Bỏ qua sự chênh lệch giới tính cao, số thanh niên trong độ tuổi trưởng thành khó lấy vợ ở Trung Quốc ngày càng tăng do phong tục cưới hỏi biến tướng và tài chính được xem là thước đo để các cô gái lựa chọn bạn đời.
Trung Quốc vốn là quốc gia nổi tiếng với nhiều phong tục, lễ nghi rườm rà, tốn kém, đặc biệt là thủ tục cưới xin. Một trong những hủ tục bị giới trẻ lên án gay gắt là tục thách cưới từ phía nhà gái.
Đã có nhiều cặp đôi tan đàn xẻ nghé vì hủ tục này, thậm chí còn có những vụ việc thương tâm xảy ra chỉ vì tiền thách cưới.
Bi kịch xảy ra do tục thách cưới từ gia đình nhà gái
Cuối tháng 11/2015, cộng đồng mạng Trung Quốc được phen xôn xao về vụ việc chàng trai tên Tiểu Lôi nhảy lầu tự tử ở Thượng Hải vì không thể lo nổi số tiền thách cưới quá cao theo yêu cầu của nhà gái.
Tiểu Lôi và bạn gái Lan Lan quen nhau hồi tháng 10/2014 và đính hôn ba tháng sau đó. Gia đình cô gái yêu cầu Tiểu Lôi phải đưa 10.000 NDT tiền mặt kèm quà tặng với tổng giá trị lên tới 30.000 NDT (khoảng 105 triệu đồng) thì mới cho đôi trẻ kết hôn.
Ngoài tiền thách cưới, các chú rể còn phải chuẩn bị quà tặng trị giá hàng chục nghìn NDT.
Tuy nhiên, một tháng sau đó, gia đình cô dâu lại “đòi” thêm 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng) và những thứ khác như thuốc lá, rượu. Những đòi hỏi thái quá từ phía gia đình cô dâu đã khiến Tiểu Lôi trở nên căng thẳng, bế tắc tới mức quyết định nhảy lầu tự tử.
Sự việc đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội của nước này. Nhiều người chỉ trích phong tục thách cưới này không khác gì “tống tiền” hoặc “rao bán con gái”, làm rạn vỡ tình yêu của nhiều đôi trẻ.
Tiền mặt và quà tặng đắt đỏ làm quà hỏi cưới.
Một trường hợp nữa liên quan tới hủ tục thách cưới xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên. Chàng trai họ Tôn đã liều mình ăn cắp 50.000 NDT để trang trải cho lễ cưới sắp tổ chức và hậu quả là hạnh phúc lứa đôi tan nát và chàng thanh niên phải lâm vào cảnh tù tội.
Nhân danh phong tục truyền thống để khoe mẽ
Lễ vật cưới hỏi vốn mang ý nghĩa truyền thống trong văn hóa Trung Quốc tuy nhiên theo thời gian phong tục này đã bị biến tướng thành một cách để phô trương thanh danh của nhiều cá nhân và gia đình tại quốc gia này.
Mới đây, tờ South China Morning Post đưa tin về số tiền hồi môn khủng mà một cặp đôi con nhà gia thế tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc được hưởng đã khiến cư dân mạng choáng váng.
Cặp đôi đại gia ở Phúc Kiến gây xôn xao dư luận.
Theo đó, gia đình chú rể đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ lên tới 6 triệu NDT (gần 20 tỷ đồng) để làm của hồi môn cho con trai cưới vợ. Cha mẹ cô gái sau đó cũng đã “lại quả” cho cặp đôi tận 10 triệu NDT kèm thêm một chiếc chuyên cơ riêng.
Hiện danh tính của hai gia đình đại gia trên vẫn chưa được tiết lộ.
Gia đình chú rể đã chuẩn bị khoản tiền 6 triệu NDT (gần 20 tỷ đồng) để cưới vợ cho con trai.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2016, một đám cưới ngập vàng theo phong cách cổ trang được tổ chức ở Quảng Đông, Trung Quốc đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao của cộng đồng mạng.
Theo SCMP, cô dâu chú rể cùng quan khách ăn vận như thời nhà Tần, trong đó cô dâu vàng đeo kín người. Lễ rước dâu được tiến hành với một dàn siêu xe hoành tráng.
Gia đình nhà trai được cho là đã chuẩn bị số tiền hồi môn lên tới 3 triệu NDT (gần 10 tỷ đồng). Tiền mặt và quà cưới chất đống một góc nhà.
Đám cưới ngập vàng ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Theo truyền thống của người Trung Quốc, gia đình chú rể sẽ phải chuẩn bị quà hỏi cưới, thường là tiền mặt, cho nhà gái để hôn sự có thể tiến hành nhưng không có quy định cụ thể nào về số tiền hồi môn này.
Tiền mặt và quà tặng chất đầy một góc nhà.
Tuy nhiên, khi đời sống vật chất ngày càng dư giả, số tiền sính lễ cũng tăng lên chóng mặt, khiến tục lệ này bị biến tướng nghiêm trọng.
Khi tài chính được coi là thước đo trong việc chọn chồng
Kết quả một cuộc khảo sát của Jiayuan, trang web mai mối hàng đầu tại Trung Quốc, cho thấy hầu hết phụ nữ nước này đều quan tâm đến vấn đề tài chính của chồng tương lai.
Theo đó, trong số 15.000 phụ nữ độc thân được hỏi thì hầu hết đều khẳng định sẽ chỉ lấy chồng nếu anh chàng đó có thu nhập tối thiểu là 6.701 NDT (khoảng hơn 20 triệu đồng).
Các cô gái Trung Quốc dù xấu cũng tha hồ chọn chồng vì tỷ lệ chênh lệch giới ở nước này quá cao.
Ngoài ra, là một người chồng “ngoan”, các anh chồng còn phải nộp đầy đủ tiền lương về cho vợ. Có khoảng 78% phụ nữ độ tuổi 9x còn yêu cầu chồng phải “xuất trình” cả bảng lương để dễ bề kiểm soát.
Tất nhiên, các quý ông có mức thu nhập hơn 10.000 NDT chẳng vui vẻ gì với đòi hỏi nghe có vẻ vô lý này.
Theo một khảo sát khác, trong khi 68% đàn ông để ý đến vẻ bề ngoài và tuổi tác khi chọn vợ thì con số này đối với nữ giới là 60%. Phụ nữ thường quan tâm tới vấn đề tài chính hơn.
Khảo sát cho thấy nam giới ở Trung Quốc phải có thu nhập ít nhất 6.701 NDT (khoảng hơn 20 triệu đồng) và phải có nhà may ra mới lấy được vợ.
46% chị em yêu cầu chồng ít nhất phải có nhà, đặc biệt, 50% phụ nữ được hỏi còn mong muốn có được gia đình chồng giàu có. Một điều đáng chú ý nữa, phụ nữ thế hệ 9x chỉ muốn sinh một con và xu hướng sinh con muộn, sau 30 tuổi.
Nỗi lo "không thể kết hôn"
Thống kê về mức “giá cô dâu” do tập đoàn bất động sản Vanke chi nhánh Trùng Khánh và kênh bất động sản của tập đoàn truyền thông Sina tiến hành cách đây 3 năm cho thấy hầu hết chú rể đều phải chi hàng chục nghìn NDT để cưới vợ.
Thượng Hải đứng đầu danh sách với mức “giá cô dâu” là 1 triệu NDT (tương đương 3.5 tỷ đồng). Nhiều nam thanh niên đã bày tỏ sự bức xúc vì hủ tục thách cưới đã khiến họ gần như không thể cưới vợ.
Sau mối tình kéo dài hai năm, Xinyang Zhu dự định kết hôn vào đầu năm 2009. Tuy nhiên, gia đình bạn gái yêu cầu anh phải chuẩn bị khoản tiền sính lễ lên tới 80.000 NDT, khiến anh gần như bế tắc.
"Làm việc 4, 5 năm mới tiết kiệm được khoảng hơn 200.000 NDT mà rồi đều phải dồn hết vào tiền sính lễ. Tôi đã phải vay mượn người thân để có đủ tiền lấy vợ. Tới tận năm ngoái, tôi mới trả hết nợ", Zhu cho biết.
Dahe Daily dẫn lời ông Zhang Mingsuo, chuyên gia xã hội học tại Đại học Trịnh Châu, cho biết trước đây tiền thách cưới được coi như phụ cấp hỗ trợ bố mẹ cô dâu lúc tuổi già và công sức họ bỏ ra để nuôi nấng con gái đến khi lấy chồng.
Nhiều thanh niên Trung Quốc chấp nhận ở vậy vì không thể lo nổi tiền sính lễ. (Ảnh minh họa)
Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu nhưng với sự phát triển của xã hội, mức hồi môn đã bị đẩy lên quá cao làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó, khiến cho nhiều người trẻ có ý nghĩ rất tiêu cực về hôn nhân.
Đối với nhiều người thanh niên Trung Quốc, tình yêu hay hôn nhân bây giờ giống một cuộc trao đổi vật chất hơn là hai tâm hồn sẽ gắn bó với nhau suốt cuộc đời.
Hệ lụy của nó là ngày càng nhiều đàn ông Trung Quốc ế vợ, chấp nhận ở vậy hoặc thông qua mai mối bỏ chút tiền lấy vợ ở các nước láng giềng như Việt Nam.
Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân ngoại quốc như vậy tiềm ẩn nhiểu rủi ro như vợ chồng không thể hiểu nhau do bất đồng ngôn ngữ hoặc tồi tệ hơn là bị lừa đảo.
Cũng theo chuyên gia Zhang, của hồi môn không phải là thứ để các bậc phụ huynh đem ra để so sánh với nhau hoặc để giữ thể diện gia đình.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc nên được xây dựng dựa trên tình yêu và sự thấu hiểu lẫn nhau chứ không phải mức độ hoành tráng của đồ sính lễ.