Ám ảnh về “lời nguyền” đoản mệnh, vô sinh
Nhà Minh có 16 vị Hoàng đế, nhưng ngoại trừ Minh Thái Tổ, Minh Thành Tổ thọ hơn 60 tuổi, những vị còn lại đều có thọ mệnh không dài.
Trong số đó, chỉ có hai người thuộc vào hàng “tốt số” là vua Gia Tĩnh ( thọ 60 tuổi) và vua Vạn Lịch (58 tuổi). Các vị Hoàng đế còn lại đa số đều qua đời ở tầm tuổi tứ tuần.
Đoản mệnh nhất phải kể tới trường hợp của Minh Hi Tông khi qua đời ở tuổi 23. Minh Võ Tông cũng chỉ thọ tới 31 tuổi. Mặc dù thọ mệnh của các vị vua trong lịch sử Trung Quốc không dài, nhưng tuổi thọ ngắn như vậy cũng coi là hiếm thấy.
Trên thực tế, quan lại thời Minh – Thanh sống tới tuổi 60, 70 nhiều vô số. Các quan viên tiến nhập vào nội các của Minh triều hầu hết đã qua tuổi 50. Người 70 tuổi làm quan cũng là điều thường gặp.
Thanh triều ngoại trừ Thuận Trị vì bệnh đậu mùa mà qua đời sớm, các Hoàng đế khác đều sống rất thọ. Vậy, nguyên nhân gì khiến cho các vị vua Minh triều đoản mệnh? Một trong những giả thiết được đặt ra là yếu tố sức khỏe.
Tố chất thân thể của các vua nhà Minh hầu hết đều không tốt. Minh Hiến Tông tuổi chưa tới 30 đã than thở cảm thấy “Tuổi già tới”. Ttừ khi sinh ra, thân thể ông đã yếu ớt.
Thái Tông, Mục Tông, Thần Tông sức khỏe cũng không tốt, phải đưa ra ngoài cung nuôi lớn. Quang Tông, Hi Tông lại càng không muốn bàn về sức khỏe của mình.
Kỳ lạ ở chỗ dù cùng là con cháu họ Chu, nhưng dòng dõi của Thái Tổ lại sinh ra những người vô cùng trường thọ. Các thân vương, quận vương này đều sống tới 70, 80 tuổi, thậm chí còn có tới trăm con. Điều này chứng minh rằng hoàng thất Minh triều vốn không phải trời sinh đã có thể chất yếu ớt.
Rất có thể, từ thời Minh Thành Tổ Chu Đệ, con cháu Chu gia đã mắc phải một căn bệnh di truyền dẫn tới thân thể yếu. Dựa vào tương quan giữa số lượng hậu duệ được sinh cùng với số yểu mệnh, vô sinh của dòng dõi Chu Đệ, ta có thể thấy rõ điều bất thường này.
Lời nguyền đoản mệnh, vô sinh đã đeo bám qua nhiều đời Hoàng đế Minh triều.
Đầu tiên phải kể tới chính Minh Thành Tổ. Ngoại trừ Thái tử, Chu Đệ chỉ có hai người con trai sống được tới tuổi trưởng thành, được phong làm phiên vương.
Con của Minh Thành Tổ là Minh Nhân Tông có 9 người con trong số này có một người chết non, được truy phong. Còn lại có tới bốn người không có con nối dõi. Như vậy, số con trai yểu mệnh và vô sinh của vị vua này có tới quá nửa.
Vua Tuyên Tông có 7 người con trai được phong vương, trong đó có 3 người không con nối dõi. Số lượng con trai vô sinh này chiếm nửa non. Minh Anh Tông chỉ có duy nhất một con trai, sau này chính là vua Hiến Tông.
Éo le hơn cả là vua Minh Đại Tông, Các con trai của vị vua này, bao gồm cả Thái tử, đều qua đời khi chưa đến tuổi thành niên.
Hiến Tông có 10 người con trai được phong vương, nhưng có tới 6 người không con nối dõi. Số còn lại ngoài một người qua đời vì tai nạn, ngoài ra đều bị bệnh tật mà chết. Như vậy, số con trai vô sinh và bệnh tật của vị vua này cũng chiếm hơn phân nửa.
Minh Hiếu Tông chỉ có một con trai sống qua tuổi thành niên, sau này chính là vua Võ Tông.
Minh Thái Tông có 7 con trai thì tới 4 người chết non, một người được phong làm Thái tử, hai vị phiên vương còn lại một người vì bệnh mà qua đời, một người không có con nối dõi.
Minh Mục Tông sau này cũng chỉ có hai con trai, một làm Thái tử, một được phong là phiên vương.
Căn bệnh di truyền bí ẩn đeo bám Minh triều
Từ những minh chứng trên, có thể thấy rõ từ thời vua Minh Hiếu Tông, dòng trưởng của hoàng thất Minh triều đều vô cùng thưa thớt hậu duệ. Vua Hiếu Tông, Thái Tông đều độc đinh, Võ Tông không con, Mục Tông cũng chỉ có hai người nối dõi.
Từ đời của Minh Thành Tổ Chu Đệ tới Sùng Trinh Hoàng đế, chỉ có 17 vị phiên vương để lại hậu duệ. Số phiên vương bị tuyệt tự có 13 người. Số người chết non hay qua đời trước tuổi thành niên nhiều không kể hết.
Trong khi đó, chỉ tính riêng Chu Nguyên Chương đã để lại 22 vị phiên vương. Hầu hết những người này đều có con nối dõi. Lấy con cháu từ thời Chu Đệ trở đi cộng lại, đều thua kém so với vị Hoàng đế khai quốc này.
Hơn nữa những người thuộc dòng dõi Thái Tổ đều có khả năng sinh dục mạnh mẽ. Có thể kể tới Tấn vương có tới hơn 100 người con, Túc vương con cháu nhiều vô kể.
Trong khi đó, các vị vua từ thời Minh Thành Tổ đều có khả năng sinh dục không cao, nhiều con cháu chết non. Những điều này chứng tỏ gia tộc của Chu gia kể từ Chu Đệ rất có khả năng đã mang một căn bệnh di truyền bí ẩn.
Liên hệ với sự kiện Chu Đệ đột tử trên đường xuất chinh, nhiều người cho rằng căn bệnh ám ảnh triều đại này rất có thể là bệnh về tim mạch. Không chỉ có khả năng di truyền, các chứng bệnh về tim mạch còn ảnh hưởng tới sinh lý nam giới và gây ra đột quỵ.
Giả thiết này cũng là lời lý giải hợp lý cho những cái chết đột ngột của các vị vua sau này như Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và sự đoản mệnh của hoàng thất Minh triều sau này.