Mỹ đưa siêu pháo đến châu Âu, người Nga gặp rắc rối lớn: Hé lộ mục tiêu đầu tiên

Trà Khánh |

Nếu Mỹ bí mật triển khai các hệ thống pháo phản lực HIMARS đến Baltic nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công của NATO vào Kaliningrad thì người Nga sẽ gặp rắc rối to.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong một bài viết mới đây trên tờ Topcor, chuyên gia quân sự người Nga Sergey Marzhetsky nhận định cuộc tập trận của Quân đội Mỹ ở Romania hôm 19/11 đã cho thấy các hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS đang được Lầu Năm Góc triển khai ở châu Âu sẽ sớm trở thành mối đe dọa đối với Moscow trong tương lai.

Cũng theo Marzhetsky trong cuộc tập trận trên Quân đội Mỹ đã cơ động vận chuyển các hệ thống HIMARS (bằng đường hàng không) từ Đức đến Romania, tấn công các mục tiêu giả định trên Biển Đen và trở về căn cứ ở Đức chỉ trong một ngày. Khu vực diễn ra cuộc diễn tập lại nằm gần bán đảo Crimea.

Theo phân tích của Marzhetsky, dù các loại vũ khí công nghệ cao, có tầm bắn xa và chính xác ngày càng phổ biến thì pháo binh vẫn không mất đi tầm quan trọng của nó trên chiến trường.

Mỹ đưa siêu pháo đến châu Âu, người Nga gặp rắc rối lớn: Hé lộ mục tiêu đầu tiên - Ảnh 1.

Hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS của Quân đội Mỹ. Ảnh: The Defense Post.

Ví dụ như các hệ thống pháo tự hành mới nhất của Quân đội Nga là 2S35 Koalitsiya-SV, chúng có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách lên đến 80km với tốc độ bắn có thể đạt 16 phát/phút. Các hệ thống pháo tự hành Nga có thể khai hỏa và di chuyển rời khỏi trận địa chỉ trong vài phút khiến việc phản pháo của đối phương trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại đạn pháo dẫn đường cũng giúp biến các mẫu pháo thông thường trở thành một thứ vũ khí có khả năng tấn công chính xác.

Nếu Koalitsiya-SV chưa đủ sức mạnh thì người Nga vẫn còn các hệ thống pháo phản lực hạng nặng BM-30 Smerch có tầm bắn lên đến 120m hay 9A52-4 Tornado có tầm bắn tới 200km.

Từ những dẫn chứng trên Marzhetsky cho rằng không phải tự nhiên mà Mỹ lại triển khai HIMARS đến châu Âu khi hệ thống pháo phản lực này có tầm bắn lên đến 300km tương đương tầm bắn một số mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Trong trường hợp xung đột nổ ra, nếu người Mỹ bí mật triển khai các hệ thống HIMARS đến các quốc gia Baltic và Ba Lan vốn là bàn đạp lý tưởng cho một cuộc tấn công của NATO vào Kaliningrad thì người Nga sẽ gặp rắc rối to.

Từ lâu vùng lãnh thổ của Nga ở Kaliningrad luôn là cái gai trong mắt các nước thành viên NATO khi nó nằm lọt thỏm giữa châu Âu, thậm chí Moscow còn đặt đại bản doanh Hạm đội Baltic ở đây. Các tàu chiến của Nga ở Kaliningrad với tên lửa hành trình Kalibr kết hợp với hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M hoàn toàn có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu.

Do đó, NATO sẽ tìm cách loại bỏ Kaliningrad đầu tiên ngay khi cuộc chiến diễn ra, thế nhưng nhiệm vụ này cũng không mấy dễ dàng khi vùng lãnh thổ này của Nga được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến. Không quân Mỹ và các nước đồng minh sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề khi cả gan đánh vào Kaliningrad.

Nhưng rất nhiều điều sẽ thay đổi nếu Mỹ và đồng minh sử dụng HIMARS vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Nga ở Kaliningrad. Từ khoảng cách vài trăm km, pháo phản lực của Mỹ có thể tạo nên một cuộc tấn công bất ngờ và nhanh chóng tiêu diệt các hệ thống phòng không của Nga.

Hiệu quả của cuộc tấn công sẽ tăng lên hơn nữa nếu NATO sử dụng UAV tấn công phối hợp tác chiến với các đơn vị HIMARS dưới mặt đất. Khi bầu trời Kaliningrad đã an toàn thì cũng là lúc phi đội máy bay ném bom B-52 và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ nhập cuộc.

Với những lập luận trên, Marzhetsky nhận định nguy cơ từ các hệ thống HIMARS của Mỹ ở châu Âu là không hề nhỏ và Quân đội Nga không nên xem nhẹ mối đe dọa này.

Quân đội Mỹ triển khai hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS tham gia cuộc tập trận ở Romania.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại