Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Những tuyên bố của Washington cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân JCPOA là không có cơ sở và không mang tính thuyết phục.

Trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công kích mạnh mẽ Iran. Ông nhắc lại những lời chỉ trích của mình về Thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký với Tehran, coi thỏa thuận này là có nhiều "thiếu sót" và là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ đã tham gia".

Tuyên bố của ông Trump lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trước đó, tại các cuộc vận động tranh cử năm 2016 và sau khi nhậm chức tháng 1/2017, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ hủy thỏa thuận này.

Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông? - Ảnh 1.

Vua Shah Mohammad Reza Pahlavi. Ảnh: Getty Image

Câu chuyện về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu từ những năm 1950, dưới thời vua Shah Mohammad Reza Pahlavi với sự giúp đỡ của Mỹ. Chính Mỹ là nước đầu tiên chào hàng cung cấp cho Tehran 7 lò phản ứng hạt nhân, nhưng do giá cao nên vua Shah đã chuyển sang mua của tập đoàn Kravtork Union Siemens (Đức).

Tập đoàn này đã xây dựng 2 lò phản ứng tại thành phố Bushehr thuộc miền Nam Iran và bắt đầu hoạt động năm 1974. Tuy nhiên, sau khi cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979, Đức đã ngừng trợ giúp Tehran. Mỹ và phương Tây trở thành những nước phản đối mạnh việc Iran theo đuổi chương trình hạt nhân.

Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông? - Ảnh 2.

Lò phản ứng hạt nhân tại thành phố Bushehr của Iran. Ảnh: AP

Washington không lấy lý do Iran không tuân thủ để đòi hủy thỏa thuận mà nhấn mạnh: Cần phải thương lượng lại các điều khoản của JCPOA. Nếu không, phía Mỹ sẽ từ chối tham gia thỏa thuận này. Tuy nhiên Nhà Trắng không hài lòng với hoạt động chính trị-quân sự của Tehran ở Trung Đông.

Ngày 19/9/2017, trả lời phỏng vấn của hãng Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: Điều Mỹ lo ngại nhất là điều khoản.

Theo đó, các biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran sẽ hết hiệu lực vào năm 2025 và sau đó không ai có thể kiểm soát được. Rex Tillerson cho rằng đây sẽ là một tiền lệ vô cùng xấu cho một thỏa thuận tương tự với Bình Nhưỡng để giải quyết vấn đề hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2015, Iran và các nước P5+1 gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức đã ký một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran sau mười năm đàm phán kể từ 2005.

Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình và đặt các cơ sở hạt nhân của mình dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, đồng thời chuyển một phần Uranium được làm giàu ra nước ngoài.

Ngoài ra, Iran sẽ phải chuyển đổi công năng của nhà máy làm nhiên liệu của Fordo thành trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân không có khả năng làm giàu Uranium. Đổi lại, các nước phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran.

Làn sóng phản đối

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước châu Âu không ủng hộ yêu cầu xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran của Mỹ. Thỏa thuận này bị ngưng trệ sẽ gây thiệt hại lớn cho lợi ích kinh tế của nhiều nước.

Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông? - Ảnh 3.

Giếng dầu của Iran. Ảnh: Abdolreza Mohseni

Áo đã lên kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với Iran lên gấp năm lần đến năm 2020. Các công ty năng lượng quốc tế như Shell, Total, Petronas, Rusneft, Sinopec, Inpex.... đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Iran. Pháp đã ký hợp đồng bán 100 máy bay dân dụng Airbus cho Iran trị giá 20 tỷ USD.

Nếu các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra chống Iran, Paris sẽ phải chịu thiệt hại lớn. Nhiều công ty của Mỹ - trong đó có công ty Boeing đã ký hợp đồng cung cấp 80 máy bay trị giá 16,6 tỷ USD cho Iran và một số công ty khác có quan hệ làm ăn với Iran - không ủng hộ đòi hỏi hủy thỏa thuận JCPOA.

Những tuyên bố của Washington cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân JCPOA là không có cơ sở và không mang tính thuyết phục.

Các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và đại diện của 6 nước tham gia ký kết thường xuyên giám sát hết sức chặt chẽ và cứ 90 ngày lại họp đánh giá việc Iran chấp hành các nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong JCPOA.

Theo đánh giá chính thức của IAEA, đến nay Iran thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận, đặc biệt là điều khoản quy định Iran không được làm giàu Uranium ở mức 5%, tháo dỡ các phương tiện kỹ thuật cho phép làm giàu Uranium và vô hiệu hóa kho dự trữ Uranium đã được làm giàu ở mức 20%.

Chính Ngoại trưởng Mỹ Tillerson mới đây phát biểu trên kênh truyền hình CBS đã thừa nhận rằng "Iran đã tuân thủ các khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận hạt nhân".

Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông? - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AP

Tuy nhiên ông cũng nói Washington không hài lòng việc Iran gia tăng ảnh hưởng quân sự và chính trị ở khu vực Trung Đông thông qua việc can thiệp vào tình hình Yemen và Syria, cung cấp vũ khí cho Hizbollah.

Điều này có nghĩa rằng, thực chất đòi hỏi của ông Trump là nhằm gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông. Israel và Ả rập Saudi rất lo ngại Iran đang có kế hoạch mở một hành lang qua lãnh thổ Iraq tới Syria và sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria sẽ đe dọa trực tiếp tới an ninh của hai nước này.

Ngoài mục đích làm yên lòng đồng minh Israel và Ả rập Saudi, đòi hỏi của ông Trump còn để chứng tỏ với các cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông rằng ông đang thực hiện những lời hứa mà mình đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Ngày 21/9/2017, chính giới các cường quốc, trong đó có nhiều nước thuộc nhóm P5+1 từng ký thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ thỏa thuận trước việc Mỹ công kích và đòi phải thương lượng lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận này.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng việc Mỹ từ chối thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran sẽ là một "quyết định sai lầm và vô trách nhiệm". Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: Nga "cực kỳ quan ngại" về quan điểm của ông Trump đối với thỏa thuận và sẽ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực không phát triển vũ khí hạt nhân.

Đòi hủy thỏa thuận hạt nhân, ông Trump muốn gây sức ép với Iran tại Trung Đông? - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng tuyên bố các nước phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran hiện có, nếu muốn khuyến khích các nước khác, đặc biệt là Triều Tiên xem xét lại chương trình hạt nhân của mình.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran không thể thương lượng lại và Iran sẽ không là nước đầu tiên xé bỏ thỏa thuận.

Với tính cách hay thay đổi của mình, Tổng thống Trump có thể mạnh bạo tuyên bố những gì ông muốn, nhưng không dễ gì đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây không phải là thỏa thuận tay đôi Mỹ-Iran mà là một thỏa thuận được ký kết giữa Iran và các nước P5+1, đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua và chính Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Điều hết sức quan trọng là thoả thuận này được cả cộng đồng thế giới hoan nghênh. Trong tình hình như vậy, việc chính quyền Mỹ hủy bỏ thỏa thuận này có nghĩa là Mỹ tự tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng nắm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ với tư cách là một siêu cường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại