Ấn Độ dùng "bức màn thép" để khắc chế vòng vây "chuỗi ngọc trai" của TQ như thế nào?

Trung Phạm |

Ví von một cách hình ảnh thì chiến lược “Chuỗi ngọc trai” giống như một chiếc thòng lọng, được Trung Quốc giăng ra để siết chặt Ấn Độ.

LTS: Trên lộ trình hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, cả kinh tế, ngoại giao và quân sự, nhằm kiềm chế Ấn Độ, không để nước láng giềng châu Á vươn lên cạnh tranh trực tiếp với vị thế của mình.

Bằng một loạt các chiến lược quy mô lớn như "Chuỗi ngọc trai", "Vành đai và Con đường", và đặc biệt với quan niệm "một núi thì không thể có hai hổ", Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại những khu vực xung quanh, hòng "khóa chặt" Ấn Độ trong tiểu lục địa Nam Á.

 Ấn Độ đã đối phó với chiến lược phong tỏa này của Trung Quốc ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua tuyến bài: "Ấn Độ đã "hóa giải" sự phong tỏa của Trung Quốc như thế nào?

Kỳ 1: Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng "Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế"

Trung Quốc bủa vây bằng "Chuỗi ngọc trai"

"Chuỗi ngọc trai" là thuyết địa chính trị về các ý đồ Trung Quốc dự định triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương. Theo đó, Bắc Kinh tham vọng dựng lên một mạng lưới các cơ sở hạ tầng thương mại và quân sự rộng khắp, chạy dọc theo các tuyến giao thông trên biển, kéo dài từ Trung Quốc lục địa tới Port Sudan.

Vòng cung ngọc trai này chạy qua các Eo biển chiến lược: Mandeb, Malacca, Hormuz và Lombok, kết nối các cảng biển ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Maldives, Seychelles và Somalia.

Thuật ngữ "Chuỗi ngọc trai" lần đầu tiên chính thức được đề cập trong một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2005 có tựa đề "Tương lai năng lượng châu Á", do nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton soạn thảo.

Trong nhiều nội dung được đề cập, tài liệu trên đặc biệt nhấn mạnh tới chủ trương gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương qua việc thiết lập các căn cứ hải quân, tăng cường quan hệ ngoại giao, tiếp cận các nguồn năng lượng và mở rộng sự hiện diện quân sự tại một loạt các quốc gia giáp biển.

Ấn Độ dùng bức màn thép để khắc chế vòng vây chuỗi ngọc trai của TQ như thế nào? - Ảnh 1.

Bản đồ mô tả chiến lược chuỗi ngọc trai của Trung Quốc. Ảnh: Time of India

Về phần mình, Trung Quốc luôn phủ nhận ý đồ quân sự trong chiến lược "Chuỗi ngọc trai". Bắc Kinh lập luận rằng, những hoạt động của họ chỉ thuần túy phục vụ các mục đích kinh tế như đảm bảo an toàn vận tải biển, an ninh năng lượng hay tiếp cận các thị trường mới.

Thế nhưng, những diễn biến liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong thời gian vừa qua lại không ủng hộ quan điểm này của Bắc Kinh.

Trên thực tế, Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận về thương mại, quân sự, quốc phòng, đầu tư vào các cảng biển và thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Maldives, Somalia cùng nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Cảng nước sâu Gwadar nằm ở cực Nam Pakistan là một ví dụ điển hình. Gwadar chủ yếu do Trung Quốc xây dựng và kiểm soát. Năm 2015, Islamabad đã chấp thuận cho một công ty cảng biển nước ngoài của Trung Quốc thuê tới tận năm 2059.

Mặc dù cả Islamabad và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ không có sự hiện diện quân sự nào tại đây nhưng với việc rất nhiều các cảng biến do Trung Quốc đầu tư trước đây, như ở Sri Lanka hay Hy Lạp, đều đã từng tiếp đón chiến hạm của Quân giải phóng nhân dân (PLA). Giới quan sát không khỏi nghi ngờ về khả năng Gwadar sẽ trở thành một căn cứ quân sự trong tương lai.

Mới đây nhất, ngày 1/8/2017, Trung Quốc tuyên bố chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, phía rìa Tây Bắc Ấn Độ Dương.

Cùng với các cơ sở cảng biển khác ở Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka, Djibouti giống như một "viên ngọc" nữa trong "Chuỗi ngọc trai" đang dần dần thắt chặt Ấn Độ ngoài Ấn Độ Dương.

Những động thái trên của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ cực kỳ quan ngại. Điều đó giải thích tại sao New Delhi luôn coi việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương chính là chiến lược phong tỏa và kiềm chế mình.

Cựu Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna từng cảnh báo: "Chính phủ Ấn Độ nhận thức rõ mối quan tâm của Trung Quốc với các vấn đề ở Ấn Độ Dương lớn hơn nhiều các lợi ích thông thường. Vì vậy chúng tôi luôn giám sát các ý đồ của họ tại đây".

David Brewster, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Đại học Quốc gia Australia cũng chỉ rõ: "Những diễn biến này, hoặc là một phần của kế hoạch phong tỏa Ấn Độ trên biển, hoặc là nhằm giữ chặt Ấn Độ ở Nam Á".

Mạnh mẽ hơn, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Lalit Mansingh còn phát biểu: "Chính sách của Trung Quốc là một dạng biện pháp không chỉ để thúc đẩy các lợi ích kinh tế, họ thực sự đang cố gắng khóa Ấn Độ ở Nam Á".

Như vậy, "Chuỗi ngọc trai" thực tế được Trung Quốc hoạch định nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương, một mặt để khai thác tối đa các lợi ích nhưng mặt khác, quan trọng hơn, nhằm khóa chặt Ấn Độ ngay từ cửa ngõ.

Nếu ví von một cách hình ảnh, thì "Chuỗi ngọc trai" giống như một chiếc thòng lọng, được Trung Quốc giăng ra để "siết cổ" Ấn Độ.

Ấn Độ dùng bức màn thép để khắc chế vòng vây chuỗi ngọc trai của TQ như thế nào? - Ảnh 2.

P-8I là dòng máy bay săn ngầm tiên tiến nhất của Mỹ, được trang bị các cảm biến có thể theo dõi và định vị tàu ngầm bằng sonar và các thiết bị khác. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đáp trả bằng "Bức màn thép"

Đứng trước sự phong tỏa của Trung Quốc, Ấn Độ đã không ngồi yên mà chủ động đáp trả bằng một chiến lược có tên gọi "Bức màn thép" nhằm ngăn chặn bất cứ hành động nào có thể làm tổn hại tới lợi ích của mình ở khu vực Ấn Độ Dương.

Nội hàm của chiến lược này là Ấn Độ tìm cách tái khôi phục các quan hệ ngoại giao, tăng cường sự hiện diện hải quân, hợp tác quốc phòng và đẩy mạnh các liên minh chiến lược.

Đối tác đầu tiên mà Ấn Độ hướng tới là Mỹ. Từ năm 2005, Washington và New Delhi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đi kèm với đó là các thỏa thuận hợp tác quốc phòng dài hạn, trong đó có cả các cuộc tập trận chung quy mô lớn và thúc đẩy thương mại quân sự.

Hơn một thập kỷ qua, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết hơn 15 tỷ USD giao dịch thương mại quốc phòng, trong đó có việc chuyển giao cho Ấn Độ các máy bay vận tải C-130J, C-17, máy bay tuần tra biển P-8I, tên lửa Harpoon, trực thăng Apache và Chinook, và pháo hạng nặng M777.

Mùa hè năm ngoái, Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD mua thêm 4 chiếc P-8I của Mỹ. Cùng với 8 chiếc hiện có, những chiếc máy bay này giúp Ấn Độ có đủ tiềm lực tuần tra tới tận Eo biển Malacca, biển Ả Rập, giám sát Vùng đặc quyền kinh tế của các nước giáp Ấn Độ Dương, vùng Sừng châu Phi.

Trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6/2017, Washington đã đồng ý cho New Delhi mua 22 máy bay không người lái Guardian trị giá từ 2-3 tỷ USD để tuần tra các vùng biển xa ngoài khơi Ấn Độ Dương.

Đây được đánh giá sẽ là hợp đồng làm "thay đổi cuộc chơi", giúp tăng cường các khả năng do thám, trinh sát biển của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang cùng hợp tác với Nhật Bản xây dựng một dải quan trắc thủy âm đặt ngầm dưới đáy biển kéo dài từ cực Nam Ấn Độ tới mũi Sumatra của Indonesia. Các chuyên gia quân sự nhận định, mục đích chính của việc thiết lập hệ thống cảm biến này là dùng theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc.

Gần đây nhất, như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh, từ ngày 10-17/7 Ấn Độ , Mỹ và Nhật Bản đã cùng tổ chức cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn Malabar 2017 tại Vịnh Bengal với sự tham gia của 2 tàu sân bay, 1 tàu trực thăng, 95 máy bay, 16 tàu chiến và 2 tàu ngầm.

"Tôi muốn nói rằng đây là một thông điệp chiến lược gửi tới Trung Quốc", Chỉ huy Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc William D Byrne Jr cho biết tại buổi lễ khai mạc Malabar 2017.

"Cuộc tập trận Malabar diễn ra vào thời điểm Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đang quan ngại sâu sắc việc Hải quân Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương", chuyên gia phân tích quốc phòng Probal Ghosh nhận xét.

"Ấn Độ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn tàu ngầm và tàu chiến tới biển Ấn Độ Dương", Ghosh nói.

Ấn Độ dùng bức màn thép để khắc chế vòng vây chuỗi ngọc trai của TQ như thế nào? - Ảnh 3.

Dòng máy bay không người lái Guardian mà Mỹ đồng ý bán cho Ấn Độ được trang bị các công nghệ hiện đại nhất mà Hải quân nước này chưa có. Ảnh: Firstpost

Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận giám sát vùng đặc quyền kinh tế cho một loạt các quốc gia ở Ấn Độ Dương như Maldives, Seychellas và Mauritius. Năm 2015, Ấn Độ "giúp" cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng một số đảo của Mauritius và Seychellas nhưng thực chất là chuyển đổi thành các căn cứ quân sự được trang bị radar, hệ thống định vị thủy âm và tiếp nhận tàu hải quân Ấn Độ neo đậu.

Nhằm đối phó với hoạt động của Trung Quốc triển khai tại cảng Gwadar của Pakistan, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận với Iran để phát triển Chabahar, một cảng biển nằm ở cửa ngõ Eo biển Hormuz thậm chí còn có vị trí địa chiến lược quan trọng hơn Gwadar vì đây là nơi các tàu vận chuyển dầu từ Saudi Arabia, Iran, Kuwait, Oman, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đi qua.

Để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Ấn Độ không chỉ chủ động liên minh với Mỹ mà còn rất hiệu quả trong việc đẩy mạnh chiến lược "Hành động hướng Đông". Những năm vừa qua, Ấn Độ đã không ngừng tăng cường quan hệ ngoại giao, quân sự, quốc phòng với các nước trong khối ASEAN và Nhật Bản – đối thủ chính của Trung Quốc tại Đông Á.

Phương châm "kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta" dường như cũng đang được Ấn Độ vận dụng một cách linh hoạt trong chiến lược đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại