Theo bài viết, cho tới nay, Không quân Mỹ vẫn là lực lượng không quân mạnh nhất trên thế giới. Ngoài chương trình huấn luyện chuyên nghiệp và học thuyết quân sự chặt chẽ, Không quân Mỹ còn cần tới các loại vũ khí hiện đại để luôn dẫn đầu các đối thủ.
Trong thập kỷ qua, ưu thế dẫn đầu trên không của Mỹ đã bắt đầu suy yếu khi Nga từng bước phục hồi sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và Trung Quốc bắt đầu nổi lên như một siêu cường.
Tuy nhiên, 5 hệ thống vũ khí dưới đây vẫn là xương sống của Không quân Mỹ, cho phép họ giữ ưu thế thêm một thời gian nữa trong tương lai, dù tình huống "không tưởng tượng nổi" xảy ra.
1. Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III
Mặc dù sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, năng lực răn đe hạt nhân chiến lược đã không còn rõ nét như trước nhưng duy trì năng lực này vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Không quân Mỹ.
Xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân Mỹ vẫn là các tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III từ những năm 1960. Khoảng 450 tên lửa Minuteman III cấu thành lực lượng răn đe trên bộ trong "bộ ba hạt nhân" của Mỹ.
Qua nhiều năm, mẫu tên lửa "lão làng" này đã được cải tiến, nâng cấp với động cơ rocket mới và các hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn. Mặc dù ban đầu được thiết kế để có thể mang 3 đầu đạn dẫn hướng độc lập, nhưng phiên bản hiện tại của Minuteman chỉ mang được 1 đầu đạn 300 kiloton.
Mỹ đang có kế hoạch tiếp tục nâng cấp tên lửa Minuteman nhưng trong tương lai, nó sẽ được thay thế hoàn toàn bằng một loại ICBM mới. Điều này chắc chắn sẽ diễn ra, chỉ không rõ là khi nào mà thôi.
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của lực lượng tên lửa hạt nhân Mỹ đã nhiều lần gây nghi ngại trong những năm qua. Do gian lận trong các bài kiểm tra, một số sĩ quan cấp cao đã bị sa thải. Những vụ việc này đã phủ bóng đen lên toàn bộ lực lượng tên lửa Mỹ.
2. Northrop Grumman B-2 Spirit
Phi đoàn máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit nhỏ bé là phương tiện tấn công thâm nhập tầm xa duy nhất trong kho vũ khí của Không quân Mỹ.
Hiện trong kho vũ khí của Không quân Mỹ không có loại máy bay nào khác có phạm vi hoạt động đủ xa để cất cánh từ lục địa Mỹ và tấn công các mục tiêu ở bên kia bán cầu, trong vùng không phận phức tạp.
Tầm hoạt động của B-2 (khi không tiếp nhiên liệu) vào khoảng 6.000 hải lý và khi được tiếp liệu có thể tăng đến 10.000 hải lý.
Cũng không có mẫu máy bay nào khác trong kho vũ khí của Không quân Mỹ đủ khả năng "xuyên thủng" các hệ thống phòng không mà B-2 được thiết kế để đảm nhiệm.
B-2 có khả năng bay sâu vào vùng "trái tim" của Liên Xô để thả bom nhiệt hạch trong trường hợp xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba.
Mặc dù chưa từng có cơ hội để thực hiện nhiệm vụ "ngày tận thế" ấy nhưng những khả năng trên cho phép B-2 tấn công bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất trong khi nó gần như không chịu tổn thất nào.
Ngoài ra, B-2 cũng rất khó bị phát hiện khi sử dụng radar tần số thấp hoạt động ở băng tần UHF và VHF.
Trở ngại đối với Không quân Mỹ là họ chỉ có 21 chiếc B-2 được đặt hàng trước khi chương trình này bị chấm dứt.
Trong số 21 chiếc B-2, đã có một chiếc bị thiệt hại. Không chỉ có quy mô nhỏ, các máy bay ném bom B-2 còn có lớp phủ nhạy cảm và chi phí duy trì vô cùng đắt đỏ.
Tệ hơn, các đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu phương thức đối phó B-2.
Không quân Mỹ đang tiến hành chương trình máy bay ném bom thế hệ mới gọi là Máy bay ném bom-tấn công tầm xa (LRSB), dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động vào giữa những năm 2020.
Không quân Mỹ hy vọng sẽ trang bị từ 80-100 chiếc LRSB với chi phí 550 triệu USD/chiếc, rẻ hơn nhiều so với đơn giá gần 2 tỷ USD của B-2.
3. Lockheed Martin F-22 Raptor
Với khả năng bay cao và nhanh, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor là mẫu máy bay chiếm ưu thế trên không ưu việt nhất từng được chế tạo.
Trên nhiều phương diện, việc chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với Không quân Mỹ.
F-22 có khả năng tàng hình cao, được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến. Nó có thể hành trình ở tốc độ siêu âm trên Mach 1.8, tại độ cao trên 18km trong thời gian dài. Khi bay ở tốc độ và độ cao thấp hơn, lực đẩy vector từ động cơ mang lại cho F-22 khả năng cơ động lớn.
Nói tóm lại, sự kết hợp giữa tốc độ, độ cao, khả năng tàng hình và cảm biến mạnh đã biến F-22 trở thành một "sát thủ" đáng sợ.
Vấn đề mà Không quân Mỹ phải đối mặt là họ chỉ có 186 chiếc Raptor trong kho vũ khí, chỉ đáp ứng được chưa đầy một nửa so với nhu cầu ban đầu. Trong 186 chiếc này, chỉ 120 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Màn trình diễn ấn tượng của F-22 tại triển lãm RIAT 2016
4. Boeing F-15E Strike Eagle
F-15E Strike Eagle là máy bay chiến đấu hạng nặng tầm xa của Không quân Mỹ. Chúng được thiết kế để thay thế mẫu General Dynamic F-111.
Hiện Không quân Mỹ có 213 chiếc F-15E trong biên chế. Không giống với phiên bản F-15C/D tập trung vào nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-15E có vai trò chính là máy bay tấn công. Nó có phạm vi hoạt động và khả năng mang tải lớn hơn bất cứ máy bay chiến đấu nào của Không quân Mỹ.
Ngay cả khi đảm nhiệm thêm vai trò tấn công không-đối-đất, F-15E vẫn là một mẫu máy bay đáng gờm, đặc biệt là trong các hoạt động tấn công ngoài tầm nhìn.
Giống như nhiều mẫu máy bay kỳ cựu của Không quân Mỹ, F-15E sẽ tiếp tục phục vụ cho tới những năm 2030. Không quân Mỹ hiện đang nâng cấp chúng bằng các radar quét mảng pha điện tử chủ động mới Raytheon APG-82 và một số loại khí tài hiện đại khác.
Tuy nhiên, một số phi công phàn nàn rằng các phiên bản F-15 mà Mỹ bán ra nước ngoài được trang bị tốt hơn nhiều so với các máy bay của họ.
Mặc dù các gói nâng cấp sẽ cho phép Strike Eagle duy trì hoạt động tới những năm 2030 nhưng Không quân Mỹ vẫn chưa có kế hoạch phát triển máy bay mới thay thế chúng.
Ban đầu, Không quân Mỹ hy vọng sẽ thay thế các máy bay Strike Eagle bằng một phiên bản của F-22 Raptor, tuy nhiên kế hoạch này đã phá sản khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hủy bỏ chương trình.
Một quan chức cấp cao trong Không quân Mỹ cho rằng, lực lượng này nên mở rộng sản xuất máy bay ném bom LRS-B trong tương lai để lấp chỗ trống, tuy nhiên, đó là ý kiến cá nhân của ông này, chưa phải là sách lược chính thức của Không quân Mỹ.
5. Máy bay tiếp dầu Boeing KC-135
Mặc dù ít được chú ý tới nhưng điều làm nên nét đặc sắc riêng của Không quân Mỹ so với các lực lượng không quân khác trên thế giới chính là khả năng tấn công mục tiêu toàn cầu.
Các máy bay tiếp dầu trên không KC-135 cho phép Không quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, phương tiện chiến đấu của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng phụ thuộc vào các máy bay tiếp dầu của Không quân Mỹ để thực hiện nhiệm vụ tầm xa.
Tuy nhiên, các máy bay KC-135 hiện đã cũ và cần được thay thế nhanh chóng. Không quân Mỹ đã tiến hành một số nỗ lực để cơ cấu lại một phần phi đoàn máy bay tiếp dầu trong 2 thập kỷ qua, chẳng hạn như chương trình máy bay tiếp dầu KC-46.
Song, dù được tăng cường 179 chiếc KC-46 vào năm 2028, phần lớn phi đoàn máy bay tiếp dầu của Không quân Mỹ vẫn là KC-135.
Không quân Mỹ hy vọng có thể tiến hành một số chương trình cạnh tranh sau đó để tìm kiếm mẫu máy bay mới thay thế phần còn lại của hạm đội này.