Động lực nào thúc đẩy Nga đưa máy bay chở quân đến Venezuela, bỏ qua lời cảnh báo của Mỹ?

Quốc Vinh |

Với các mục tiêu toàn cầu, tình hữu nghị và lợi ích kinh tế của mình ở Venezuela – sẽ không có gì ngạc nhiên khi việc Nga gửi quân đội đến nước này có thể chính là để giúp đỡ chính quyền Maduro như những gì người Mỹ lo ngại.

Nga gần đây đã gửi hai máy bay quân sự mang binh sĩ và thiết bị đến Venezuela. Động thái này ngay sau đó đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ. Trong tuyên bố hôm 27/3, Tổng thống Donald Trump yêu cầu "Nga phải rời khỏi Venezuela" và Mỹ đang xem xét "tất cả mọi phương án" để đạt được mục đích này.

Bình luận về phát biểu của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: "Trước khi đưa ra lời khuyên cho ai đó cần phải rời khỏi nơi nào đó, Mỹ cần thực hiện cái định nghĩa rút quân của mình, đặc biệt là ở Syria.

Một tháng đã trôi qua, tôi muốn họ làm rõ liệu họ đã rút khỏi đó hay chưa. Trước khi chịu trách nhiệm về lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, tôi sẽ khuyên chính quyền Mỹ thực hiện những lời hứa đối với cộng đồng quốc tế ", bà Zakharova nói.

Nga đưa nhân viên quân sự đến Venezuela với mục đích gì?

Khoảng 100 binh sĩ Nga cùng trang thiết bị chưa xác định đã đến thủ đô Venezuela hôm 23/3. Mặc dù lý do quân đội Nga đến quốc gia Nam Mỹ ở thời điểm này vẫn chưa rõ ràng, một số ý kiến cho rằng Moscow muốn giúp đỡ Tổng thống Nicolás Maduro chống lại các nỗ lực phế truất ông mà người Mỹ đang khởi xướng.

Trong khi Nga trước đây từng gửi một vài cố vấn đến Venezuela, con số 100 lần này là nhiều hơn bình thường, tờ CBS News đưa tin .

Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức Chính phủ Mỹ thì tin rằng Nga chỉ đang cố gắng bảo vệ các nhân viên ngoại giao và các nhân viên khác ở Venezuela cũng như thực hiện bảo trì các thiết bị quân sự của họ ở nước này.

Nói cách khác, hơn 100 người Nga đang ở Venezuela không mang ý nghĩa giúp đỡ chính quyền Maduro theo quan điểm ở trên.

Trước đó, hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ đại sứ quán Nga cho biết, các sĩ quan Nga đến Venezuela để "trao đổi tham vấn". "Nga có nhiều hợp đồng đang trong quá trình thực hiện, các hợp đồng mang tính chất kỹ thuật quân sự", Spunik dẫn lời nguồn tin.

"Nga đang phát triển quan hệ hợp tác với Venezuela theo đúng hiến pháp và tôn trọng đầy đủ các quy định pháp lý của họ.

Sự hiện diện của các chuyên gia Nga tại Venezuela phù hợp với một thỏa thuận về hợp tác quân sự và kỹ thuật mà chính phủ hai nước ký hồi tháng 5/2001", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhấn mạnh.

Phó chủ tịch đảng Xã hội chủ nghĩa Venezuela, Diosdado Cabello ngày 25/3 xác nhận 2 máy bay của Nga đã đến nước này. Ông cũng khẳng định, máy bay Nga đến Venezuela với sự đồng ý của Chính phủ duy nhất hợp hiến tại Venezuela.

Dẫu vậy, một số quan chức và chuyên gia Mỹ vẫn cảnh giác, chủ yếu lo ngại rằng Moscow có thể can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng của Venezuela giống như ở Syria trong trường hợp cần thiết.

Kể từ tháng 1, chính quyền Trump, cùng với các Chính phủ ở Mỹ Latinh và châu Âu, đã kêu gọi Tổng thống Maduro từ chức, lấy cớ đất nước này đang trải qua giai đoạn sụp đổ kinh tế và khủng hoảng trong thời kỳ cầm quyền của ông.

