Một số nước trên thế giới đã đưa ra phản ứng sau khi Iran hôm qua (23/9) tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo mới, với tầm bắn 2.000 km cũng như sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí, bất chấp sức ép từ Mỹ.
Những bước đi này tiếp tục đặt ra câu hỏi cho tương lai của thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc vào năm 2015, vốn đã rất mong manh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua cũng tuyên bố: “Dù ai có muốn hay không nhưng Iran sẽ tiếp tục bảo vệ người dân Yemen, Syria hay Palestine. Iran cũng sẽ tăng cường khả năng quốc phòng và răn đe hạt nhân bằng bất cứ hình thức nào mà chúng tôi thấy cần thiết. Ngoài việc nâng cấp hệ thống tên lửa, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng hải quân, không quân và bộ binh”.
Iran tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới có tên gọi Khoramshahr, chỉ vài giờ sau khi nước này giới thiệu tên lửa trong một lễ diễu binh ở thủ đô Tehran. Tên lửa đạn đạo này có thể mang nhiều đầu đạn, với tổng trọng lượng lên tới 1.800 kg. Theo truyền hình nhà nước Iran, đây là loại tên lửa mạnh nhất của Iran dành cho quốc phòng.
Vụ phóng tên lửa của Iran được tiến hành sau khi Mỹ tuyên bố hàng loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây còn đề cập khả năng có thể tìm cách đàm phán lại hoặc thậm chí hủy bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, tuyên bố này của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia, với khẳng định Iran đang tuân thủ một cách đầy đủ thỏa thuận hạt nhân này.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 23/9 tiếp tục kêu gọi Mỹ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Iran: "Chúng ta có thể không hài lòng với vai trò của Iran tại Trung Đông nhưng chúng ta không cần bắt họ thay đổi thái độ bằng việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được. Chúng ta cần thuyết phục Mỹ không nên từ bỏ thỏa thuận này, cũng như từ bỏ hy vọng mong manh của chúng ta trong nỗ lực ngăn cản một quốc gia sản xuất vũ khí hạt nhân".
Mặc dù Iran luôn khẳng định việc nước này phát triển tên lửa đạn đạo không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, do các tên lửa được thiết kế không mang theo đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa mới nhất của Iran cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại.
Pháp đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử tên lửa đạn đạo này của Iran, đồng thời kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thực hiện một bản báo cáo đầy đủ về vụ phóng tên lửa này. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng quan ngại sâu sắc về việc Iran tiến hành thử tên lửa vi phạm nghị quyết 2231 của Liên Hợp Quốc và kêu gọi Iran chấm dứt ngay các hành động này.
Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump có thể đang tìm cách "thách thức" Iran, trong đó có việc gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Với sức ép của Mỹ, nếu Iran đáp trả, tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình, đây sẽ là "cái cớ" để Tổng thống Mỹ kêu gọi các nước khác hủy bỏ thỏa thuận này.
Trong nội dung đăng trên trang mạng xã hội Twitter sau khi Iran thử tên lửa đạn đạo, Tổng thống Trump cho rằng, vụ thử tên lửa của Iran thể hiện nhược điểm của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nước này đã ký với các cường quốc trên thế giới năm 2015.
Ông Trump cũng cáo buộc Iran thông đồng với Triều Tiên, cho rằng có sự liên kết giữa vụ thử tên lửa này của Iran với các động thái gần đây của Triều Tiên.
Dự kiến, ngày 15/10 tới, ông Trump sẽ báo cáo Quốc hội Mỹ về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không, cũng như xác định thỏa thuận này có phù hợp với lợi ích an ninh của Mỹ nữa hay không. Nếu cho rằng quyết định của Iran là không phù hợp, Mỹ có thể sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân lịch sử có thể bị hủy bỏ.