Theo TASS, phát ngôn này đã hé lộ quy mô lực lượng mà Estonia sắp đưa tới Ukraine, mặc dù trên danh nghĩa, nhóm quân này được cho là sẽ thực hiện các nhiệm vụ phi tác chiến. Ông Pevkur cho biết, quyết định điều quân tới Ukraine được đưa ra theo sự đồng thuận của các quốc gia NATO.

"Cần phải tính đến tất cả các vấn đề bảo vệ lực lượng, cũng như hậu cần. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục huấn luyện ở Ba Lan và Anh" - ông Pevkur cho hay.

Estonia đang tiến hành kế hoạch đưa quân tới Ukraine. Ảnh: Business Insider

Ngoài kế hoạch điều quân, Estonia đang đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Pevkur thông báo, Estonia đã cung cấp cho Kiev gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 100 triệu euro trong năm nay. Hiện Tallinn đang có kế hoạch tăng tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng để hỗ trợ Kiev.

"Chúng tôi đã nói với họ (Ukraine) rằng, chúng tôi sẽ cung cấp những gì tự mình sản xuất" - Ông Pevkur nói và tiết lộ rằng, Estonia đang cung cấp cho Kiev các thiết bị phân tích tình hình chiến đấu, máy bay không người lái, tàu quân sự, cùng súng chống máy bay không người lái. Hai phía đang tiếp tục đàm phán để mở rộng danh mục trang thiết bị có thể cung cấp.

Trước đó, trong một tuyên bố mang đầy tính thách thức vào ngày 25/5 khi bàn về xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Estonia Alar Karis tuyên bố, "điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn chỗ máy quân sự của Nga. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để buộc Nga phải 'quỳ gối'".

Theo tờ Financial Times, Estonia hiện là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất, và là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Kiev khi tính theo tỷ trọng GDP.

Estonia nêu khả năng tấn công phủ đầu Nga

Cùng với khả năng đưa quân tới Ukraine, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Estonia - Thiếu tướng Vahur Karus tuyên bố, Estonia "sẵn sàng phát động tấn công phủ đầu Nga" để bảo vệ NATO trong trường hợp Moscow cho thấy các dấu hiệu sẵn sàng tấn công liên minh này.

"Giờ đây, khả năng tấn công tầm xa của chúng ta đã được tính đến đầy đủ trong các kế hoạch của NATO. Liên minh này nói với chúng ta rằng, chúng ta phải 'chăm sóc' một số mục tiêu nhất định trên lãnh thổ Nga. Sau đó, NATO sẽ tới Estonia và tiến hành các bước tiếp theo" - Ông Karus nói.

"Chúng ta phải có khả năng tiêu diệt phía phát động tấn công Estonia ngay trên lãnh thổ của họ - nơi mà từ đó lực lượng tiến đánh Estonia được triển khai" - Ông Karus nhấn mạnh.

Căng thẳng giữa Estonia và Nga đang ngày càng gia tăng. Ảnh: LRT

Trước đó, hãng thông tấn Ural cho hay Estonia và Phần Lan đang có ý định đóng cửa Vịnh Phần Lan trên biển Baltic, chặn tàu Nga đi vào khu vực này.

Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia cho biết, cả hai phía đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cụ thể và sẵn sàng áp đặt biện pháp hạn chế quân sự đối với các hoạt động của Nga ở Baltic.

Bình luận về vấn đề này trong bài viết đăng ngày 5/4, trang tin Topwar (Nga) cho biết, Phần Lan và Estonia chỉ có thể đóng cửa Vịnh Phần Lan trong trường hợp tuyên chiến.

Tuy nhiên, phát ngôn của Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Estonia Vahur Karus đã cho thấy 2 điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, Estonia sẽ sớm có vũ khí tầm xa. Thứ hai, nước này đã "sẵn sàng", nhưng không phải để tự vệ mà tấn công Nga.

Theo trang tin này, những bước ngoặt như vậy đã hoàn toàn thay đổi tình hình trong khu vực, mở ra khả năng Estonia cùng hai nước vùng Baltic khác là Latvia và Lithuania có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga, buộc Moscow xem xét nghiêm túc mối đe dọa này và sẵn sàng đáp trả.

Phản ứng của Nga

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: The Moscow Times

Phản ứng trước phát ngôn của ông Karus, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật biến quốc gia "nhỏ bé nhưng ngạo mạn" thành hạt bụi.

"Một số lãnh đạo của các tổ chức quân sự, tổng tham mưu của các quốc gia nhỏ đã bàn đến khả năng phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào Nga. Có thể nói gì ở đây? Quốc gia càng nhỏ bé, thì sự kiêu ngạo của một số lãnh đạo điên rồ của quốc gia đó càng cao.

Không có gì nhiều để bình luận bởi vì khi những tuyên bố như vậy được đưa ra, mọi người chỉ cần tính đến một điều duy nhất: Trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đối với các quốc gia nhỏ dám đưa ra những tuyên bố đó, thì họ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, không còn lại gì ngoài một hạt bụi" - Ông Medvedev tuyên bố.

Đề cập tới ý định đóng cửa vịnh Phần Lan của Estonia, tờ RG (Nga) cảnh báo thêm rằng, "hãy nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Thổ Nhĩ Kỳ - theo yêu cầu của NATO - muốn đóng eo biển Bosphorus và Dardanelles để tàu Liên Xô đi qua, phản ứng của Moscow khi đó là gì?"

"Nếu các eo biển bị chặn thì một eo biển mới sẽ được tạo ra bằng tên lửa, tuy nhiên, "sau đó sẽ không còn Istanbul hay các khu định cư xung quanh" - RG viết - "đây gần như là cách Liên Xô phản ứng khi đó, và phương Tây đã phải lùi bước".

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, kế hoạch của Phần Lan và Estonia nhằm thiết lập ranh giới các vùng tiếp giáp của họ tại Vịnh Phần Lan "không được phép cản trở hoặc kiểm soát hoạt động vận chuyển (của tàu thuyền)".

"Không rõ chính quyền Phần Lan và Estonia đang nghĩ đến những mối đe dọa nào, nhưng chúng tôi tin rằng trong vấn đề này, họ cần nghiêm ngặt tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế" – Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại