LTS: Trên lộ trình hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, cả kinh tế, ngoại giao và quân sự, nhằm kiềm chế Ấn Độ, không để nước láng giềng châu Á vươn lên cạnh tranh trực tiếp với vị thế của mình.
Bằng một loạt các chiến lược quy mô lớn như "Chuỗi ngọc trai", "Vành đai và Con đường", và đặc biệt với quan niệm "một núi thì không thể có hai hổ", Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại những khu vực xung quanh, hòng "khóa chặt" Ấn Độ trong tiểu lục địa Nam Á.
Ấn Độ đã đối phó với chiến lược phong tỏa này của Trung Quốc ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua tuyến bài: "Ấn Độ đã "hóa giải" sự phong tỏa của Trung Quốc như thế nào?
---
Kỳ 1: Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng "Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế"
Kỳ 2: Ấn Độ dùng "bức màn thép" để khắc chế vòng vây "chuỗi ngọc trai" của TQ như thế nào?
---
Ngày 26/12/2016, Ấn Độ lần thứ tư phóng thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Agni-5 do Cơ quan nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của nước này tự sản xuất.
Agni-5 được xếp vào dạng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vì có tầm bắn ước đạt 5.500 – 5.800 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng trên 1 tấn.
Một khi được đưa vào biên chế, Agni-5 sẽ giúp Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu ICBM siêu đầu nổ cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Điểm đặc biệt thu hút sự chú ý là Agni-5 có khả năng tấn công mọi địa điểm trên toàn lục địa châu Á, một phần châu Phi và châu Âu. Điều đó có nghĩa là, tất cả các vị trí trên lãnh thổ Trung Quốc cũng như Pakistan – 2 đối thủ chính trong chương trình hạt nhân của Ấn Độ, đều đã nằm trọn trong tầm bắn.
"Thử nghiệm thành công Agni-5 khiến Ấn Độ rất đỗi tự hào. Nó sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ chiến lược của chúng tôi", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết như vậy trên Twitter sau vụ phóng.
Agni-5 là niềm tự hào của Ấn Độ vì nó ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của New Delhi trong nỗ lực củng cố và tăng cường tiềm lực răn đe hạt nhân. Dù không không khai nhưng rõ rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.
Để bảo vệ lãnh thổ, Ấn Độ phải phát triển vũ khí hạt nhân
Ấn Độ ngày nay đang khẳng định vị thế của mình là một trong những cường quốc mới nổi của thế giới. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, quân đội phát triển hùng mạnh với trên 1 triệu binh lính, thuộc nhóm lớn nhất thế giới.
Vũ khí hạt nhân được New Delhi xem như một cấu phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng năng lực và là trụ cột trong chiến lược an ninh cho thế kỷ 21.
Đất nước 1,3 tỷ dân này hiện đang được bảo vệ bởi một kho vũ khí hạt nhân với khoảng trên 100 đầu đạn, triển khai cả trên không, trên bộ và trên biển.
Mirage 2000I, phiên bản hiện đại hóa của Mirage 2000 do Pháp chế tạo có thể được Ấn Độ sử dụng cho vai trò tấn công hạt nhân. Ảnh: NDTV
Chương trình hạt nhân của Ấn Độ có từ năm 1948, tức chỉ một năm sau khi giành độc lập. Tuy nhiên, khi đó chính phủ non trẻ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru vẫn chỉ coi hạt nhân như một nguồn năng lượng giá rẻ phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
New Delhi chỉ có ý định sử dụng các đầu nổ hạt nhân cho mục đích hòa bình như xây dựng cầu cảng, khai thác khí tự nhiên, khoáng sản hay các dự án xây dựng quy mô lớn.
Hơn nữa, là thành viên sáng lập Phong trào không liên kết, Ấn Độ quyết định đứng ngoài cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, và nhận thấy cũng không cần thiết phải sở hữu khả năng răn đe hạt nhân.
Thế nhưng, cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm trên của Ấn Độ.
Mặc dù Bắc Kinh chưa phải là một cường quốc hạt nhân nhưng nếu khi đó xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước thì hậu quả có thể sẽ còn tồi tệ hơn, nhất là khi Trung Quốc quan hệ mật thiết với Pakistan. Vậy nên, kịch bản về một nước Trung Quốc láng giềng được vũ trang hạt nhân có thể buộc Ấn Độ phải nhượng bộ về lãnh thổ là điều New Delhi hoàn toàn không mong muốn.
Chính vì thế, từ một quốc gia vốn chỉ phát triển hạt nhân cho các mục đích kinh tế, Ấn Độ đã phải miễn cưỡng tham gia vào cuộc đua vũ trang hạt nhân, tăng cường khả năng răn đe để bảo vệ chủ quyền.
Tháng 5/1998, sau 5 vụ thử hạt nhân trong 2 ngày, Ấn Độ chính thức tuyên bố trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Những con số khiến Trung Quốc phải nể sợ
"Bộ ba hạt nhân" là khái niệm dùng để chỉ các hệ thống hoặc phương tiện quân sự mang vũ khí hạt nhân, gồm 3 lực lượng nòng cốt: Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SSBN).
Mục đích phát triển bộ ba này là nhằm giảm tối đa khả năng một quốc gia bị đối phương phá hủy toàn bộ lực lượng hạt nhân của mình trong đòn tấn công đầu tiên, qua đó giúp họ có khả năng đáp trả bằng đòn tấn công thứ hai.
Xét theo tiêu chí này, Ấn Độ hiện đã hội tụ đủ khi trang bị đáng kể tiềm lực răn đe hạt nhân cho cả 3 lực lượng: hải - lục - không quân.
Theo Hiệp hội Kiểm soát vũ trang, hiện nay Ấn Độ đang sở hữu ít nhất 520 kg plutonium, đủ để chế tạo từ khoảng 100 – 120 thiết bị hạt nhân. New Delhi coi đây là "khả năng răn đe tối thiểu" nhằm đối phó với 2 cường quốc hạt nhân láng giềng là Trung Quốc và Pakistan.
Về không quân, Ấn Độ hiện có hơn 200 máy bay tiêm kích hai động cơ Su-30MK1, 69 chiếc MiG-29 và 51 máy bay Mirage 2000. Rất nhiều trong số đó đã được Ấn Độ cải tiến và huấn luyện mang theo bom trọng lực hạt nhân tấn công mục tiêu.
Theo ước tính, Ấn Độ đã bố trí khoảng từ 3 - 4 phi đội Mirage 2000H và Jaguar IS/IB (có thể cả MiG-27) tại 3 căn cứ không quân với sứ mệnh tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc và Pakistan.
Mirage 2000 do Pháp chế tạo và từ lâu đã được Không quân nước này sử dụng cho vai trò tấn công hạt nhân (Mirage 2000N). Ấn Độ hiện đang nâng cấp dòng máy bay này để kéo dài tuổi thọ và tăng cường thêm các khả năng hạt nhân. Phiên bản hiện đại hóa là Mirage 2000I.
Tháng 9/2016, Ấn Độ và Pháp cũng đã ký hợp đồng chuyển giao 36 máy bay Rafale cho New Delhi. Trong Không quân Pháp, Rafale được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công hạt nhân và Ấn Độ rất có thể sẽ chuyển đổi cho nhiệm vụ tương tự.
Trước năm 2003, các máy bay ném bom là lực lượng tấn công hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ. Thời gian gần đây, khi Ấn Độ đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và từ biển thì vị thế này của không quân vẫn không hề thay đổi. Đây vẫn là lực lượng tấn công hạt nhân linh hoạt và hùng hậu của Ấn Độ.
INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ đã được đưa vào sử dụng tháng 8/2016. Ảnh: Rediff
Trụ cột tấn công hạt nhân thứ hai của Ấn Độ là các tên lửa phóng từ mặt đất. New Delhi hiện sở hữu 4 loại tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi-2 và Agni-1, tên lửa tầm trung Agni-2 và Agni-3. Ít nhất 2 dòng tên lửa Agni tầm xa nữa cũng đang được Ấn Độ phát triển là Agni-4 và Agni-5.
Chỉ riêng với dòng tên lửa Agni-4, Ấn Độ đã có thể đủ sức tấn công gần như tất cả các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc (gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải). Nhưng chưa dừng lại ở đó, Ấn Độ còn đang đẩy mạnh phát triển Agni-5 có tầm bắn trên 5.000 km và Agni-6 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 8.000–10.000 km. Tầm bắn này cho phép Ấn Độ bố trí các căn cứ tên lửa Agni-5 ở miền Trung và miền Nam đất nước, cách khá xa biên giới Trung Quốc.
Trụ cột thứ 3 trong khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ chính là các dự án phát triển các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) theo chương trình có mật danh "Tàu công nghệ tiên tiến" (ATV) trị giá 2,9 tỷ USD.
INS Arihant, chiếc SSBN đầu tiên nặng 6.000 tấn, đã được Ấn Độ bí mật đưa vào vận hành từ tháng 8/2016.
"Nhiệm vụ chính của nó là răn đe hạt nhân. Mọi hoạt động liên quan tới tàu ngầm này là một bí mật. Đó không phải là một tàu bình thường nên chúng tôi không thể công khai dù rất muốn", cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ Arun Prakash cho biết.
Arihant trang bị 12 ống phóng, được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo K-15 (Sagarika) có tầm bắn 700 km. Chiếc SSBN thứ hai với tên gọi Aridhaman cũng đang được Ấn Độ gấp rút chế tạo.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 Ấn Độ sẽ phát triển 4 chiếc SSBN, mỗi chiếc có khả năng mang theo 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 Sagarika có tầm bắn tối đa 700 km hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung K-4 với tầm bắn 3.500 km.
Sử dụng Vịnh Bengal làm pháo đài và được bảo vệ bởi các phương tiện khác như tàu sân bay INS Vikramaditya, các tàu ngầm Arihant đủ sức phóng tên lửa vươn tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
"Ấn Độ muốn cho thế giới thấy họ có thể và có khả năng vận hành hiệu quả tàu ngầm vũ trang hạt nhân", Jon Grevatt, chuyên gia phân tích công nghiệp quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương của IHS Jane’s nhận xét. "Arihant là một bước ngoặt quan trọng đối với Ấn Độ".