Trong ngành công nghiệp thời trang đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay, người mẫu cùng với những bộ đồ xúng xính trên sàn catwalk mới là tâm điểm thu hút những ống kính, những chiếc máy quay.
Thế nhưng, đối với khách hàng, thứ có thể thu hút họ bước vào một cửa hiệu thời trang lại là những cô nàng, anh chàng ma nơ canh được đặt ngay cửa hàng, cửa hiệu.
Ma nơ canh đều có đặc điểm chung là thân hình thon gọn, toát lên sự sang trọng và lôi kéo được ánh mắt của người qua đường. Mặc dù bị “đóng đinh” ở một vị trí nhưng đây lại là yếu tố quan trọng khiến khách hàng vô tình đi ngang qua phải dừng lại.
Những cô nàng ma nơ canh được đặt bên ngoài một cửa hàng thời trang.
Hoặc ít nhất, nó sẽ khiến họ mất tập trung trong một vài giây và sau đó là tính toán xem ví tiền có cho phép mình sở hữu bộ đồ đang được khoác trên người ma nơ canh hay không.
Trong ngành công nghiệp thời trang, ma nơ canh từ lâu đã trở thành không thể thiếu, bởi đó chính là những công cụ quảng cáo sản phẩm hữu hiệu. Và dù không có linh hồn, nhưng ma nơ canh không hề bất tử.
Riêng nhiếp ảnh gia người Israel Oded Bality – người từng đoạt giải Pulitzer thì không nghĩ như vậy. “Sau khi chụp và chỉnh sửa những bức ảnh, tôi đã nhìn thấy một chút sự sống trong những con ma nơ canh. Chúng không phải là một khối nhựa vô tri”.
Những con ma nơ canh đang được công nhân hoàn thiện trước khi xuất xưởng.
Những tấm ảnh của Balilty dưới đây sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn rõ nét hơn về cuộc đời của những ma nơ canh, từ khi chúng “chào đời” cho đến khi kết thúc sứ mệnh ở những kho phế liệu.
Để thực hiện ý đồ của mình, nhiếp ảnh gia này đến thăm nhà máy sản xuất ma nơ canh “Người hạnh phúc” ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc và nhà máy Goldsmith ở New York, Mỹ.
Trong những căn nhà kho rộng lớn tại đây, những cánh tay treo lủng lẳng trên trần nhà, bên cạnh đó là hàng tá những cái đầu làm bằng nguyên liệu tổng hợp. Phần thân ma nơ canh được làm bằng bằng sợi thủy tinh.
Hàng trăm ma nơ canh vô danh được xếp thành hàng dọc, đợi chờ để được công nhân thổi cát, làm sạch, tô vẽ rồi đánh bóng.
“Tôi cảm thấy như chúng đang thì thầm với nhau mỗi khi tôi quay lưng lại”, Balilty nói.
Mỗi ma nơ canh có giá 55 USD. Sau khi được bán, chúng sẽ được bọc trong túi nilong trước khi được chuyển đến các cửa hàng thời trang trên toàn thế giới.
Thậm chí, một số ma nơ canh còn được được trang điểm kỹ lưỡng trước khi được bán ra ngoài.
Những tấm ảnh của Balilty cũng cho thấy cách những ma nơ canh lọt vào tầm ngắm của khách hàng: Bốn “người mẫu giả” được đặt trên một con đường ở Bắc Kinh, khoác lên mình những chiếc áo lông sang trọng.
Một con khác xuất hiện trên chiếc xe diễu hành dọc qua các con phố ở Tel Aviv – Israel, với bộ trang phục truyền thống cho lễ Purim – một trong những ngày lễ lớn của người Do Thái.
Trong khi đó trong một cửa hàng thời trang ở New York, một ma nơ canh chống tay nhin ra ngoài cửa sổ.
Thế nhưng, xu hướng thời trang thay đổi rất nhanh theo thời gian. Và lẽ tất nhiên, vòng đời của ma nơ canh vì thế cũng nhanh chóng kết thúc khi rơi vào trạng thái không còn giá trị sử dụng.
Chúng nhanh chóng bị đưa ra một bãi rác hay tống khứ vào một nhà kho nào đó chờ xử lý. Sự lung linh, tráng lệ ngày nào nhanh chóng bị thay thế bởi sự khắc nghiệt của môi trường và thời tiết bên ngoài.
Tuy nhiên điều khiến cho Balilty thấy khó hiểu hơn cả chính là những yêu cầu của những người chủ cửa hàng thời trang khi đặt mua công cụ quảng cáo này.
Ông nhận ra rằng họ đều muốn nhà sản xuất tạo ra những con ma nơ canh giống hệt nhau về dáng dấp, ngoại hình.
“Những con ma nơ canh luôn được tạo ra với hình dáng từa tựa nhau, dựa theo những gì mà xã hội này tin rằng đó là hình mẫu lý tưởng của cơ thể người”, Bality nhận xét. Và theo nhiếp ảnh gia này, đó là một lối tư duy sai lầm.
“Phụ nữ là nhóm khách hàng được nhắm đến mạnh nhất và ngành công nghiệp thời trang đã tẩy não họ, đưa vào đầu họ một tiêu chuẩn duy nhất về cái đẹp. Thé nhưng, tiêu chuẩn đó rất xa rời với cuộc sống này.”