Những ngày qua, dư luận Indonesia đã và đang vô cùng xôn xao trước đám cưới và câu chuyện tình của cặp đôi đũa lệch, mà trong đó chú rể Selamat Riayadi mới 16 tuổi còn cô dâu là cụ bà 71 tuổi Rohaya.
Trải qua nhiều sóng gió và phản đối từ 2 bên gia đình, cuối cùng, vào ngày Chủ nhật vừa qua (2/7), Selamet và bà Rohaya đã tổ chức lễ cưới tại nhà trưởng thôn Kuswoyo.
Những hình ảnh cùng video về lễ cưới sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của không ít người dùng mạng. Nhiều người liên tục bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện.
Trả lời phỏng vấn của tờ báo địa phương Detik, trưởng thôn Kuswoyo đã xác nhận đám cưới này hoàn toàn có thật. Để nhận được sự chấp thuận của 2 bên gia đình, cặp đôi đã đe dọa sẽ cùng nhau kết liễu cuộc đời.
"Cặp đôi cho biết họ muốn tự tử bởi họ thực sự đã yêu nhau quá sâu đậm. Nếu 1 trong 2 người phải chết thì người còn lại cũng sẽ đi theo", ông Kuswoyo chia sẻ.
Tân lang tân nương trong ngày cưới.
Cũng theo ông Kuswoyo, gia đình cụ bà Rohaya đã vô cùng lưỡng lự khi quyết định xem có đồng ý mối quan hệ cách biệt tới 55 tuổi của bà, mẹ mình hay không.
Tuy nhiên, sau khi thấy người phụ nữ đã ngoại thất tuần sống chết đòi kết hôn, các thành viên trong gia đình cũng đành đồng ý.
Giải đáp những hoài nghi về việc liệu rằng mối quan hệ này có dựa trên lợi ích tiền bạc hay vật chất hay không, ông Kuswoyo khẳng định cặp đôi đến với nhau hoàn toàn bằng tình yêu.
Trước đám cưới, gia đình chú rể chỉ phải đưa một khoản tiền sính lễ rất nhỏ cho gia đình cô dâu.
Tại Indonesia, độ tuổi hợp pháp để kết hôn là 16 dành cho nữ và 19 dành cho nam. Tuy nhiên, tại một số vùng vẫn còn tồn tại nghi thức cưới hỏi truyền thống mang tên nikah siri.
Theo đó, các cặp đôi có thể kết hôn theo nghi lễ truyền thống, tuy nhiên, nó không hề được công nhận theo luật pháp. Và điều này đã góp phần làm gia tăng nạn tảo hôn tại quốc gia này.