Mỹ và những quốc gia đồng minh khác công nhận Guaidó, lãnh đạo quốc hội do phe đối lập kiểm soát là người thay thế ở Venezuela.

Về phần mình, Nga đã không chấp nhận điều này. "Sự can thiệp mang tính hủy diệt từ bên ngoài là vi phạm một cách trắng trợn các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", Tổng thống Nga Vladimir nhấn mạnh hôm 24/1.

Và trong khi Điện Kremlin khẳng định họ có quyền đưa quân đội Nga đến Venezuela, thì Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng về điều đó.

Theo bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc gọi ngày 25/3 rằng, "nước Mỹ sẽ không ngồi yên khi Nga làm gia tăng căng thẳng ở Venezuela".

Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Nga không chấp nhận quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Venezuela? Điều này xuất phát từ hai lý do chính.

Nga có quan hệ với Venezuela trong nhiều thập kỷ

Động lực nào thúc đẩy Nga đưa máy bay chở quân đến Venezuela, bỏ qua lời cảnh báo của Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Maduro.

Chính quyền Trump nói rằng họ muốn Tổng thống Maduro từ chức vì quản lý đất nước không tốt. Nhưng một số nhà phê bình tin rằng lý do chính là vì ông Trump muốn biến cuộc đối đầu với Venezuela thành một vấn đề sức nặng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Các trọng tâm của Mỹ về Venezuela đã dẫn đến một cuộc va chạm quy mô nhỏ với Nga.

Thoạt nhìn, có vẻ kỳ lạ khi Moscow vốn chỉ dành thời gian để cố gắng tạo ảnh hưởng ở châu Âu và Trung Đông, lại quan tâm rất nhiều đến một quốc gia Mỹ Latinh. Nhưng hóa ra Venezuela là mối quan tâm hàng đầu của Nga trong nhiều thập kỷ.

Lý do đầu tiên là liên minh chặt chẽ với Venezuela sẽ tạo cho nó một chỗ đứng vững chắc ở phần châu lục của người Mỹ. Nga, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Putin, có những kế hoạch để trở thành một cường quốc toàn cầu.

Việc gây dựng thêm nhiều ảnh hưởng ở Nam Mỹ là một cách để làm điều đó và có thể hạn chế sức mạnh của Washington trong mục tiêu này.

Nga đã xây dựng và duy trì tình hữu nghị với Venezuela thông qua nhiều đời lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Đây cũng là lý do khiến cho nỗ lực của Mỹ trong việc phế truất Tổng thống Maduro là điều khiến Moscow không hài lòng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp ông Maduro bị thay thế bởi nhân vật của Mỹ ủng hộ, chính quyền Venezuela sau này sẽ chỉ quan hệ thân thiết với Washington.

"Việc Venezuela rơi khỏi quỹ đạo của Nga sẽ là điều không tốt cho Điện Kremlin", Vladimir Rouvinski, một chuyên gia về quan hệ Nga-Venezuela tại đại học Cali của Colombia, viết trong một báo cáo tháng 2 cho Trung tâm Wilson ở Washington. "Moscow đang cố gắng hết sức để ngăn chặn điều này xảy ra".

Lý do thứ hai hoàn toàn là về kinh tế. Venezuela đã mua hàng tỷ đô thiết bị quân sự của Nga, đến mức gần như toàn bộ kho vũ khí hiện đại của nước này đến từ Nga. Moscow chắc chắn không muốn mất một khách hàng nổi bật như vậy.

Quan trọng hơn, các liên kết kinh tế hai nước thực sự tập trung vào dầu. Công ty dầu mỏ quốc gia của Nga, Rosneft, đã chi khoảng 9 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu mỏ của Venezuela kể từ năm 2010, theo Reuters.

Hơn nữa, Rosneft đang có quyền sở hữu hai mỏ khí đốt ngoài khơi ở Venezuela và có cổ phần trong khoảng 20 triệu tấn dầu thô ở đó.

Với các mục tiêu toàn cầu, tình hữu nghị và lợi ích kinh tế của mình ở Venezuela – sẽ không có gì ngạc nhiên khi việc Nga gửi quân đội đến nước này có thể chính là để giúp đỡ chính quyền Maduro như những gì người Mỹ lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại