Sáng ngày 22/3 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc dân sự giải quyết yêu cầu cấp giấy chứng tử với nguyên đơn con gái ông Phan và bị đơn là Bệnh viện Địa Đàn.
Thi thể hai năm không được an táng
Hai năm trước, ông Phan bị suy gan và phải nhập viện. Sau một tháng rưỡi điều trị không hiệu quả tại bệnh viện, bệnh nhân tử vong ngày 28/12/2014.
Con gái ông Phan cho biết bố mình qua đời đến nay đã hơn hai năm trôi qua nhưng thi thể của ông vẫn nằm trong nhà xác và chưa được đưa đi hỏa táng là do bệnh viện không chịu cấp giấy chứng tử.
Thi thể ông Phan hiện vẫn ở trong nhà xác của bệnh viện Địa Đàn do tranh chấp giữa con gái và người cháu. Ảnh minh họa.
Tại Tòa án, chị Phan yêu cầu phía bị đơn phải ngay lập tức cấp giấy chứng tử của bố mình cho chị đồng thời miễn toàn bộ chi phí bảo quản xác chết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Địa Đàn cho rằng, sở dĩ chưa cấp giấy chứng tử cho chị vì sự việc này còn liên quan đến người thứ ba mang họ Lưu, cháu trai của ông Phan.
Theo phía Bệnh viện, gia đình bệnh nhân tử vong có mâu thuẫn nội bộ nên cùng lúc có hai thân nhân làm đơn xin cấp giấy chứng tử. Cụ thể, Bệnh viện nhận được hai đơn xin cấp giấy chứng tử của chị Phan và anh Lưu vì vậy không biết nên cấp giấy chứng tử cho ai.
Phía Bệnh viện nói, anh Lưu là người làm thủ tục nhập viện và đã tạm ứng trước 160 nghìn Nhân dân tệ (NDT) viện phí đợt một.
“Chúng tôi quan sát thấy mối quan hệ của anh Lưu và ông Phan khá thân thiết. Lưu nói với chúng tôi, ông Phan đã ly hôn từ lâu. Tòa án khi đó đưa ra phán quyết quyền nuôi con thuộc về người vợ.
Chị Phan tuy là con đẻ nhưng không sống cùng bố và cũng không thường xuyên chăm sóc cho ông, đặc biệt khi ông cụ đổ bệnh. Anh Lưu gánh vác gần như toàn bộ nghĩa vụ chăm sóc ông Phan”, lãnh đạo bệnh viện cho hay.
Bí mật đằng sau giấy chứng tử
Theo Chinanews, chị Phan và anh Lưu đang có tranh cãi với nhau về việc nộp tiền viện phí. Chị Phan chỉ chấp nhận chi trả khoản viện phí đợt hai, đồng thời yêu cầu anh Lưu giao trả cho chị Sổ hộ khẩu của ông Phan.
Tuy nhiên, anh Lưu không đồng ý. Hai bên vì thế xảy ra mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung.
“Lưu yêu cầu chúng tôi cấp giấy chứng tử vì anh đã thanh toán lệ phí xin cấp. Lưu nói ông Phan có một khoản tiền dự án chưa kịp nhận và người nhà phải có giấy chứng tử mới có thể nhận tiền.
Lưu cho rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm nếu anh không nhận được khoản tiền đó”, lãnh đạo Bệnh viện Địa Đàn trình bày trước Tòa.
Vì điều đó mà Bệnh viện đến nay chưa thể cấp giấy chứng tử. Đơn vị này cho rằng, người nhà bệnh nhân nên tự hòa giải để cùng đến bệnh viện tìm cách giải quyết, nếu không Bệnh viện chỉ có thể làm theo quy định.
Ngoài ra, người nhà ông Phan chưa thanh toán khoản viện phí còn thiếu là 148 nghìn NDT. Chị Phan không đồng ý chi trả toàn bộ số tiền này nên Bệnh viện Địa Đàn cũng không thể xử lý khoản tiền 160 nghìn NDT mà anh Lưu đã tạm ứng khi làm thủ tục nhập viện.
Vì muốn tranh giành khoản tiền ông Phan chưa được lĩnh, con gái và cháu của ông Phan đã để người thân của mình trong nhà xác 2 năm không được chôn cất.
“Khi chị Phan trao đổi với Bệnh viện Địa Đàn, nhân viên tại đây có nói rằng chỉ cần nộp đầy đủ viện phí là có thể cấp giấy chứng tử.
Điều này làm cho phía nguyên đơn hiểu nhầm rằng Bệnh viện Địa Đàn không cấp giấy chứng tử đơn thuần vì vấn đề viện phí”, luật sư đại diện phía bị đơn cho hay.
Trước đó, phía nguyên đơn cho rằng, Bệnh viện phải cấp giấy chứng tử ngay sau khi bệnh nhân tử vong vì không có điều luật nào quy định người nhà phải thanh toán toàn bộ viện phí mới được cấp giấy chứng tử.
Theo quy định của Chính phủ Trung Quốc, giấy chứng tử có thể cấp cho chủ hộ, họ hàng thân thích, người cấp dưỡng hay thậm chí là hàng xóm láng giềng. Ngoài ra, giấy chứng tử có thể cấp cho cả hộ gia đình, không nhất thiết phải là một đối tượng cụ thể.
Lãnh đạo Bệnh viện nói, anh Lưu và phía nguyên đơn là chị Phan đều là thân nhân người chết, hiện tại hai người này độc lập yêu cầu bệnh viện cấp giấy chứng tử. Tuy nhiên, giấy chứng tử chỉ có thể cấp một bản duy nhất.
“Chúng tôi không thể tưởng tượng được sự việc này lại có thể xảy ra khi mà nguyên nhân thi thể hai năm chưa được an táng xuất phát từ mâu thuẫn không thể tự giải quyết của thân nhân người quá cố”, vị luật sư đại diện phía bị đơn có chút kích động nói.
Sau nhiều giờ đối chất tại Tòa án, vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.