Sun Mingmei luôn mong muốn có một đứa con thứ hai. Khi cô phát hiện ra mình có bầu đứa bé mình mơ ước, Sun vui lắm. Thế nhưng niềm vui chẳng dài, chỉ vài ngày sau, đứa bé chẳng còn, bởi lẽ, cô đã có một đứa con gái từ trước.
Theo chính sách một con trước đây của Trung Quốc, nếu như Sun muốn giữ lại đứa bé, cô buộc phải trả khoản phạt lên đến 200.000 Tệ (tương đương hơn 600 triệu VNĐ). Con số này quá lớn so với kinh tế của gia đình Sun Mingmei.
Và thế là, khi cái thai chỉ mới được 2 tháng tuổi, người mẹ này buộc phải từ bỏ nó, từ bỏ đứa bé mà cô hàng mong muốn.
"Tôi không biết được cái thai là con trai hay con gái. Giả như mà biết, có lẽ việc đưa ra quyết định phá thai sẽ khó khăn hơn nhiều", Sun chia sẻ.
Sun Mingmei và con gái đầu lòng của mình.
Hai tháng kể từ ngày Sun từ bỏ đứa con của mình, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con đã kéo dài hàng thập kỷ, cho phép các cặp đôi có thể có thêm con, đồng thời đưa hàng triệu đứa trẻ "bất hợp pháp" ra ánh sáng, trả lại quyền lợi công dân tối thiểu cho chúng.
Và đứa con của Sun, nếu còn trên cõi đời, có lẽ mùa xuân này gia đình cô sẽ được đón thêm một thiên thần nhỏ nữa.
"Tôi cảm thấy có chút hối tiếc về việc đã bỏ đứa con của mình trước đó khi nghe được tin tức ấy. Nhưng giờ nghĩ ngợi nữa cũng chẳng có ích gì", Sun nói.
Trường hợp của Sun chỉ là một hạt cát rất nhỏ trong số hàng loạt bi kịch về những đứa trẻ chẳng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời chỉ vì chính sách một con hà khắc trước đây.
Kể từ những năm 2000 đã có hàng triệu phụ nữ Trung Quốc bị ép phải phá thai vì mang bầu bất hợp pháp, chiếm con số không hề nhỏ trong số 7 triệu vụ phá thai diễn ra thường niên tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Chính sách một con của Trung Quốc đã đem đến nhiều bi kịch gia đình.
Vào tháng 06/2012, Feng Jianmei, 22 tuổi đã bị ép phải từ bỏ cái thai đã 7 tháng tuổi. Vụ việc này đã dấy nên làn sóng phản đối, phẫn nộ mạnh mẽ trên khắp cả nước. Chính quyền đã phải ra mặt công khai gửi lời xin lỗi tới Jianmei nhằm xoa dịu tình hình.
Deng Jiyuan, chồng của Feng Jianmei, một nông dân 29 tuổi nói rằng anh đã cố gắng giữ lại đứa con cho đến phút cuối cùng, thế nhưng hai vợ chồng không đủ khả năng tài chính để trả khoản phạt 40.000 Tệ (tương đương hơn 135 triệu VNĐ), vì vậy, họ buộc phải chọn biện pháp tiêu cực nhất.
Với quyết định chấm dứt chính sách một con này, khoảng 100 triệu cặp đôi trên khắp Trung Quốc sẽ thi nhau sinh con, gây nên một cuộc bùng nổ dân số vào chu kỷ 2017-2018 tới đây. Đến năm 2017, Trung Quốc sẽ đón nhận thêm 20 triệu đứa trẻ, hơn 4 triệu so với con số của năm 2015.
Tỷ lệ sinh cao như thế này sẽ giúp quốc gia này đối phó với vấn nạn dân số già hoá, thiếu nguồn nhân lực lao động hiện nay và nhất là giúp cân bằng giới tính, khi mà số nam giờ nhiều hơn số nữ tới 34 triệu người. Uớc tính phải mất ít nhất 10 năm nữa để cán cân giới tính của Trung Quốc trở lại thế cân bằng.
Dự đoán sẽ có bùng nổ dân số tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Chính sách mới cũng sẽ tăng thêm thời gian nghỉ đẻ cho các bà mẹ. Hiện một người mẹ Trung Quốc sau khi sinh được hưởng 14 tuần nghỉ, nhiều hơn so với Mỹ 2 tuần.
Và với thời gian nghỉ đẻ lâu đến như vậy, nguồn nhân lực tại các nhà máy, công ty sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, ít nhất là trong thời gian đầu khi chính sách được ban bố.
Bên cạnh đó, nghỉ ngơi nhiều như vậy cũng khiến phụ nữ khó kiếm được việc làm hay được cất nhắc trong công việc sau này hơn.
Gui Chunying, một người bạn của Sun Mingmei cho biết cô đang chờ đợi để đón đứa con thứ hai của mình. Cô đã từng bỏ việc khi sinh đứa con đầu lòng để ở nhà chăm con, cùng chồng kinh doanh trên mạng tại nhà.
Người phụ nữ này nói rằng cô sẽ đi kiếm việc làm sau khi con gái nhỏ được 2 tuổi và tự tin rằng mình sẽ dễ được tuyển dụng hơn do đã có chồng và con sẵn so với những cô gái độc thân khác.
Về phần Sun Mingmeim, gạt đi những mất mát về đứa con chưa kịp chào đời trước đây, cô chia sẻ rằng mình sẽ sớm có thêm đứa con nữa.
Cô muốn con gái mình có chị có em, để con bé không phải sống trong cảnh cô đơn. Sun còn có một người em trai, đứa em mà bố mẹ cô đã phải cắn răng cắn lợi bỏ tiền ra để giữ lại thế gian.