Với việc sở hữu trong tay 12 tàu sân bay, Mỹ sẽ gửi đi thông điệp ra toàn thế giới về quyết tâm đảm bảo an ninh của mình và khôi phục quân số đúng bằng với thời hậu Chiến tranh Lạnh vào năm 1990.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đang (ít nhất là tạm thời) muốn giảm bớt số lượng tàu sân bay khi đề xuất rằng tàu sân bay USS Harry Truman bị ngừng sử dụng vào năm 2024 tới. Điều này có nghĩa là một con tàu được đưa vào sử dụng năm 2000 sẽ bị tiêu hủy chỉ sau hơn 2 thập kỷ làm nhiệm vụ.
Đề xuất này của Lầu Năm Góc sẽ cho phép họ tiết kiệm được 6,5 tỉ USD dành cho việc tiếp nhiên liệu hạt nhân và nâng cấp tàu sân bay, qua đó có thể dùng khoản tiền này cho các mục đích quân sự quan trọng khác. Nếu được chấp thuận, Hải quân Mỹ sẽ tạm thời chỉ có 10 tàu sân bay, thấp hơn yêu cầu mà Quốc hội Mỹ đề ra 1 chiếc.
Gần như ngay lập tức, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ. Thượng nghị sĩ James Inhofe, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tuần trước đã ngầm tỏ ý phản đối. “Tôi cảm thấy hơi lo lắng trước ý định này”, ông nói.
Ông Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết quyết định này “thể hiện những tính toán chiến lược của chúng tôi đối với ngân sách của năm nay”.
Quốc hội Mỹ rất có thể sẽ lại phải “còng lưng” cung cấp ngân sách để cho phép tàu Truman có thể được tiếp tục hoạt động và tiếp tục thỏa thuận mua thêm hai tàu sân bay nữa. Vấn đề này đã từng xuất hiện dưới thời Tổng thống Obama và cũng đã được giải quyết theo cách này.
Tàu sân bay Harry S. Truman của Mỹ hoạt động trên eo biển Hormuz, vịnh Ba Tư.
Có rất nhiều lý do để lý giải cho việc vì sao Lầu Năm Góc muốn bớt số lượng tàu sân bay. Trong quá khứ, tàu sân bay là một thành tựu lớn về công nghệ quân sự và đã giúp Mỹ thống trị biển cả từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên các đối thủ đang bắt kịp Mỹ nhanh chóng, và tàu sân bay và các tàu hộ tống có thể sẽ trở thành những mục tiêu của tên lửa hiện đại của đối phương.
Mối đe dọa lớn nhất đối với các tàu sân bay của Mỹ là một thế hệ tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn vượt ngoài tầm hoạt động của phần lớn các máy bay quân sự trên tàu sân bay.
Ví dụ, tên lửa DF-21D của Trung Quốc đã được mệnh danh là “sát thủ của mẫu hạm” nhờ tầm bắn lên đến 1.500km của mình.
Trung Quốc và Nga cũng được cho là đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có tốc độ lên đến Mach 5, và ở tốc độ này rất khó để các tàu hộ tống tàu sân bay có thể phản ứng kịp thời.
Các tên lửa tầm xa của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay của Mỹ.
Các tàu sân bay cũng rất đắt đỏ trong bối cảnh nước Mỹ đang thâm hụt ngân sách đến 1 nghìn tỷ USD. Để có được thêm 4 tàu sân bay lớp Ford mới, Hải quân Mỹ sẽ có thể phải chi hơn 58 tỉ USD, trong đó có tàu USS John F. Kennedy (theo kế hoạch sẽ được bàn giao vào năm tới) và tàu USS Enterprise.
Tàu sân bay lớp Ford được thiết kế để có thể cho phép máy bay có thể cất cánh nhiều lần hơn mỗi ngày so với các tàu sân bay trước đây, và được trang bị một loạt các công nghệ mới. Tuy nhiên, quá trình phát triển các công nghệ như hệ thống hỗ trợ cất cánh từ tính và thang máy vận chuyển vũ khí đang gặp những vấn đề nhất định.
Thực tế, tàu Gerald R. Ford đã được cung cấp cho Hải quân Mỹ chậm hơn 1 năm so với kế hoạch, chi phí cũng vượt ngoài dự kiến nhưng vẫn chưa thể sẵn sàng tham chiến.