Hôn nhân chính trị luôn là một trong những chiêu bài hiệu quả dùng để lôi kéo đối thủ, ràng buộc thuộc hạ, thiết lập phe cánh rất hiệu quả.
Trên võ đài chính trị cuối thời nhà Thanh, đầu thời Dân quốc, có một nhân vật được mệnh danh là “cao thủ” trong việc sử dụng nước cờ này. Đó chính là Viên Thế Khải.
Ràng buộc thuộc hạ bằng cách… “mai mối”
Trong lực lượng Bắc Dương, Viên Thế Khải có ba trợ thủ vô cùng đặc lực, được người bấy giờ mệnh danh là “Bắc Dương tam kiệt”. Họ chính là Vương Sỹ Trân, Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương.
Sinh thời, Vương Sỹ Trân là người không màng danh lợi. Bởi vậy, nước cờ lôi kéo của Viên Thế Khải chỉ có thể nhằm vào Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương.
Đoàn Kỳ Thụy là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cận đại. Ông xuất thân là quân nhân, sau khi du học Đức liền trở về Thiên Tân luyện tập võ nghệ rồi đầu quân cho vị tổng thống thứ 2 của Trung Hoa dân quốc sau này.
Vị tướng quân họ Đoàn này từng đảm nhiệm các vị trí Đề đốc Giang Bắc và Tổng đốc Hồ Quảng vào thời Thanh mạt.
Trong những năm Dân quốc, ông nắm giữ nhiều chức vị quan trọng như Tổng trưởng Lục quân, Tổng lý Nội các. Cái tên Đoàn Kỳ Thụy tung hoành trên đấu trường chính trị suốt mấy chục năm.
Năm 1900, vợ cả của ông bệnh nặng qua đời. Viên Thế Khải liền đem con gái nuôi của mình là Trương Bội Thành gả cho Kỳ Thụy. Sau khi Trung Hoa Dân quốc được thành lập, vị tướng họ Đoàn này đảm nhiệm chức vụ Chưởng quản Quân vụ Trung khu.
Sau đó, mối quan hệ thông gia giữa họ Viên và họ Đoàn càng thêm thân thiết khi con gái của Đoàn Kỳ Thụy và Trương Bội Hành kết hôn cùng cháu ruột của Viên Thế Khải.
Bởi vậy, họ Viên và Đoàn Kỳ Thụy không còn đơn thuần là quan hệ đồng đội, cấp trên cấp dưới mà đã trở thành “thân thích”.
Trong "Bắc Dương tam kiệt", Đoàn Kỳ Thụy (giữa) và Phùng Quốc Chương (ngoài cùng bên phải) đều là bị Viên Thế Khải lôi kéo, ràng buộc bằng những cuộc hôn nhân chính trị. (Ảnh: nguồn Qulishi).
Sau khi Trung Hoa Dân quốc được thành lập không lâu, Phùng Quốc Chương được phái xuống phía nam để trấn áp “cuộc cách mạng lần thứ hai” (cuộc cách mạng chống lại Viên Thế Khải được phát động bởi Quốc Dân Đảng tại 7 tỉnh phía Nam).
Cuối năm 1913, sau khi công hãm Nam Kinh, Phùng Quốc Cương được bổ nhiệm làm Đô đốc Giang Đô, trở thành nhân vật phái thực lượng có sức ảnh hưởng hàng đầu trong Bắc Dương.
Lo lắng trước quyền hành và binh lực ngày càng lớn trong tay Phùng Quốc Cương, Viên Thế Khải liền tìm mọi cách lôi kéo, ràng buộc vị tướng này.
Nhân lúc vợ cả của Quốc Cương qua đời, Viên Tổng thống lập tức giới thiệu cho Tổng đốc họ Phùng người phụ nữ tên là Chu Đạo – chuyên viên làm việc lâu năm trong Viên gia.
Một người là kỳ nữ xinh đẹp, thông minh, một vị là tướng quân uy phong, lẫm liệt, Phùng Quốc Chương và Chu Đạo nhanh chóng kết thành vợ chồng, tình cảm hết sức mặn nồng, thắm thiết.
Đây có thể xem là cuộc hôn nhân viên mãn nằm ngoài dự định của “ông tơ” Viên Thế Khải. Vài năm sau, Chu Đạo qua đời, Phùng Quốc Chương vô cùng đau lòng, cử hành hôn lễ long trọng tiễn đưa người vợ quá cố.
Biến hôn nhân của con cái trở thành những nước cờ chính trị
Sau khi trấn áp thành công “cuộc cách mạng lần thứ hai”, Viên Thế Khải có dã tâm xây dựng một “đế chế” do mình làm chủ. Để thực hiện được mục đích này, Viên Tổng thống càng tích cực lôi kéo các nhân vật chính trị có tầm cỡ lúc bấy giờ.
Được sự ủng hộ của Phó Tổng thống Lê Nguyên Hồng, Viên Thế Khải lập nên màn kịch “kết thông gia” giữa hai nhà Lê – Viên.
Ý định ban đầu của vị Tổng thống này là muốn Lê Thiệu Phương (con gái Lê Nguyên Hồng) đính ước cùng Viên Khắc Cửu (con trai thứ 9 của Thế Khải); đồng thời gả một cô con gái của nhà họ Viên cho con trưởng nhà họ Lê.
Tuy nhiên, chỉ có một cuộc hôn nhân trong số đó trở thành hiện thực. Điều này bắt nguồn từ sự phản đối của Lê phu nhân – vợ Phó Tổng thống Lê Nguyên Hồng.
Viên Thế Khải lần lượt biến những cuộc hôn nhân của các con mình trở thành nước cờ chính trị. (Ảnh: nguồn internet).
Trong cuốn “Tóm lược tiểu sử của Lê Nguyên Hồng”, bà Lê Thiệu Phân từng nhắc tới việc Lê phu nhân đặc biệt không đồng tình với hai mối hôn sự trên.
Sau một hồi phản đối kiên quyết, bà Lê đành phải thỏa hiệp với chồng mình, chấp thuận việc đính ước của con gái Lê Thiệu Phương với Viên Khắc Cửu.
Mặc dù vậy, khi nhắc tới mối hôn sự thứ hai (việc Viên Thế Khải muốn gả con gái cho con trai trưởng nhà họ Lê), vị phu nhân này phản ứng vô cùng gay gắt: “Con gái Viên Thế Khải muốn làm con dâu ta? Người mẹ chồng như ta quả thật nuốt không trôi".
Lại nói, Lê Thiệu Phương và Viên Khắc Cửu đính hôn khi tuổi còn rất nhỏ. Tới lúc trưởng thành, bản thân Lê tiểu thư cũng không tán thành việc này, nhiều lần xin cha mẹ từ hôn, nhưng Lê Nguyên Hồng kiên quyết cự tuyệt.
Quyết định của cha khiến Thiệu Phương bất mãn, đau lòng, lâu ngày sinh ra u uất, buồn tủi rồi mắc bệnh về tâm lý. Sau khi Lê Nguyên Hồng và vợ qua đời, Lê tiểu thư kết hôn cùng Viên Khắc Cửu như đính ước.
Nhưng chưa đầy một năm sau, Viên Khắc Cửu đã cưới thêm vợ bé. Thiệu Phương bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Chưa dừng lại ở đó, theo hồi ức của Viên Tĩnh Tuyết (con gái thứ ba nhà họ Viên), Viên Thế Khải còn từng muốn gả bà cho Hoàng đế Phổ Nghi để kết thông gia với Hoàng tộc Thanh triều.
Hoàng đế Phổ Nghi cũng từng là "con rể hụt" của vị Tổng thống Dân quốc họ Viên này. (Ảnh: nguồn internet).
Bà Viên kể lại: “Cha tôi (chỉ Viên Thế Khải) từng đề xuất việc này với hoàng thất nhà Thanh. Có một ngày, anh cả nhìn tôi chăm chú, nửa đùa nửa thật mà hỏi: 'Cô ba, anh đưa cô vào hoàng cung làm nương nương có được không?'
Tôi nghe xong thì vô cùng bất mãn, gào khóc phản đối. Việc này cũng đến tai cha tôi.”
Theo bà Viên Tĩnh Tuyết, mối hôn sự trên không trở thành hiện thực như mong muốn của Viên Tổng thống. Nguyên nhân có thể do Hoàng thất nhà Thanh không chịu “nhân nhượng”, cũng có thế bắt nguồn sự phản đối kịch liệt từ phía bà.
Hành động trên của Viên Thế Khải thể hiện mục đích muốn hòa giải mâu thuẫn với Hoàng thất Thanh triều. Tuy nhiên, nước cờ này đã hoàn toàn thất bại.