Nga nói Mỹ không thể chặn khi thử đoàn tàu Barguzin

Tuấn Hưng |

Bộ Quốc phòng Nga vừa thực hiện thử nghiệm thành công hệ thống đoàn tàu tên lửa Barguzin tại sân bay vũ trụ Plesetsk gần Arkhangelsk.

Mỹ đứng nhìn

Thượng tướng Viktor Esin thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược Nga nói với hãng tin Interfax: "Các cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra cơ chế phóng của tên lửa diễn ra trong đầu tháng 11/2016 tại sân bay vũ trụ Plesetsk gần Arkhangelsk và cho kết quả thành công. Công việc phát triển tên lửa đang diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra. Việc phóng thử có thể diễn ra vào đầu năm sau".

Việc Nga khẩn trương thử nghiệm với Barguzin được giới chức nước này thẳng thắn rằng nhằm đáp trả việc kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania của Mỹ và những động thái "gây hấn" của phương Tây tại Đông Âu.

Nói về thời điểm tiếp nhận vũ khí này, người đứng đầu phòng giáo dục quân sự của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN), Đại tá Viktor Nesterov nói trên đài phát thanh Echo Moskvy, lực lượng này sẽ được tiếp nhận đoàn tàu Barguzin đầu tiên vào năm 2020. Đoàn tàu tên lửa hạt nhân Barguzin sẽ được trang bị ít nhất 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars, Đại tá Nesterov cho biết.

Khi nói về sức mạnh của đoàn tàu tên lửa này, Viktor Yesin – cựu tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga trả lời phỏng vấn trên TASS cho rằng, "Barguzin" có thể được xem là câu trả lời của Nga trước các hành động khiêu khích của Mỹ và NATO trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania.

Với 6 tên lửa RS-24 Yars được trang bị, đoàn tàu Barguzin có sức mạnh tương đương với 1 trung đoàn tên lửa đạn đạo chiến lược mạnh nhất hiện nay của Nga. Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars được phát triển để dần thay thế các thế hệ tên lửa già cỗi như Topol (RS-12M) và Stiletto (RS-18).

RS-24 Yars được phát triển bởi Viện thiết kế công nghệ nhiệt Moskva, cũng chính là nơi thiết kế quả Topol-M. Về cơ bản, RS-24 Yars là phiên bản khác của Topol-M đã tăng trọng lượng, kích thước và vì thế cũng có tầm bắn xa hơn, khoảng 11.000km.

Nó được thiết kế để mang tối đa 6 đầu đạn, với mỗi đầu đạn có thể bắn xuống các mục tiêu khác nhau. Nó được tạo ra như một câu trả lời với lá chắn tên lửa mà Mỹ đặt ở châu Âu.

Theo ông Sergei Karakayev, Tư lệnh lực lượng RVSN: "Tổ hợp phóng tên lửa trên tàu hỏa Barguzin sẽ vượt trội đáng kể so với thế hệ trước đó về độ chính xác và tầm bắn, cũng như về những đặc điểm khác. Khả năng này sẽ cho phép tổ hợp tên lửa thực hiện tốt nhiệm vụ trực chiến trong Lực lượng tên lửa chiến lược trong tương lai, ít nhất là đến năm 2040".

Trước khi Barguzin được giới thiệu, trong những năm 1980, Liên Xô đã phát triển dòng vũ khí có khả năng tương tự là tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục (ICBM) RT-23 Molodets. Khi đưa vào trang bị năm 1987, tổ hợp vũ khí này đã mang lại thành công trên cả mong đợi của giới chức quân sự Liên Xô.

Đoàn tàu hạt nhân Molodets với hình dáng y hệt các đoàn tàu chở hàng hoạt động không nghỉ trong hệ thống đường sắt quốc gia Liên Xô.

Các biện pháp theo dõi của Mỹ và NATO đã bó tay với loại vũ khí này. Cơ quan phân tích ảnh vệ tinh Mỹ không thể tìm ra dấu vết các đoàn tàu hạt nhân Liên Xô bằng ảnh vệ tinh lẫn ảnh quang phổ (tìm dấu vết đồng vị phóng xạ) và nhiều phương pháp khác.

Thậm chí, Mỹ đã tính tới kế hoạch triển khai các container hàng trá hình, trong lắp đặt các thiết bị giám sát tinh vi trà trộn vào hệ thống đường sắt Liên Xô để theo dõi "đoàn tàu ICBM", nhưng cũng bó tay. Và một khi đoàn tàu Barguzin đi vào hoạt động, phương Tây sẽ phải vất vả hơn nhiều trong nỗ lực theo dõi vũ khí này đặc biệt này của Nga.

Thêm đồng minh

Theo RT, Ngoại trưởng Belarus ông Vladimir Makey vừa lên tiếng quan ngại về lá chắn phòng không của Mỹ ở châu Âu và hứa rằng, Belarus sẽ hợp tác cùng Nga để tạo ra một biện pháp đáp trả hợp lí với hệ thống này.

Ông Makey nói trong một buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào hôm 16/5: "Đối với chúng tôi, đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Hiện nay, nhiều đối tác phương Tây đang bắt đầu thảo luận về việc triển khai thêm binh lính tới các nước láng giềng của Belarus. Điều này rõ ràng gây ra sự quan ngại và thách thức đối với đất nước của chúng tôi".

Ngoại trưởng Makey khẳng định rằng, Nga và Belarus sẽ cùng tạo ra biện pháp phản ứng thích hợp với việc NATO triển khai thêm quân và lá chắn tên lửa tới Đông Âu. Ông nhấn mạnh tới các cam kết hợp tác quân sự giữa Nga - Belarus và nói rằng, sự tăng cường hiện diện của NATO đang khiến tình hình khu vực thêm bất ổn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại