Đo trực tiếp tỷ lệ nước trên bề mặt Mặt trăng: 120g trên mỗi tấn đất đá

Bảo Nam |

Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố kết quả phát hiện tại chỗ các tín hiệu nước trên Mặt trăng của tàu đổ bộ Chang'e 5, cho thấy bằng chứng mới về mức độ khô của vệ tinh này.

Nghiên cứu được công bố hôm 8/1 trên tạp chí Science Advances cho thấy đất mặt trăng tại bãi đáp chứa ít hơn 120 ppm nước, tương đương 120g nước mỗi tấn và một loại đá nhẹ, dạng thấu kính mang 180 ppm nước. Những con số này cho thấy bề mặt vệ tinh này khô kiệt hơn nhiều so với trên trái đất.

 Đo trực tiếp tỷ lệ nước trên bề mặt Mặt trăng: 120g trên mỗi tấn đất đá  - Ảnh 1.

Số liệu đo đạc về tỷ lệ nước trên bề mặt Mặt trăng.

Để có kết quả này, một thiết bị trên tàu đổ bộ mặt trăng đã đo độ phản xạ quang phổ của đất và đá. Và đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra nước tại chỗ. Hàm lượng nước trong đất đá có thể được ước tính vì phân tử nước hoặc hydroxyl hấp thụ ở tần số khoảng ba micromet, theo các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS).

Các nhà nghiên cứu cho biết, chính gió mặt trời đã góp phần tạo ra độ ẩm của đất đá trên Mặt Trăng, vì nó mang theo hydro tạo thành nước.

Theo các nhà nghiên cứu, lượng nước khoảng 60 ppm bổ sung thêm trong viên đá có thể bắt nguồn từ chính nội tại của Mặt trăng. Viên đá được ước tính là một phần của một cơn mưa đá, đã tách ra từ một khối bazan ẩm ướt hơn trước khi lưu lạc trên bãi đáp để được tàu đổ bộ mặt trăng ghi nhận.

Nghiên cứu tiết lộ rằng mặt trăng đã trở nên khô hơn trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là do sự khử khí trên lớp phủ bề mặt của nó.

 Đo trực tiếp tỷ lệ nước trên bề mặt Mặt trăng: 120g trên mỗi tấn đất đá  - Ảnh 2.

Tàu vũ trụ Chang'e 5 đã hạ cánh xuống một khu vực gần Mons Rümker - một ngọn núi ở Ocean of Storms. Nơi đây được cho là tàn tích giữa một vụ va chạm cực mạnh giữa Mặt trăng và một thiên thạch khoảng 3,9 tỷ năm về trước. Kết quả của vụ va chạm đã tạo ra một ‘vết đen’ khổng lồ, rộng tới gần 2.900 km trên bề mặt của vệ tinh này. Thiết bị tự động đã đo nước tại chỗ và lấy ra các mẫu đất đá nặng 1.731 gam.

“Các mẫu được mang về Trái đất thường là một hỗn hợp của các hạt ở cả bề mặt và bên dưới”, Lin Honglei, nhà nghiên cứu của Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc CAS, nói. "Nhưng một tàu thăm dò tại chỗ có thể đo được lớp ngoài cùng của bề mặt Mặt Trăng."

Ông Lin cũng nói rằng để mô phỏng lại các điều kiện của bề mặt Mặt trăng trên Trái đất là một thách thức, do đó, việc đo đạc tại chỗ trở nên vô cùng cần thiết. Kết quả nói trên cũng phù hợp với phân tích sơ bộ trên 5 mẫu vật mà Chang'e trả về, theo nghiên cứu.

Theo các nhà nghiên cứu, các phát hiện đã cung cấp thêm manh mối về các sứ mệnh tiếp theo của các tàu đổ bộ Chang'e 6 và Chang'e 7 của Trung Quốc. Bởi các cuộc điều tra về trữ lượng nước trên Mặt Trăng là một phần quan trọng cho kế hoạch xây dựng các trạm Mặt Trăng có người ở, một dự án đang trong quá trình triển khai và dự kiến sẽ tiến hành trong những thập kỷ tới.

Tham khảo Xinhua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại