Cuộc chiến thông tin trong xung đột Naka không kém phần ác liệt so với chiến trường thực tế. Nguồn: people.com.cn.
Mạng xã hội đã trở thành một chiến trường thực thụ trong xung đột Nagorno-Karabakh (Naka), mặc dù không khói súng, nhưng cũng không kém phần cam go so với chiến trường thực tế.
Xung đột Naka vừa qua khiến Azerbaijan và Armenia một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Trong cuộc xung đột này, cuộc chiến giữa hai bên không còn giới hạn ở chiến trường thực tế mà còn mở rộng ra lĩnh vực mạng xã hội.
Thông tin về tình hình chiến trường của các bên tham chiến được lan truyền nhanh chóng qua Internet, các phương tiện truyền thông cũng thay nhau dàn dựng thông tin, điều này khiến Internet trở thành chiến trường không có thuốc súng trong xung đột Naka.
Chiến lược tung hỏa mù, quấy rối sự phán đoán của đối thủ. Mặc dù tính minh bạch trong chiến tranh hiện đại không ngừng được tăng cường, mạng xã hội ngoài mặt tích cực là truyền tải nhanh chóng tính minh bạch trong các cuộc chiến, nhưng mặt tiêu cực của nó đó là nó được sử dụng như một công cụ tung hỏa mù và khiến đối thủ bối rối.
Trong cuộc xung đột này, hai bên tiếp tục sử dụng mạng xã hội để tung thông tin chiến trường, tuyên bố phá hủy một số lượng lớn thiết bị quân sự của bên kia, điều này gây hoang mang cho cộng đồng quốc tế.
Sau khi xung đột nổ ra, các lực lượng vũ trang Armenia đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ đã tiêu diệt 4 trực thăng, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng của quân đội Azerbaijan.
Họ cũng công bố bức ảnh "Vụ bắn hạ trực thăng Azerbaijan", được truyền thông các nước đăng tải rộng rãi. Sau khi được truyền thông Nga xác minh, những bức ảnh này là ảnh chụp màn hình của một đoạn video về vụ rơi trực thăng ở Syria vào tháng 2/2020.
Từ khi xảy ra xung đột, hai bên “đấu đá” quyết liệt, khó phân biệt thật giả. Việc tuyên truyền thông tin sai sự thật và “fake news” qua mạng xã hội, đã gây nhầm lẫn, quấy rối các phân tích và phán đoán tình hình của đối phương.
"Vụ bắn hạ trực thăng Azerbaijan" thực chất là hình ảnh rơi trực thăng ở Syria tháng 2/2020. Nguồn: people.com.cn.
Tranh giành sự ủng hộ của dư luận. Để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình, các bên tham chiến thường sử dụng các phương tiện truyền thông để hướng lái dư luận, vạch trần hoặc phản bác lẫn nhau, công khai các luận điểm chính đáng của mình, qua đó giành được sự ủng hộ của dư luận quốc tế và đặt nền tảng dư luận để bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua chiến tranh.
Trong thời đại công nghệ thông tin, sự lan truyền và ảnh hưởng của truyền thông xã hội ngày càng sâu rộng. Việc nắm được những “đạo nghĩa” chính đáng thậm chí có thể đạt được những lợi ích chiến lược lớn hơn so với việc phá hủy hỏa lực và kiểm soát lực lượng. Ngay khi xung đột Naka bắt đầu, hai bên cáo buộc nhau tấn công dân thường và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Trên mạng xã hội, một số lượng lớn video và hình ảnh về các ngôi nhà dân bị đánh bom và thương vong của dân thường được phổ biến rộng rãi.
Internet đã trở thành vũ khí lợi hại trong xung đột Naka. Nguồn: people.com.cn.
Phối hợp giữa “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” để hạ bệ đối thủ. Trong chiến tranh hiện đại, cả hai bên tham chiến đều kết hợp tấn công hỏa lực và tấn công tinh thần, và xu hướng hợp tác ngày càng rõ ràng giữa "tiêu diệt cứng" bằng các hành động quân sự trực diện và "tiêu diệt mềm" bằng truyền thông và dư luận.
Ngay sau khi nổ ra xung đột Naka, cuộc đối đầu trên mạng xã hội giữa hai bên tham chiến cũng ngay lập tức bắt đầu, cả hai bên đều sử dụng phương tiện truyền thông để đưa thông tin về trận chiến trong thời gian thực và phát động tuyên truyền dư luận.
Ngày 27/9, chính phủ Armenia thông báo thực hiện thiết quân luật và tổng động viên trên Twitter, phía Azerbaijan cũng thông báo nước này đã bước vào tình trạng chiến tranh. Sau khi xung đột nổ ra, tài khoản Twitter "Trung tâm Thông tin Thống nhất Armenia" thuộc chính phủ Armenia đã cập nhật kết quả trên trang chủ của mình một cách kịp thời, cùng phối hợp chặt chẽ với hành động của lực lượng bộ binh.
Ở phía bên kia của cuộc xung đột, Azerbaijan đã đăng những bức ảnh về các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Armenia và chiếm đoạt vật tư quân sự của Armenia trên mạng xã hội, nhân cơ hội này để nâng cao tinh thần binh lính.
Nói tóm lại, trong cuộc xung đột này, tầm ảnh hưởng và sự chú ý của cuộc đối đầu trên mạng xã hội thậm chí còn vượt qua cả chiến tranh thực sự.