“Đoàn tàu tử thần” mang tên lửa hạt nhân của Nga sẽ ra mắt vào năm 2019

Anh Tuấn |

Tạp chí National Interest cho biết, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ một “đoàn tàu tử thần” mang tên Barguzin vào năm 2019.

“Tổ hợp chiến đấu trên đường ray” Barguzin, còn có tên gọi khác là BZhRK, sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars. Đây là một loại tên lửa nặng 55 tấn có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân cùng lúc, có thể được phóng đi từ các ống phóng cố định và dàn phóng di động. 

Nga sẽ có 5 trung đoàn tên lửa trên đường ray, mỗi trung đoàn gồm một đoàn tàu và 6 tên lửa đạn đạo và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

“Đoàn tàu tử thần” mang tên lửa hạt nhân của Nga sẽ ra mắt vào năm 2019 - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars trên các dàn phóng di động

Barguzin không phải là ý tưởng quân sự mới, bởi trước đây từ những năm 1960 Liên Xô đã có dự án phát triển tên lửa phóng từ tàu hỏa. 12 tàu từ dự án này, mỗi tàu được trang bị 3 tên lửa RT-23 Scalpel đã bị ngừng sử dụng vào năm 2005.

“Bởi đối phương sẽ không thể xác định chính xác vị trí mà tên lửa hạt nhân có thể được phóng đi, chúng được gọi là những “đoàn tàu tử thần” hoặc “đoàn tàu ma” của quân đội Nga”, hãng tin Sputnik cho biết.

Theo một quan chức quốc phòng Nga, đoàn tàu này “sẽ không có các toa lớn. Kích cỡ của chúng sẽ tương tự các toa tàu thông thường và nhờ đó chúng sẽ hoàn toàn nằm ngoài tầm nhìn của các hệ thống do thám của đối phương. Thêm vào đó, tổ hợp này có thể phóng tên lửa từ bất kỳ vị trí nào trên đường ray, khác với những hệ thống trước đây của Nga”.

Một bài viết được đăng trên kênh thông tin của Nga cho biết, Barguzin “sẽ là vũ khí hạt nhân thứ ba của lực lượng tên lửa chiến lược Nga, củng cố khả năng chiến đấu cho các loại tên lửa phóng từ ống phóng và dàn phóng di động hiện có”.

Động thái của Nga đã khiến Trung Quốc chú ý, khi nước này cũng đã từng thử nghiệm một loại tên lửa ICBM phóng từ tàu hỏa vào năm 2015. Một bài báo của Trung Quốc cho biết đoàn tàu này “là động thái đáp trả các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và chương trình phát triển hệ thống C-PGS cho các tên lửa siêu thanh”.

Việc chế tạo các tên lửa đạn đạo phóng từ dàn phóng di động cho thấy, các cấp lãnh đạo Nga cảm thấy không an toàn với số lượng vũ khí hạt nhân hiện có so với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng phát triển tên lửa đạn đạo mới bởi họ cho rằng các loại khí tại họ đang có vẫn chưa đủ để đối phó với Nga.

Trong quá khứ Mỹ cũng đã có ý tưởng phát triển tên lửa phóng từ tàu hỏa. Trong thập niên 1980, chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã chấp thuận kế hoạch đặt tên lửa MX lên các toa tàu hỏa để chúng được phân tán ra nhiều nơi trên lãnh thổ nước Mỹ, tuy nhiên chương trình này đã bị hủy bỏ.

Các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa có nhiều lợi thế hơn so với các tên lửa phóng từ hầm phóng cố định. 

Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2014 của tổ chức RAND cho biết việc bảo dưỡng các tên lửa phóng từ tàu hỏa khó hơn, hơn nữa đường ray thường xuyên bị cản trở bởi tuyết, điều thường thấy ở những nơi lạnh giá phương Bắc như Nga. 

Một số khu vực ở Nga như Siberia có hệ thống giao thông thưa thớt, do đó đối phương vẫn có thể phán đoán được vị trí phóng của tên lửa đạn đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại