Tại sao lại như vậy? Lý do là vì các loại thực phẩm ở đây đã quá hạn sử dụng hoặc có bao bì bị hỏng khiến chúng phải bị thải ra khỏi các cửa hàng thông thường.
WeFood, mở cửa vào ngày 22 tháng 2 vừa rồi, là siêu thị đầu tiên của Đan Mạch bán thực phẩm dư thừa, nhằm mục đích cắt giảm lượng thực phẩm lãng phí khổng lồ mỗi ngày – khoảng 700.000 tấn ở Đan Mạch, và 1,3 tỉ tấn trên toàn thế giới.
Theo Folkekirkens Nodhjaelp – tổ chức phi lợi nhuận thực hiện dự án này trong năm qua – WeFood hy vọng sẽ thu hút được cả những khách hàng quan tâm đến môi trường lẫn những người có thu nhập thấp.
Đã có một quan chức chính phủ tán dương nỗ lực này – vốn phải trải qua rất nhiều tranh cãi về mặt pháp lý để thực hiện – đó chính là Bộ trưởng Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch Eva Kjer Hansen, người gọi lượng thực phẩm bị lãng phí mỗi năm là “ lố bịch ”.
Đan Mạch là nước làm rất tốt công việc quản lý thực phẩm của mình. Nước này đã giảm được 25% lượng thực phẩm lãng phí so với 5 năm trước và rất nhiều siêu thị ở Đan Mạch bán thực phẩm gần hết hạn sử dụng với giá ưu đãi.
Tại châu Âu, Pháp cũng cấm các siêu thị vứt đi các loại thực phẩm không bán được và yêu cầu các nhà hàng cung cấp các loại hộp chứa đồ ăn thừa.
Những dấu hiệu này cho thấy cuộc đấu tranh giảm lượng thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới vẫn là một con đường rất dài. Ngày nay ở Mỹ chẳng hạn, người ta vứt đi lượng thực phẩm nhiều hơn 50% so với năm 1990.
Vì thế, nhìn vào những dự án truyền cảm hứng tích cực như WeFood có thể giúp các nước khác đặt ra các ưu tiên phù hợp với hoàn cảnh của chính mình.