Bạn đã từng trải qua 3, 4 tiếng đồng hồ thậm chí đến nửa ngày trên máy bay mà không phút nào yên tính vì tiếng kêu khóc của những em bé xung quanh?
Bạn đã từng phát điên lên vì tiếng ồn của những đứa trẻ? Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi liệu có nên tách riêng trẻ em ồn ào ra khỏi những nơi công cộng cần sự yên tĩnh như trên máy bay?
Câu trả lời của Yonden Lhatoo, nhà báo có tiếng của tờ South China Morning Post, sau khi bị “tra tấn” hàng giờ đồng hồ trên máy bay bởi tiếng kêu khóc của trẻ nhỏ là “có”.
Ý kiến của “nạn nhân”
Yonden Lhatoo cho hay, trước kia ông luôn đồng ý với câu châm ngôn từ thế kỉ 15 cho rằng chúng ta chỉ cần quan sát một đứa trẻ và bỏ qua âm thanh của chúng.
Nhưng quan điểm của ông về những thiên thần nhỏ đã hoàn toàn thay đổi sau chuyến bay dài 6 tiếng đồng hồ bị mắc kẹt trong chiếc ghế ngồi hạng phổ thông vốn thiếu chỗ để chân và chỗ dựa lưng không thoải mái.
Nhưng vấn đề đau đầu hơn nằm ở chỗ, có đến 1 tá trẻ em xung quanh ông, tạo ra cường độ âm thanh lên đến 11db.
Theo tác giả bài báo, có lẽ cần phạt xử phạt nghiêm đối với những đứa trẻ gây ồn ào trên máy bay.
“Mỗi khi có một đứa trẻ gào lên vì vòi vĩnh, không vừa ý hay bất cứ một cảm xúc nào đó thì những đứa khác lập tức hưởng ứng như một giàn giao hưởng với tác dụng không kém gì một quả búa tạ bổ xuống đầu các hành khách.” – ông Yonden Lhatoo cho biết.
Và dàn giao hưởng “khủng bố” đó kéo dài suốt đêm.
Theo Yonden Lhatoo, các hãng hàng không nên cung cấp các chuyến bay đặc biệt mỗi lần một tuần để dành riêng cho những đứa trẻ vô phép tắc và bố mẹ của chúng. Họ có thể tự khủng bố lẫn nhau thay vì làm phiền những hành khách vô tội.
Còn những đứa trẻ quấy khóc trên những chuyến bay thường sẽ bị bắt và còng tay giống người lớn khi họ phạm tội quấy rối trật tự nơi công cộng.
Bố mẹ của các em bé này cũng phải chịu mức phạt tương tự vì đã “dung túng” cho hành vi náo loạn của con mình.
Việc bắt trẻ nhỏ phải giữ trật tự trên suốt một chuyến bay dài là điều không dễ, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có biện pháp dạy bảo nghiêm túc đối với con trẻ.
Vấn đề nằm ở đâu?
“Trước khi bị gắn mác là ghét trẻ em, tôi xin thanh minh rằng tôi rất yêu chúng. Tuy nhiên, tôi chỉ không tán thành với các ông bố bà mẹ cho rằng con cái của mình luôn là thiên sứ trong khi chúng hành động như những ác quỷ từ địa ngục.
Tôi cũng hiểu rằng tai của trẻ bị tổn thương bởi sự chênh lệch áp suất trong cabin máy bay, nhưng cái tôi muốn nói đến ở đây là cách hành xử của những đứa trẻ ở tuổi nhà trẻ hoặc ít nhất là đã đủ lớn để hiểu những từ ngữ phức tạp hơn là những âm thanh “suỵt suỵt”.
Một số đứa thậm chí là nổi hứng ương bướng và phá phách chỉ với niềm tin đơn thuần là chúng sẽ không phải gánh chịu bất cứ hậu quả gì.
Tuy tôi phản đối nạn trừng phạt thân thể đối với trẻ em, nhưng rõ ràng trong một số trường hợp như trên, câu thành ngữ “thương cho roi cho vọt” hoàn toàn chưa lỗi thời”, Yonden Lhatoo nói.
Cũng theo nhà báo này, các bậc phụ huynh cho rằng họ không có lỗi gì trong những hành vi quấy quả ở nơi công cộng của con cái họ bởi lý do “thế mới là trẻ con”, là những người vô trách nhiệm.
Tất nhiên việc họ tự chọn ngược đãi bản thân bởi những đứa con “không kỷ luật” là điều hoàn toàn bình thường, nhưng liệu có thể chấp nhận được khi những người vô tội xung quanh cũng phải chịu sự quấy rầy đó?
Theo nhà báo Yonden Lhatoo, các chuyến bay hiện nay đã quá đủ những tên "khủng bố nhí".
Những ông bố bà mẹ trong trường hợp này có thể đặt ra câu hỏi: “Như thế có nghĩa là chúng tôi không được mang con lên máy bay?”
Câu trả lời ở đây rõ ràng là “đúng”, đặc biệt là khi những sinh vật nhỏ này chưa bao giờ biết đến 2 chữ “kỷ luật”.
Danh hài người Mỹ Jim Gaffigan đã từng ví: “Đi du lịch với các cậu bé 3-4 tuổi giống như đi áp giải một nhóm tù nhân ra khỏi nhà tù, và người áp giải luôn phải tỉnh táo.” Và nhiều cha mẹ cũng phải công nhận điều này.
Rõ ràng, vấn đề ở đây là do quan điểm giáo dục con cái của những người làm cha, mẹ.
Và những đứa trẻ chỉ là nạn nhân của sự nuông chiều vô phép tắc của họ, như một nhà văn Canada đã từng nói: “Chúng ta nói nhiều về việc để lại một hành tinh tốt cho thế hệ mai sau mà quên mất việc phải tạo ra những đứa trẻ ngoan cho hành tinh này.”