Vào ngày 22/4, ngoại trưởng các nước Nga , Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức hội nghị về tình hình ở Syria trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Astana. Vào giai đoạn cuối cuộc chiến ở Syria, ba quốc gia thế lực nhất vẫn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng tuyệt đối trong khu vực. Trong khi đó, đã có sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các nhóm phiến quân ở Idlib và sự bất mãn đối với Mỹ.
Tuần trước, hơn hai chục chiến binh từ nhóm Jaysh Maghawir al-Thawra hoạt động tại khu vực At-Tanf do Mỹ kiểm soát, đã đầu hàng Quân đội Ả Rập Syria.
Đáng chú ý hơn, vào ngày 20/4, các nhóm không xác định đã tấn công và phá hủy một xe quân sự của Mỹ tại tỉnh Al-Hasakah. Đồng thời, tại Idlib, các chiến binh thánh chiến đang chia rẽ trong cách phản ứng đối với cuộc tuần tra chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trên đường cao tốc M4.
Bất mãn với Mỹ
"Những sự cố và sự bất mãn của phiến quân đối với việc Mỹ chiếm đóng bất hợp pháp ở miền Đông Syria là không thể tránh khỏi và đang gia tăng về tần suất lẫn cường độ leo thang", Mark Sleboda, một nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế của Mỹ nói với Sputnik.
"Một trong những lý do chính cho sự bất mãn này là do các bộ lạc Ả Rập tại địa phương cảm thấy không hài lòng khi bị chi phối bởi các lực lượng thân Mỹ như Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG)".
Mỹ đã tăng cường quân sự ở miền Đông Syria trong những tháng gần đây, đặc biệt là xung quanh các mỏ dầu của Syria. Theo nhà phân tích Sleboda, Washington "không thể dễ dàng từ bỏ lá bài cuối cùng để thúc đẩy mục tiêu lật đổ chính quyền Damascus thông qua đe dọa về chính trị và kinh tế".
Điều này xuất phát bởi lý do Mỹ không thể dựa vào bất kỳ lực lượng dân quân nào ở Syria vì tất cả đã bị đánh bại trước bước tiến giành lại lãnh thổ của quân đội Syria, nhà phân tích chính trị Christopher Assad nhấn mạnh.
Cuối cùng tất cả quân đội nước ngoài sẽ phải rút vô điều kiện khỏi tất cả các lãnh thổ Syria, đặc biệt là những quốc gia có sự hiện diện bất hợp pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu khuất phục?
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn cách tuân thủ cam kết với Nga.
Trong khi đó, ở Idlib, các nhóm chiến binh đã có sự chia rẽ về hoạt động tuần tra quân sự chung của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trên đường cao tốc M4 chiến lược kéo dài từ Latakia đến Saraqib.
Al-Monitor dẫn nguồn tin địa phương nói rằng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm chiến binh đồng minh đã liên tục quấy phá ở đường cao tốc M4. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cử lực lượng đến trấn áp.
"Có sự chia rẽ nhất định giữa các nhóm thánh chiến ở Idlib về việc chấp nhận hay không lệnh ngừng bắn mới nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi có các nhóm cho rằng thỏa thuận sẽ buộc họ phải nhường lại quyền kiểm soát Idlib ở phía Nam đường cao tốc M4", chuyên gia Mark Sleboda nhận định.
Trong đó sự chia rẽ lớn nhất là giữa nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trực tiếp là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) và HTS - nhóm khủng bố nắm quyền kiểm soát hầu hết Idlib.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã giải tán các cuộc tụ tập quấy phá của những kẻ khiêu khích nhưng không hoàn toàn thực hiện việc giải giáp vũ khí hoặc loại bỏ các chiến binh thánh chiến ở phía Nam M4 theo yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn Sochi năm 2018.
Hơn nữa, những kẻ thánh chiến này vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chống lại lực lượng Syria và Nga ở các khu vực xung quanh Idlib..
"Trước đây, Ankara từng nhiều lần vấp phải sự chỉ trích từ Moscow và Damascus vì đã không tuân thủ đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Sochi năm 2018. Tuy nhiên, lần này Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã thể hiện cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3", Ghassan Kadi, một chuyên gia Trung Đông nói với Sputnik.
"Thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3 là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Erdogan thực hiện các điều khoản của tất cả các thỏa thuận trước đây mà ông đã cam kết với Nga. Bằng không, ông sẽ đối mặt với sự thất bại cũng như mất thể diện", chuyên gia Kadi đánh giá.
Không ngạc nhiên khi Ankara có những động thái mạnh tay để ngăn chặn các hành động quấy phá ở cao tốc M-4. Theo giới phân tích, thành công của lực lượng Syria ở Idlib và quyết tâm của Nga trong duy trì an ninh và trật tự ở khu vực có thể đã thuyết phục được Ankara gây áp lực lên các chiến binh.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không cân bằng thành công lợi ích của cả ba ở Syria sau sự leo thang gần đây ở Idlib. Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra sự chia rẽ cho bộ ba đã thất bại.
"Mỹ đã không thành công trong việc thọc gậy bánh xe giữa Moscow và Ankara bởi vì cả hai vẫn kiềm chế căng thẳng ở Syria, thậm chí còn có chung sự phẫn nộ khi Mỹ chiếm đóng miền Đông Syria với lực lượng người Kurd", chuyên gia Sleboda lưu ý.