Doạ rút quân sang Ba Lan, Mỹ "khoét sâu" rạn nứt liên minh cầm quyền Đức

Phương Đỗ |

Chính phủ liên minh cầm quyền Đức có những nhận định khác nhau về ý tưởng Mỹ tái triển khai quân lính từ Đức sang Ba Lan.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenel mới đây lại một lần nữa chỉ trích việc Berlin đã không đáp ứng được mục tiêu NATO là dành ra 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Ông cũng tỏ ra đồng tình với ý tưởng của Tổng thống Donald Trump là tái triển khai quân đội từ Đức tới Ba Lan, đồng thời khẳng định, đã tới lúc Berlin phải "chi trả cho quốc phòng của chính mình".

Bình luận về những tuyên bố trên, Nghị sỹ Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) thuộc liên minh cầm quyền Thomas Hitschler cho rằng, mặc dù lời cảnh báo của ông Grenel phù hợp với chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, nhưng giọng điệu đe dọa lại "rất có vấn đề". Theo ông, những lời buộc tội Đức không phản ánh thực tế.

"Tuần trước tôi vừa công du Mỹ… Cả Thượng, Hạ viện và Lầu Năm góc, tất cả đều khen ngợi cam kết quốc phòng của Đức", ông Hitschler nói, đồng thời lưu ý, không một ai ủng hộ ý tưởng đưa quân đội Mỹ khỏi Đức.

Doạ rút quân sang Ba Lan, Mỹ khoét sâu rạn nứt liên minh cầm quyền Đức - Ảnh 1.

Mỹ muốn tái triển khai quân từ Đức sang Ba Lan? (ảnh: getty)

Tuy nhiên, cùng lúc, các yêu cầu của đồng minh NATO lại nhận được sự thấu hiểu từ Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel.

Nghị sỹ CDU Juergen Hardt thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, người Mỹ đang cảm thấy "khá tức tối" vì Berlin tỏ ra miễn cưỡng khi phải gia tăng ngân sách quốc phòng trong những năm tới và không đạt được mục tiêu của NATO.

"Điều này đã tạo ra nhiều giận dữ", ông Hardt tiết lộ. Theo ông, "chủ nghĩ hoài nghi về Đức đang gia tăng" và lập trường của Đức là từ chối lời đề nghị tham gia vào sứ mệnh hộ tống tàu thương mại tại Vịnh Ba Tư – càng khiến cho tình hình tồi tệ hơn.

"Đức phải gửi đi một tín hiệu rõ ràng về tình đoàn kết. Hiện tại, người ta có ấn tượng nước Đức đang lùi ra và thậm chí chỉ trích các nỗ lực của Đức", ông Hardt nói với từ Die Welt.

Mặc dù từ chối bình luận về khả năng Mỹ rút quân nhưng Bộ Quốc phòng Đức không quên khẳng định, sự hiện diện của Mỹ tại Đức là rất quan trọng.

"Sự hiện diện của đồng minh Mỹ có nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi. Các thành viên của quân đội Mỹ đang hòa nhập vào xã hội của chúng tôi cùng với gia đình và bạn bè của họ", phát ngôn viên Frank Ensign cho hay.

Tờ Frankfurter Allgemeine đưa tin, chi phí triển khai quân đội chủ yếu do Mỹ chịu trách nhiệm, nhưng mỗi năm chính phủ Đức cũng dành 50 triệu euro cho vấn đề này. Ngoài ra, Đức vẫn chuyển giao hơn 100 bất động sản cho quân đội Mỹ sử dụng mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào. Như vậy, mỗi năm Mỹ cũng "tiết kiệm" được tổng cộng gần 600 triệu euro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại