Tại buổi thảo luận bàn tròn của Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng với chủ đề: Thực phẩm sạch cho ai? do Soha.vn, Báo điện tử Trí Thức Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 28/12 tại TP.HCM, có ý kiến nêu vấn đề:
"Cách đây vài tháng, xã hội xôn xao chuyện mỗi năm người Việt uống 17 tỷ ly cà phê nhưng thực chất không phải là cà phê khiến người tiêu dùng rất hoang mang.
Vậy thì người Việt đang uống cái gì? Vậy thế nào mới là cà phê sạch? Có nhiều người uống ly cà phê giá 8.000 đồng ở Sài Gòn thì có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?".
Chương trình bàn tròn trong hội thảo "Thực phẩm sạch dành cho ai".
Trả lời câu hỏi này, TS Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) chia sẻ chính ông cũng là một người "ghiền" cà phê đến nay đã 40 năm, mỗi ngày không uống đúng loại cà phê thật thì cảm thấy thiếu đi một lượng cafein trong máu.
"Không cứ phải cà phê nguyên chất thì mới gọi là cà phê. Tôi đi nhiều quốc gia thì họ cũng không uống cà phê nguyên chất, vì nguyên chất là cà phê chua, không uống được.
Ở Thụy Sỹ, Nhật Bản và cả Việt Nam có trộn hạt cà phê với hạt đậu nành. Khi thêm đậu nành vào thì có thêm một số chất dinh dưỡng và khử được vị chua của cà phê nguyên chất.
Nếu các bạn vào quán mà uống cà phê nguyên chất thì giống những người như tôi không thể uống được loại đó.
Dù đi nước ngoài hay vào khách sạn 5 sao đi nữa thì tôi cũng không uống được cà phê nguyên chất mà phải ra ngoài kia mà uống, đó chính là loại cà phê có trộn". ông Trung nói.
Ông Trung khẳng định, cà phê trộn thì luật pháp cho phép và cả thế giới cho phép, vấn đề là hàm lượng trộn như thế nào. Luật pháp quốc tế quy định hàm lượng cà phê nguyên chất là bao nhiêu, lượng cafein bao nhiêu bởi vì điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nếu cafein cao quá thì phải giảm bớt đi. Có nhiều người thích uống cà phê nhưng nếu sức khỏe yếu thì cũng phải uống cà phê mà không có thành phần cafein.
Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm nhận định, hiện nay bên ngoài thị trường có rất nhiều quán cà phê có thể họ mua hóa chất và hương liệu để trộn cùng một chút xíu cà phê để giảm giá thành, loại như vậy ông không dám uống.
Tiến sĩ Trần Quang Trung thảo luận tại hội thảo do Soha News tổ chức.
"Còn cà phê mà tôi uống ở quán cà phê nhỏ nhỏ ngoài Hà Nội giá 8.000 – 10.000 vẫn đảm bảo. Tôi vẫn uống những nơi đó thường xuyên thôi, không sao cả, đến nay đã 60 tuổi tôi vẫn cảm thấy bình thường, chưa thấy ung thư", ông Trung hài hước nói.
Do vậy, ông Trung nhận định cà phê lâu nay mọi người vẫn nói có trộn đậu nành hay bột bắp thì không phải là cà phê bẩn, mà đó chính là cà phê pha chế.
Ông so sánh, cà phê trộn cũng như làm bánh, không chỉ có bột không mà phải cho một số thứ vào, có thể theo thị hiếu của người tiêu dùng.
"Nếu không có cà phê trộn thì sẽ không có ly cà phê giọt tách tách bên cửa sổ mưa bay để các nhạc sĩ, nhà thơi sáng tác những tác phẩm lãng mạng được", tiến sĩ Trần Quang Trung ví von.
Cà phê nguyên chất vẫn có thể gây ung thư nếu không sàng lọc nghiêm ngặt
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, GĐ nhà máy Nestle Đồng Nai khẳng định, cà phê không chế biến đúng cách sẽ gây hại, thậm chí có thể gây ung thư, nếu để lẫn hạt cà phê mốc khi chế biến.
Do đó, Công ty Nestle phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào của hạt cà phê, đảm bảo không có nấm mốc gây hại trong từng hạt cà phê.
Ngoài việc nhìn cảm quan bằng mắt thường xem hạt cà phê có bị mốc, Nestle còn có rất nhiều chuyên gia nếm thử, ngửi thử cà phê để phát hiện những mùi bất thường như nấm mốc, trước khi đưa vào quy trình sản xuất ra sản phẩm.
Nhờ quy trình khép kín từ hỗ trợ giống cho nhiều nông dân, đến tư vấn cách trồng và bảo quản, thu hoạch cà phê đảm bảo chất lượng cho nông dân, quy trình sàng lọc khi chế biến, nên Nestle đảm bảo sản xuất ra cà phê hoàn toàn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.