Điều gì đằng sau việc Nga điều động quân sự gần biên giới Ukraine?

Thanh Bình |

Hoạt động điều chuyển quân sự bất thường của Nga gần biên giới với Ukraine đang khiến phương Tây lo ngại.

Phía Nga tuyên bố việc điều quân trong biên giới của họ là vấn đề nội bộ và bác bỏ rằng họ đang có ý định tấn công Ukraine. (Ảnh: RIA)

Phía Nga tuyên bố việc điều quân trong biên giới của họ là vấn đề nội bộ và bác bỏ rằng họ đang có ý định tấn công Ukraine. (Ảnh: RIA)

Theo Foreign Policy, việc di chuyển quân sự của Nga đến gần biên giới Ukraine không thể được giải thích bằng việc tiến hành các cuộc tập trận hoặc huấn luyện chiến đấu. Do đó, những hành động này là “thù địch” và có thể gây ra phản ứng gay gắt từ Mỹ, nước hoàn toàn ủng hộ Kiev.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ lo ngại về “hoạt động quân sự bất thường của Nga” gần biên giới với Ukraine.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận một nhóm gồm 90.000 người Nga đang tập trung gần biên giới nước này.

Ngoài ra, mối quan ngại của Mỹ xuất phát từ các báo cáo dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy các đơn vị thiết giáp và pháo binh của Nga đã được kéo đến biên giới phía bắc Ukraine vào tháng trước.

Tình huống tương tự cũng xảy ra vào tháng 4, khi quân đội Nga tăng cường gần Ukraine khiến Kiev và các nước phương Tây lo lắng. Sau đó, Nga gạt bỏ những vấn đề sang một bên và rút quân. Vậy điều gì đã thay đổi ở lần này?

Theo Foreign Policy, không giống như hồi tháng 4, việc điều chuyển quân không thể giải thích bằng việc tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện chiến đấu. Nga đã gây ra nhiều cảnh báo trong chính quyền ông Biden đến mức Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns được cử đến Moscow vào tuần trước để cảnh báo giới lãnh đạo nước này không để leo thang thêm căng thẳng.

Một quan chức Anh chia sẻ với Foreign Policy rằng, việc điều chuyển quân của Nga là “đáng lo ngại và phản tác dụng”.

Ông nhấn mạnh, sự tương đồng về quan điểm giữa Anh và Mỹ về tình hình đã phát sinh ở biên giới với Ukraine và lưu ý London không phải là người báo động trong số nhiều ý kiến ​​về việc điều chuyển quân sự không rõ nguyên nhân.

Ông Rob Lee, một nhà phân tích quân sự và nghiên cứu sinh về chiến tranh ở King's College London (Anh) cho biết, việc điều chuyển quân sự hầu như không phải là bằng chứng về một cuộc xâm lược sắp xảy ra.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây có thể là một tín hiệu cho các nước mạnh khác trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy Nga là một thế lực cần phải tính đến.

Năm ngoái, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã lật ngược tình thế ở Nagorno-Karabakh và Libya. Ukraine cũng đã sử dụng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở Donbas khiến Điện Kremlin lên án và mô tả việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc xung đột là “yếu tố gây bất ổn”.

Việc tập trung binh sĩ gần biên giới cũng có thể chấm dứt thời kỳ tương đối hòa bình hiện tại trong quan hệ Mỹ-Nga, với việc các quan chức hai nước đang tìm kiếm hợp tác về thỏa thuận hạt nhân Iran và về kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Theo ông Lee, bất kỳ hành động nào của Nga ở Ukraine có thể làm đảo lộn sự cân bằng này và gây ra phản ứng cứng rắn từ Mỹ và do đó Moscow không nên đi đến một cuộc đối đầu như vậy.

“Câu hỏi đặt ra là tỷ lệ giữa chi phí và lợi ích là bao nhiêu? Tôi không nghĩ rằng có một vùng lãnh thổ ở Ukraine lại quan trọng đến mức có thể biện minh cho những chi phí và hậu quả mà việc chiếm giữ nó sẽ gây ra”, ông Lee bình luận.

Mỹ cảnh báo EU về “kế hoạch” của Nga

Bloomblerg dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng Nga có thể cân nhắc một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Ukraine trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Moscow và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề người di cư và năng lượng.

Điều gì đằng sau việc Nga điều động quân sự gần biên giới Ukraine? - Ảnh 3.

Cảnh báo của Mỹ về tình hình Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Nga và châu Âu đang mâu thuẫn về vấn đề cung cấp khí đốt. (Ảnh: RIA)


Theo đó, Mỹ hiện đang giám sát chặt chẽ các động thái điều động lực lượng của Nga gần biên giới với Ukraine. Giới chức Mỹ đã thông báo cho các đồng nghiệp EU những quan ngại của Washington về một chiến dịch quân sự tiềm tàng của Nga.

Các đánh giá về khả năng này được cho là dựa trên những thông tin mà Mỹ vẫn chưa chia sẻ với các nước EU.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin khẳng định rằng Nga không có ý định gây chiến với Ukraine lúc này, mà muốn thể hiện sự sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Đồng thời, một trong những nguồn tin nhấn mạnh, không thể tìm ra ý định thực sự của Moscow hoặc dự đoán bước đi tiếp theo của nước này.

Theo Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky, Moscow chưa bao giờ lên kế hoạch và không có kế hoạch tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào lãnh thổ Ukraine.

“Chúng tôi chưa bao giờ lên kế hoạch và sẽ không lên kế hoạch, trừ khi chúng tôi bị Ukraine hoặc ai đó khiêu khích và đó sẽ không phải là vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia của chúng tôi”, nhà ngoại giao Nga nói.

Ông Polyansky lưu ý rằng, Nga có quyền tập trung quân đội ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ của mình.

“Sẽ không có cuộc xâm lược”

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin cũng nói rằng, sẽ không có cuộc xâm lược nào của Nga trong tương lai gần, tuy nhiên, theo ông, Nga đang nâng cao “tầm ảnh hưởng” và bắt đầu từ tình hình trong lĩnh vực năng lượng.

“Tổng thống Putin đã mang đến biên giới của chúng tôi vào mùa xuân một lượng lớn vũ khí và rất nhiều quân đội. Tôi tin rằng không cần phải hoảng sợ và lo lắng trong thời gian tới”, nhà ngoại giao Ukraine bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov bác bỏ thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông phương Tây về hoạt động của quân đội Nga gần biên giới Ukraine.

Nga bác bỏ cáo cuộc

Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần bác bỏ thông tin của truyền thông phương Tây về việc “kéo quân đội” tới biên giới với Ukraine.

Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, Moscow đang luân chuyển quân trong lãnh thổ và theo quyết định của riêng mình - điều này không đe dọa và không nên làm phiền bất kỳ ai. Đồng thời, bất kỳ quốc gia nào có biên giới với khu vực không ổn định sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết cho an ninh của quốc gia đó.

Theo phía Nga, bản thân Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây đã tăng cường đáng kể hoạt động quân sự ở Biển Đen. Chỉ trong 24 giờ qua, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã phát hiện và hộ tống 4 máy bay trinh sát của NATO.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ đang cố gắng tạo ra một nhóm quân gần biên giới Nga và một trong những mục tiêu của Washington là phát triển quân sự của Ukraine.

Bộ này tin rằng, Mỹ đang nghiên cứu tình hình trong trường hợp có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Donbass.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại