Đối đầu Mỹ, tên lửa Nga chỉ có 200 giây để sống sót

Quang Huy |

Theo trang argumenti.ru, trong 200 giây, quả tên lửa khổng lồ và nặng nề của Nga có thể bị phát hiện. Mỹ chỉ cần phóng tên lửa đánh chặn có tốc độ cao hơn để tiêu diệt.

200 giây quyết định

Một trong những mối đe doạ quân sự đội với Nga chính là việc Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Nga Putin đã đưa ra lời chỉ trích hết sức gay gắt trước kế hoạch triển khai các hệ thống này của Mỹ tại Romania và Ba Lan.

Ông Putin còn cảnh báo, Romania và Ba Lan có thể thành mục tiêu của tên lửa Nga.

"Nếu ngày hôm qua, Romania còn chưa biết ở trong tầm ngắm là thế nào, thì hôm nay chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp nhất định nhằm đảm bảo an ninh"- ông Putin phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Athens với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 27/5 - "Ba Lan cũng ở trong tình trạng tương tự".

Ông Putin cho biết việc Mỹ viện cớ lá chắn tên lửa là để phòng thủ trước Iran là vô nghĩa bởi chương trình hạt nhân của Tehran bị hạn chế theo thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, các tên lửa lại dễ dàng vươn tới các thành phố Nga.

Cả Mỹ và NATO đều trấn an Nga rằng lá chắn ở Romania và Ba Lan không nhằm làm suy yếu sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Tuy nhiên, Moscow luôn khẳng định việc thiết lập lá chắn ở những quốc gia ngay cửa ngõ của Nga chính là mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Các kênh truyền hình Trung ương của Nga hàng giờ phát những chương trình liên quan tới việc thiết lập các vùng phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania và Ba Lan. Các nhà nghiên cứu chính trị và phóng viên truyền hình cũng hăng hái thảo luận về vấn đề này.

Đối đầu Mỹ, tên lửa Nga chỉ có 200 giây để sống sót - Ảnh 1.

Cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania. Ảnh: Reuters

Theo trang argumenti.ru, Moscow có lý do để lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bởi bất cứ tên lửa hạt nhân xuyên lục địa nào hiện có của Nga cũng phải mất 200 giây để đầu đạn hạt nhân tách ra khỏi tên lửa.

Trong vòng 200 giây này, quả tên lửa khổng lồ và nặng nề từ từ tăng tốc và di chuyển theo một đường bay dễ đoán. Nó có thể bị phát hiện ngay ở những giây đầu tiên khi được phóng lên, và Mỹ chỉ cần phóng các tên lửa đánh chặn có vận tốc nhanh hơn nhiều để tiêu diệt.

Để thực hiện được điều này, từ lâu Mỹ đã bố trí hệ thống radar trên biển tại Alaska và Greenland, Nhật Bản và Scandinavia, cũng như tại các nước Đông Âu.

Đối đầu Mỹ, tên lửa Nga chỉ có 200 giây để sống sót - Ảnh 2.

Hệ thống Radar X-Band Mỹ bố trí tại Nhật Bản.

Tiếp đến, cần phải nhìn quả Địa cầu từ Bắc Cực và thử kết nối một đường dài từ Alaska tới Ba Lan. Theo argumenti.ru, đường này chính là ranh giới mà mọi tên lửa phóng từ hầm ngầm hay từ mặt đất của Nga có thể bị tiêu diệt dễ dàng.

Do đó, tại cả Ba Lan và Alaska, hàng chục tàu chiến đã và sẽ được trang bị các tên lửa phòng thủ tên lửa qua thử nghiệm thành công từ lâu của Mỹ.

Sau 6 năm nữa thôi, số lượng các tên lửa này sẽ tăng lên tới hơn 600 quả tại Mỹ. Thêm vào đó sẽ là hàng chục quả tên lửa tại Ba Lan và Romania.

Chỉ sau khi được phóng lên để tiêu diệt tên lửa hạt nhân của Nga trong 200 giây đầu tiên thì mới có thể đánh giá được tính hiệu quả của các tên lửa đánh chặn Mỹ.

Đầu đạn hạt nhân tách khỏi tên lửa không hề đáng sợ, nhưng cần phải bay tới điểm nó bắt đầu tách ra khỏi tên lửa.

Đối đầu Mỹ, tên lửa Nga chỉ có 200 giây để sống sót - Ảnh 3.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga.

Theo các chuyên gia, tên lửa xuyên lục địa mới mang tên "Sarmat" của Nga có thể bay qua không chỉ Bắc Cực mà qua cả Nam Cực. Nhưng cũng có cách để vô hiệu hoá khi nó bay qua Nam Cực.

Người Mỹ có thể theo dõi quá trình phóng các tên lửa "Sarmat" từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, Nga chỉ còn cách tấn công Mỹ từ các tàu ngầm và máy bay.

Song trong lĩnh vực này, Mỹ cũng đang tiến hành nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa dù chưa đạt được những thành công như mong đợi.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ phải "chết lâm sàng"

Lực lượng tấn công chủ lực của Nga chính là các sư đoàn tên lửa xuyên lục địa trên lãnh thổ và dọc bờ biển. "Cuộc chơi" chính nhằm vào lực lượng này.

Cần phải công nhận một điều: Vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ tên lửa là điều kiện sống còn của Nga nếu xảy ra một cuộc chiến quy mô toàn cầu với Mỹ.

Theo argumenti.ru, Nga luôn giành được chiến thắng trong bất cứ cuộc chiến thông thường nào. Nhưng khi đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Moscow chỉ có một lựa chọn: Khiến nó ngừng hoạt động, chí ít là trong 200 giây đầu tiên mang tính quyết định.

Trong khoảng thời gian này, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ phải "chết lâm sàng" hoàn toàn hoặc một phần.

Thời gian này đủ để khoảng một nửa số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga vượt qua đường bay được lập trình và tiếp cận các mục tiêu.

Đã có nhiều trường hợp hệ thống điện tử bị vô hiệu hóa. Nhiệm vụ ở đây là làm sao để vô hiệu hóa chúng một cách hiệu quả trên vùng lãnh thổ có đường kính khoảng hơn 1.500km.

Argumenti.ru cho hay, điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách sử dụng các vệ tinh hạng nặng, có trọng lượng không dưới 10 tấn để trang bị hệ thống năng lượng cần thiết, các thiết bị và phương tiện tự bảo vệ.

Hiện chỉ duy nhất tập đoàn tên lửa – vũ trụ "Energia" mang tên Korolev (Nga) có thể chế tạo được thiết bị vũ trụ với khả năng đưa vệ tinh hạng nặng vào các quỹ đạo bay cực cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại