Doanh nhân Lương Hoàng Anh nói về "món nợ đau đớn của lòng tham"

Hoàng Nguyên Vũ |

Doanh nhân Lương Hoàng Anh cho rằng thực phẩm bẩn là tội ác, không có bất cứ lý do nào để biện minh.

Doanh nhân Lương Hoàng Anh nói về món nợ đau đớn của lòng tham - Ảnh 1.

Lương Hoàng Anh nói doanh nghiệp, người sản xuất thì nhiều khi đổ cho khó khăn để làm ra và tiêu thụ thực phẩm bẩn. Theo chị, thực phẩm bẩn huỷ hoại sức khoẻ người dân, nó được hiểu là tội ác diệt chủng chứ không phải là những vi phạm thông thường nữa. Thế nên, không thể đổ cho cái nghèo, cái khó mà thoả hiệp với tội ác.

Những món nợ đau đớn của lòng tham

*Chị đã bao giờ từ chối một bữa cơm nào trong quá trình đi công tác, vì lý do: Thức ăn trên bàn không thực sự an toàn?

-Từ chối thì chưa, cũng vì phép lịch sự, và tôi cũng không muốn người nghèo tổn thương thêm vì lời từ chối. Nhưng vừa ăn vừa run thì rồi. Đúng hơn là tôi có tham dự bữa cơm, nhưng chỉ ăn cơm.

Đó là lần tôi đi Hà Tĩnh trong đoàn khám chữa bệnh cho người dân Kỳ Anh. Nhìn thấy đĩa rau, đĩa cá, tôi biết là nguồn thực phẩm này có sử dụng chất bảo quản vì họ nói, rau mua về để mấy ngày vẫn tươi xanh và "ngon lắm".

Trong bữa cơm, tôi có nói với mọi người: thôi, có đất đai, tự trồng lấy mà ăn, không nên mua rau trôi nổi ngoài, độc lắm. Cố gắng nuôi thêm con gà con vịt, vì giờ bên ngoài thức ăn người ta tẩm ướp kinh khủng lắm rồi.

*"Người ta" mà chị nói tới ở đây là ai?

-Tôi cũng xin thẳng thắn là "người ta" mà bạn nhắc tới giờ đầy rẫy bên ngoài. Họ đầy rẫy và hiện hình chứ chẳng phải vô hình gì nữa.

Và tôi gói gọn trong các đối tượng sau: Những doanh nghiệp vì lòng tham mà buôn bán hoá chất bảo quản độc hại cung cấp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm; các doanh nghiệp vì lợi nhuận đã sử dụng những chất độc hại đó và người dân vì lòng tham cũng đã sử dụng các loại hoá chất độc hại này tràn lan.

Chưa bao giờ, bức tranh về thực phẩm của Việt Nam thảm đạm như bây giờ. Đâu đâu cũng rau phun thuốc. Đâu đâu cũng thịt tẩm ướp, cá tẩm ướp.

Đến cả trứng còn không an toàn nữa. Người ta phù phép biến những thứ thối rữa thành thực phẩm tươi ngon bằng hoá chất.

Có những loại cây ăn quả, đã sống vì thuốc từ khi còn là những mầm cây non, dùng thuốc để trưởng thành, dùng thuốc để đậu quả, dùng thuốc để không bị sâu và dùng thuốc để chín mọng đẹp.

Những trái cam đẹp, những trái táo đẹp..., nhưng ai biết đó là những phù thuỷ gieo rắc cái chết ngấm ngầm.

Thuốc tràn lan. Thuốc vào rau quả rồi đi vào miệng, vào dạ dày. Thuốc ngấm xuống đất, mà cái thứ ngấm xuống đất mới thực sự kinh khủng.

Những món nợ đau đớn của lòng tham giáng xuống tương lai để rồi sau này con cháu mình không biết sẽ như thế nào.

*"Những món nợ đau đớn của lòng tham...", nó được bắt đầu từ đâu, theo chị?

- Món nợ đó được bắt đầu từ sự không nghiêm túc trong kiểm tra của một vài cơ quan. Họ không trả lời được số hoá chất độc hại mà doanh nghiệp nhập về để làm gì.

Tôi vẫn cứ thắc mắc: sao người ta biết rõ nó độc hại, mà vẫn cứ kiểu: mua về làm gì là quyền của người mua!?

Doanh nhân Lương Hoàng Anh nói về món nợ đau đớn của lòng tham - Ảnh 2.

Món nợ đó cũng được phình ra càng lúc càng lớn bởi lòng tham chiến thắng ý thức vì người tiêu dùng của doanh nghiệp.

Họ đã không tự đưa ra giải pháp của mình trong bài toán kinh doanh và ý thức vì cộng đồng của người làm kinh doanh.

Vì lợi nhuận, họ bất chấp giá trị cộng đồng mà bất cứ một doanh nghiệp chân chính đều phải thấy rằng: Sự an toàn của cộng đồng là nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Và món nợ đó đến từ lòng tham của người dân nữa. Rau bán cho người khác thì phun, rau nhà mình thì sạch. Thịt mình ăn thì không ngâm tẩm, thịt bán cho người khác thì đủ loại thuốc giữ tươi.

Người ta từng nói với tôi: Rau không phun thì làm sao mà đẹp được.

*Là doanh nhân, chị rất hiểu, khi hàng rau quả Trung Quốc vào Việt Nam được miễn thuế, thì doanh nghiệp và người dân cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Điều đó, nhiều người đã lo lắng thế!

Không có khó khăn nào không vượt qua được, đừng nên minh biện cho ý thức thích nằm không ăn sẵn, lấy khó khăn ra để biện bạch cho những việc làm không được tốt đẹp của mình.

Tôi cũng đồng ý rằng, khi hàng rau củ Trung Quốc tràn vào Việt Nam với mức thuế 0%, giá rẻ như cho, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn.

Và ngay người dân, để cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì lại tiếp tục phun, tiếp tục tẩm. Thực phẩm tươi sống chỉ được bảo quản độ tươi trong 24 giờ.

Sau đó, người dân, doanh nghiệp lại phải dùng hoá chất giữ tươi cho lâu để không phải đổ đi.

Nói chung, bức tranh hãi hùng của thực phẩm đang ở cạnh. Nhà nước nên có những chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và trên hết là sự giám sát chặt chẽ độ an toàn cho thực phẩm.

Ý thức - câu chuyện cũ vẫn phải nói. Người Hàn Quốc vì ý thức dân tộc, vì sự an toàn họ chỉ sử dụng thực phẩm Hàn Quốc. Ý thức bảo vệ cộng đồng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng rất rõ. Họ vì một đất nước Hàn Quốc khoẻ mạnh rất rõ rệt. Giá mà doanh nghiệp nhà ta cũng ý thức được như thế.

*Chị có bi quan quá không khi ở ta, cũng có nhiều doanh nghiệp với khát vọng thực phẩm sạch cho cộng đồng đang nhen nhóm?

- Tôi kể bạn nghe chuyện này: Năm trước tôi định cổ phần với một chuỗi cửa hàng rau sạch vì tôi muốn chung tay phát triển thực phẩm sạch cho cộng đồng.

Thế rồi, một lần tôi làm một người dân đi mua rau ở chuỗi cửa hàng đó, tôi vô cùng bất ngờ trước một sự thật.

Tôi thấy, ở bên ngoài là những chiếc xe máy chở từng bao tải rau nhập cho cửa hàng. Tôi lấy làm nghi ngờ ra ngoài hỏi các ông chở rau mới biết họ là chủ các vựa rau mà doanh nghiệp này nhập kiểu bỏ mối.

Tôi hỏi một ông: "Tôi muốn mua rau để đóng gói nhập đi nước ngoài. Nếu tôi mua của ông với giá cao, ông có cam kết là không phun gì vì nếu nước ngoài phát hiện ra chất bảo quản, họ sẽ trả lại và ông đền hợp đồng?"

Người đàn ông đó từ chối và nói: "Rau không phun thì làm sao mà tươi đẹp được. Nói chung là phải phun. Tôi không bán cho cô thì tôi bán cho người khác"

Từ đó, tôi mất niềm tin hoàn toàn vào thực phẩm ở Việt Nam. Có thể ở cửa hàng đó, người chủ tốt nhưng không giám sát được nhân viên, để họ tác oai tác quái mua hàng trôi nổi bên ngoài.

Thậm chí có doanh nghiệp nhập khoai tây Trung Quốc về tắm thêm ít bùn đóng gói làm khoai tây Đà Lạt.

Thế đấy, có rất nhiều doanh nghiệp bên ngoài đang muốn làm thực phẩm sạch.

Nhưng chừng nào tôi thấy cái tâm của họ vì cộng đồng thực sự trong tất cả các khâu đảm bảo sạch, lúc đó tôi mới tin. Chứ như giờ, ai cũng hô mình sạch nhưng không chứng minh được, khó lắm.

*Mất niềm tin vào thực phẩm Việt Nam, vậy, hiện tại chị dùng thực phẩm ở đâu?

- Thịt cá thì tôi dùng hàng nhập khẩu. Rau thì bố mẹ tôi tự trồng. Tôi cũng có đất, có rẫy, rau quả tự trồng được. Đó là cách duy nhất tôi có thể bảo vệ gia đình mình.

Tới đây, với khoảng đất rừng cao su trên Bình Phước, tôi sẽ trồng rau sạch và nuôi heo sạch, vừa đảm bảo an toàn cho gia đình mình và cung cấp cho những người thân quanh tôi.

Đó là điều tôi có thể làm được trong giải pháp tạm thời.

Tôi muốn các con phải được an toàn trên chính quê hương của chúng

* Từng đi nhiều nước, hẳn chị có so sánh thực phẩm giữa họ với Việt Nam hiện tại. Chị nhận thấy điều gì từ sự so sánh này?

- Chắc bạn thấy nhiều người đã so sánh. Nhất là những người có cơ hội đi ra nước ngoài nhiều. Họ ca ngợi thức ăn nước ngoài và sợ thức ăn của Việt Nam. Không phải vì họ có tiền có của mà họ nói đâu, mà thực tế là vậy, thức ăn Việt Nam, càng rẻ càng độc hại. Và câu "tiền nào của ấy" có vẻ đúng.

Nhưng nước ngoài thì không.

Ta phải biết vì sao lại có sự khác biệt đó. Tôi đi các nước mà gần nhất là Singapore, ăn đĩa cơm gà ngoài vỉa hè và ăn thức ăn ở khách sạn 5 sao, tôi biết độ an toàn là như nhau. Cái tiền đắt hơn là khách hàng trả cho dịch vụ.

Vì sao an toàn như nhau? Vì nhà nước họ hoạch định về sự an toàn ngay từ đầu và có khung hình phạt nghiêm ngặt cho việc vi phạm an toàn thực phẩm.

Doanh nhân Lương Hoàng Anh nói về món nợ đau đớn của lòng tham - Ảnh 3.

Một người bán đồ ăn vỉa hè có nói với tôi, họ được nhà nước họ quán triệt rằng, việc sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm có thể gây giết người hàng loạt và đó là tội diệt chủng.

Ở ta, vấn đề này có vẻ "thoáng" và tôi ớn lạnh với sự "thoáng" đó. Giờ cứ phải lăn đùng ra chết mới xử lý kẻ bán? Xin đừng thế.

Cái chết từ hoá chất độc hại là sự huỷ hoại từ từ, làm cho người dân kiệt quệ về sức lực, hao tổn về tiền bạc. Và huỷ hoại cả tương lai.

Thế nên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần mạnh tay hơn. Ví dụ, chỉ cần chứng minh được giấy tờ đầu vào: Doanh nghiệp thực phẩm ấy mua cái thuốc đó. Chưa cần biết họ sử dụng bao nhiêu, cứ mua về là xử. Vì họ mua là để sử dụng chứ không có điên mà mua chất độc về để không ở đó.

Ngay cả người dân: Phát hiện dùng chất bảo quản độc hại (cái này dễ vô cùng. Đến tận nơi xem họ phun cái gì tẩm cái gì, việc đó diễn ra hàng ngày mà), là xử thật nặng.

Cứ phải có chế tài thật nặng chứ đừng có chủ quan nữa. Cái chết đến cận kề, sự huỷ diệt đến cận kề từ cái ăn cái uống hàng ngày chứ chẳng phải ở đâu xa xôi.

Tuyên truyền cho người dân hiểu rằng đó là sự huỷ diệt chứ không đơn thuần là vi phạm. Và khung hình phạt cho tội này phải nặng thì lòng tham nào cũng phải chào thua luật pháp.

*Một câu hỏi hơi riêng tư: Giờ thức ăn cho gia đình chị phải mua ở nước ngoài, trong khi, đã từng đưa các con đi nước ngoài sống, sao chị lại đưa các con trở về lại Việt Nam?

Hôm trước con gái tôi có nói một câu mà tôi chảy nước mắt: Mẹ ơi, con đọc báo thấy thức ăn bẩn con rất sợ. Con sẽ đi Mỹ học nhưng con vẫn trở về. Vì nếu ai cũng đi luôn, thì lấy ai mà thay đổi tình hình?

Doanh nhân Lương Hoàng Anh nói về món nợ đau đớn của lòng tham - Ảnh 4.

Tôi biết trước và sau tôi, có những người đã đi. Họ đi có lý do của họ trong đó không loại trừ lý do an toàn về mặt thức ăn và môi trường. Tôi cũng đã từng muốn con mình an toàn nên đã đưa con đi.

Tôi cần trở về, để sống và phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Các con tôi phải sống được an toàn ở nơi quê hương của chúng. Và tôi cũng thế.

Để an toàn cho con cái và cho mình, chúng ta không phải hết cách mà như tôi có nói ở trên, vẫn còn rất nhiều giải pháp.

Nhưng là mình may mắn hơn người nghèo một chút thì mới được lựa chọn thế. Chung tay được chút nào với họ thì tôi chung tay. Không chỉ là trong vấn đề thực phẩm, mà còn bảo vệ sức khoẻ, tiếp sức cho các em có hoàn cảnh không may mắn nữa.

Lúc này, tôi cũng chỉ muốn nói với các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm: Lợi nhuận rất cần cho doanh nghiệp nhưng đồng bào mình cần hơn. Họ có sống thì mới mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thế nên, bớt tham lại, tăng sự an toàn lên. Giảm chút lợi nhuận mà mang đến nguồn thực phẩm an toàn để dân tin tưởng, để bảo vệ được người tiêu dùng, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không phụ mình.

Còn người dân: Đừng coi thường miếng ăn nữa. Nếu đồ ăn sạch mà có đắt một chút thì thà ăn ít lại để an toàn, còn hơn ăn bẩn để lăn đùng ra chết. Mà cũng không chết ngay, chết từ từ, nguy hiểm lắm.

Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ; ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh (đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.

Cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại