Thành phố New York là một trong những nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất trên thế giới, nhưng trong chương trình Extreme Cheapskates của TLC, Kate Hashimoto đã khiến người xem bị sốc khi tiết lộ con số của mình. Cô chỉ sử dụng ngân sách vỏn vẹn 200 đô la một tháng.
Và cách để Kate Hashimoto đạt được điều đó thậm chí còn gây hoang mang hơn gấp nhiều lần. Cô đã chia sẻ, mình sẵn sàng lục lọi thùng rác, nhặt đồ bỏ đi, giảm thiểu mọi loại chi tiêu có thể và không bao giờ đi ăn hàng nếu phải tự trả tiền.
Bới rác tìm đồ
Kate Hashimoto, một nhân viên kế toán, đã chia sẻ bí kíp tiết kiệm của mình rằng: “Tôi đã sống ở New York được vài năm. Mặc dù đây là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ hàng đầu nhưng tôi đã tìm mọi cách để vượt qua nó. Tôi cố gắng giảm bớt tất cả các khoản phải chi tiền, nếu bắt buộc phải chi thì sẽ chi ít nhất có thể.”
Hashimoto tiết lộ rằng cô ấy chưa bao giờ trả tiền mua đồ nội thất. Thay vào đó, cô tìm kiếm đồ vứt đi trên các vỉa hè để xem có món nào phù hợp, mang về trang trí căn hộ của mình.
“Nhiều người thường vứt đồ bỏ đi bên cạnh thùng rác, nhiều món nội thất trong đó vẫn có thể sử dụng được, chỉ hơi cũ hoặc sờn rách. Tôi sẽ nhặt lại chúng để đem về trang trí cho nơi ở của mình. Nhờ vậy mà tôi đã tiết kiệm được vài nghìn đô la để mua sắm đồ đạc,” cô giải thích.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cô cũng có thể tìm thấy mọi thứ mình cần trên đường phố. Chẳng hạn như cô không thể tìm được một chiếc giường, cũng không muốn chi trả hàng trăm đô la để mua mới, cuối cùng Hashimoto quyết định ngủ trên một chồng thảm yoga cũ mà cô ấy nhặt được trên vỉa hè.
Tương tự, bàn ăn của cô ấy hoàn toàn không phải là một cái bàn đúng nghĩa mà là một chồng tạp chí cũ. Nữ kế toán cũng không có ghế dài mà chỉ dùng tạm một cái khung sắt nhỏ, sau đó bọc một tấm đệm mỏng lên trên.
Từ chối mua đồ vệ sinh, đi “nhặt mót” khắp nơi
Hashimoto không bao giờ mua đồ vệ sinh cá nhân mà tích trữ và sử dụng các sample dùng thử được tặng miễn phí trên đường phố. Ảnh: TLC
Nội thất không phải là thứ duy nhất giúp Hashimoto tiết kiệm tiền. Cô cũng cho biết bản thân đã không mua quần áo mới trong hơn tám năm, không mua đồ lót mới kể từ năm 1998 và từ chối trả tiền cho đồ vệ sinh cá nhân.
“Tôi thấy việc trả tiền cho đồ vệ sinh cá nhân đúng là lãng phí không cần thiết,” Hashimoto nói. “Thay vào đó, tôi đã đăng ký theo dõi nhiều website, cửa hàng, tham dự các sự kiện quảng cáo hoặc nhận đồ được phát miễn phí ngoài đường.”
Nhờ vậy, cô có thể tích lũy được một số lượng lớn các mặt hàng thiết yếu miễn phí, bao gồm kem đánh răng, chất khử mùi, dao cạo và các sản phẩm vệ sinh. Thậm chí, giấy vệ sinh trong nhà cũng được cô lấy từ những nơi công cộng.
Hashimoto cũng không bao giờ tốn tiền giặt là cho quần áo. Cô không ra tiệm hay mua máy giặt ở nhà. Thay vào đó, Hashimoto tranh thủ tự giặt đồ ngay trong khi cô ấy tắm. Bọt xà phòng sau khi tắm gội sẽ được dùng để giặt quần áo luôn.
Tổng cộng, Hashimoto cho biết cách giặt quần áo khi tắm giúp cô tiết kiệm khoảng 6 đô la phí giặt là mỗi tháng.
Thay vì mua giấy vệ sinh, Hashimoto tận dụng giấy mà cô có thể lấy từ nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: TLC
Sẵn sàng nhặt thức ăn bỏ đi từ thùng rác
Nữ kế toán cũng cố gắng hết sức để tiết kiệm chi phí thực phẩm.
“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi thấy mình đã tiêu khoảng 20 đến 25 đô la cho thực phẩm mỗi tuần. Như vậy, con số này sẽ tới 100 đô la một tháng. Điều này khiến tôi tự hỏi, tại sao mình phải tiêu nhiều tiền như vậy cho đồ ăn?” - Hashimoto tâm tâm niệm niệm vấn đề tiết kiệm.
Sau đó, Hashimoto đã nghĩ ra một cách. Cô quyết định tìm kiếm đồ ăn như những người vô gia cư thường làm, đó là lục tìm các túi rác bên ngoài nhà hàng và cửa hàng tạp hóa.
Cô nói: “Những cửa hàng này thường vứt bỏ rất nhiều thực phẩm chất lượng cao, bao gồm cả thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chế biến sẵn đẹp mắt khi hết hạn sử dụng. Nhờ thế, tôi có thể ăn rất nhiều món ngon mà không phải trả tiền cho nó.”
Hashimoto nói rằng, có khi may mắn, cô sẽ tìm được nho và bơ, các món ăn đóng gói sẵn gồm gnocchi và lasagne. Cô sẽ chỉ lấy thực phẩm “hợp vệ sinh”, đựng trong những gói kín chưa bị ảnh hưởng gì.
Hashimoto lục tìm trong thùng rác của những nhà hàng, cửa hàng tạp hóa để mong tìm được những thực phẩm còn có thể sử dụng. Ảnh: TLC
“Nếu bạn bè muốn đi ăn nhà hàng, tôi sẽ cố gắng nói chuyện để thay đổi quyết định của họ,” Hashimoto nói. "Nếu mọi người vẫn khăng khăng, tôi sẽ chỉ đồng ý đi nếu được bao và không phải trả tiền."
Các biện pháp cắt giảm chi phí đến mức “tằn tiện” của Hashimoto đã giúp cô chỉ tiêu tốn khoảng 200 đô la cho chi phí sinh hoạt mỗi tháng. Trong khi đó, theo The Sun ghi nhận, người dân New York trung bình chi khoảng 1.341 đô la mỗi tháng - không tính tiền thuê nhà.
*Theo Suggest