Popov được tuyển dụng vào Abwehr thông qua một người bạn Đức tên là Johann Jebsen. Nhiệm vụ đầu tiên của Popov (với mật danh Ivan) là đến Pháp và báo cáo về bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào có thể hữu ích cho Đức Quốc xã.
Một quyết định thay đổi cuộc đời của Dusko Popov
Thời gian trôi qua, Popov trở nên vô cùng băn khoăn trước cách Hitler khắc chế châu Âu, cũng như cách đối phó với phe bất đồng chính kiến bên trong nước Đức. Cuối cùng, Dusko Popov quyết định cung cấp thông tin tình báo cho người Anh và trở thành một điệp viên hai mang - nếu họ đồng ý tuyển mộ ông - một quyết định sẽ thay đổi phần còn lại của cuộc đời ông.
Sau phiên thảo luận chi tiết, giới chức Cơ quan tình báo nội địa hay Mật vụ Anh (MI-5) xác định chắc chắn rằng Popov thực sự nói lên sự thật nên quyết định lên kế hoạch tuyển mộ. Popov được đặt tên mã là “Tricycle”.
Người Anh đã khởi xướng một kế hoạch phức tạp để chấp nhận Popov với tư cách là một đặc vụ Đức Quốc xã chính hiệu, trong khi ông nằm dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Mật vụ Anh.
Dusko Popov.
Popov được điều hành bởi tổ chức gọi là Double Cross System (còn gọi là Ủy ban XX), một bộ phận bí mật của tình báo Anh, chịu trách nhiệm quản lý (và chiêu mộ) tất cả các điệp viên Đức bị bắt khi cố gắng thâm nhập vào xã hội Anh.
Người Đức không nghi ngờ gì và trao cho Popov một tập tin đóng dấu “tuyệt mật”, trong đó họ muốn ông cung cấp thông tin chính xác về ngành công nghiệp vũ khí Anh - bao gồm các loại thiết bị quân sự đang được sản xuất tại các cơ sở ở Weybridge, Wolverhampton và Dartford.
Người Đức cũng muốn biết có bao nhiêu phi đội Supermarine Spitfires và Hawker Hurricanes đang hoạt động trong Không quân Hoàng gia Anh (RAF).
Toàn bộ những thông tin quý giá này được Popov bí mật gửi trở lại Berlin. Sau cái chết do tai nạn giao thông của Ulrich van der Osten – điệp viên hàng đầu của Abwehr được gửi đến Mỹ để thiết lập một mạng lưới gián điệp - ở New York vào ngày 18-3-1941, Abwehr quyết định Popov là người được chọn để lấp chỗ trống quan trọng.
Quyết định của giới lãnh đạo Abwehr hóa ra là một thảm họa tình báo cho Đức Quốc xã. Popov đến nước Mỹ vào đầu tháng 8-1941, mang theo 58.000 USD do Abwehr cung cấp, và lưu trú tại khách sạn Waldorf Astoria sang trọng, nhìn ra Đại lộ Park ở thành phố New York. Đầu tiên, Popov thực hiện một chuyến đi đến sòng bạc sang trọng.
Khi Popov trong bộ dạng bảnh bao đánh bạc bằng số tiền do Đức Quốc xã cung cấp, một người đàn ông chỉ đứng cách đó vài bước chân đang theo dõi từng hành động của ông. Người đàn ông đó chính là Tư lệnh Ian Fleming của Cơ quan Tình báo Hải quân Anh, người được Cơ quan phản gián Anh (MI-6) biệt phái đi để theo dõi sát sao Popov.
Ngay trước khi nhận lệnh đến Mỹ hoạt động ngầm, Popov (lúc đó 29 tuổi) được Abwehr trao cho một “hành lý” gián điệp quan trọng. Đó là danh sách các câu hỏi được viết trên microdot – công cụ cho phép các trang thông tin mật được giảm xuống kích thước chỉ bằng… đầu đinh ghim. Microdot được dán vào một bức điện tín, mà Popov luôn giữ trong người.
Khi ở New York, Popov đã liên lạc với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và yêu cầu ai đó đến gặp ông. Popov tỏ vẻ thất vọng khi mà phải chờ 5 ngày dài cho đến khi FBI trả lời. Cuối cùng Popov cũng được gặp đặc vụ James Foxworth - người đứng đầu văn phòng FBI tại New York. Popov bàn giao microdot.
Khi bắt đầu đọc nội dung, đặc vụ Foxworth biết mình đang có trong tay một thứ cực kỳ quan trọng. Tài liệu mật của Abwehr chứa danh sách các câu hỏi mà người Đức muốn trả lời cho đồng minh của họ là phát xít Nhật.
Trong số các câu hỏi là thông tin về hàng rào phòng thủ của Mỹ tại căn cứ hải quân khổng lồ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii - trong đó bao gồm vị trí chính xác của các căn cứ không quân tại Hickam, Wheeler và Kaneohe; bản phác thảo về Trân Châu Cảng, độ sâu mặt nước bên trong bến cảng; và số lượng và vị trí của bất kỳ mạng lưới chống ngư lôi nào ở đó.
Đánh lừa cơ quan tình báo Đức
Nếu FBI chú ý, họ sẽ nhận thấy rằng tài liệu do Popov mang theo giống như tài liệu được tìm thấy trong phòng của gián điệp Đức Ulrich van der Osten chỉ 5 tháng trước đó. Foxworth chuyển giao bảng câu hỏi của Popov cho giám đốc FBI J.
William Donovan.
Edgar Hoover - người tin rằng Popov vẫn còn làm việc cho cơ quan tình báo Đức. Một yếu tố khác chống lại Popov là lối sống ăn chơi của ông - một người lăng nhăng với quá nhiều phụ nữ và quan hệ tình ái với nữ diễn viên người Pháp Simone Simon và cả… mẹ cô ta!
Popov cũng tiêu tiền của Abwehr một cách phung phí. Mọi động thái của Popov đều bị FBI theo dõi chặt chẽ; và điều khó hiểu mà các đặc vụ Mỹ nhận thấy là sau 3 tháng sống cuộc sống thượng lưu ở New York, Popov đã không liên lạc với bất kỳ đặc vụ Đức nào trong thành phố. Thậm chí, Abwehr cũng bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về Popov và nghi ngờ ông có thể đã bị “mua chuộc”.
Stewart Menzies, người đứng đầu MI-6.
Trong khi đó, Popov đã chuyển thông tin tình báo về Trân Châu Cảng cho FBI theo lệnh từ MI-6. Popov nằm dưới sự giám sát của người đứng đầu MI-6 là Stewart Menzies và cũng là người đã liên lạc với Hoover với đề nghị cho người Mỹ “mượn” Popov.
Từ đó, Popov trở thành một con tốt trong cuộc chiến tình báo lờ mờ giữa Giám đốc FBI Hoover và đối thủ của ông là William Donovan, người mới được bổ nhiệm lãnh đạo COI (Văn phòng Điều phối thông tin) – cơ quan tình báo và tuyên truyền mới nhất của chính phủ Mỹ, được thành lập vào ngày 11-7-1941 bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR), trước khi nước này tham gia Chiến tranh thế chiến lần 2.
William Donovan sau này trở thành giám đốc Cơ quan tình báo Chiến lược (OSS), là tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Donovan là một anh hùng trong Chiến tranh thế chiến lần 1, một luật sư Cộng hòa ở New York và là bạn học của FDR tại trường luật Đại học Columbia.
Donovan đi du lịch khắp châu Âu và Trung Đông thay mặt cho chính phủ Mỹ trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, thu thập nhiều thông tin tình báo có giá trị về những người ông gặp và những nơi ông đến thăm. Donovan cũng là sứ giả cá nhân của Roosevelt đến Anh ngay sau tuyên bố chiến tranh chống lại Đức.
Sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu COI, Donovan bắt đầu mối thù kéo dài hàng thập niên với J. Edgar Hoover về sự lãnh đạo của tình báo Mỹ. Khái niệm về COI không phù hợp với Hoover, người không thích ngay lập tức cơ quan mới của Donovan, và nói rõ cảm xúc của mình với tổng thống.
Về phần mình, tổng thống Roosevelt - do không muốn làm mích lòng Hoover - cho phép FBI tiếp tục trách nhiệm thu thập thông tin tình báo chính ở Nam Mỹ.
Sau khi Mỹ chính thức tham gia vào Chiến tranh thế giới lần 2, người Anh bắt đầu chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với COI, trong đó bao gồm cả hoạt động phá mã ngoại giao và quân sự của Đức Quốc xã mà từ đó dẫn đến việc vây bắt tất cả các điệp viên hai mang của Đức ở Anh.
Tuy nhiên, Hoover không tin tưởng người Anh và mối quan hệ bí mật của họ với Donovan, cũng như việc “cho mượn” Popov. Khi Hoover tiếp nhận bộ câu hỏi về Trân Châu Cảng của Popov, Hoover đã làm một điều lạ lùng. Thay vì giao toàn bộ bảng câu hỏi cho Bill Donovan hay quan trọng hơn là cho FDR, Hoover đã ghi lại các câu hỏi mà bỏ qua các câu về Trân Châu Cảng trước khi gửi đến Nhà Trắng.
Vào cuối tháng 11-1941, dưới con mắt cảnh giác của FBI, Popov nhận được lệnh từ Abwehr điều động ông đến thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Popov được người của Abwehr ở Rio liên lạc và được yêu cầu thiết lập một liên kết vô tuyến giữa Rio và Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha).
Theo lệnh từ Abwehr, Popov tập trung tìm kiếm thông tin về sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh, điểm đến của các đoàn xe của quân Đồng minh và bất kỳ tin tức nào ông có thể cung cấp về chiến tranh chống tàu ngầm.
Vẫn còn những bí mật về điệp viên Popov
Kể từ khi FBI được giao trách nhiệm điều hành các gián điệp Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ, Cục biết tất cả về các cuộc phiêu lưu của Popov và đi một bước trước ông. Popov đang ở Rio vào ngày 7-12-1941 khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
Popov trở lại Mỹ vào một tuần sau đó và bàn giao một bộ microdot thứ hai cho FBI. Mẫu các câu hỏi thứ hai gửi từ Abwehr liên quan đến các loại bột được sử dụng cho đạn dược và vấn đề liên quan đến nghiên cứu bom nguyên tử của Mỹ.
Cuốn hồi ký của Popov – Spy/Counterspy.
Popov tức giận với cách mà FBI đối xử và tự hỏi tại sao người Mỹ không coi trọng sự cảnh báo của ông về mối quan tâm của phát xít Nhật Bản đối với hệ thống phòng thủ ở Trân Châu Cảng. Popov cũng thất vọng khi FBI từ chối cho phép ông truy cập vào các thiết bị vô tuyến tầm xa, ngăn ông gửi thông tin (cả thật và không có thật) đến nhiều địa chỉ liên lạc của ông ở châu Âu.
Để cắt giảm mọi tổn thất liên quan đến Popov, người Anh quyết định ông trở lại London càng sớm càng tốt. Nhưng điều đó sẽ khó thực hiện do sẽ bóc trần vỏ bọc của ông với người Đức và có thể khiến ông bị giết.
Do đó, Popov rời New York và đến Lisbon, nơi ông gặp Ludovico von Karsthoff - người của Abwehr chịu trách nhiệm kiểm soát ông. Popov cũng khéo léo mang theo một món quà cho bạn gái của von Karsthoff.
Nhờ đó, Popov có một cơ hội lớn chỉ trích von Karsthoff vì đã không cung cấp số tiền ông cần để thiết lập mạng lưới gián điệp mới ở Mỹ đồng thời tuyên bố sẽ không nhận từ bất kỳ công việc nào khác cho Abwehr.
Popov trở lại Anh năm 1943 và làm việc cho Ủy ban XX trong phần còn lại của cuộc chiến. Một trong những đóng góp lớn của Popov cho nỗ lực chiến tranh của quân Đồng minh là thông tin chi tiết chuyển đến Karsthoff về sức mạnh và tổ chức (thật ra chỉ là hư cấu) của Tập đoàn quân đội Mỹ Thứ nhất (FUSAG).
Trong khi Karsthoff nghi ngờ về tính chân thật của thông tin, những người nhận được nó ở Berlin thì không. Sự chấp nhận của họ đối với thông tin giả của Popov đã giúp Đức Quốc xã duy trì ảo tưởng về ý định của Đồng minh trước cuộc xâm lược Normandy ngày 6-6-1944.
Các câu hỏi liên quan đến Popov và sự nghiệp của ông trong vai trò “Tricycle” vẫn còn chưa có câu trả lời rõ ràng cho đến tận ngày nay. Ví dụ như câu hỏi về việc Abwehr đã ra lệnh cho Popov đến Hawaii để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các cơ sở quân sự trên đảo Oahu.
Hầu hết các nhà sử học quân sự tin rằng không có bằng chứng xác thực nào cho thấy người Đức từng ra lệnh cho bất kỳ chuyến du lịch nào của Popov tới Hawaii.
Một câu hỏi chưa được trả lời khác trong vụ Popov là liệu ông có thực sự gặp J. Edgar Hoover hay không trong suốt thời gian ở Mỹ. Các tài liệu của FBI cũng không đưa ra ánh sáng thuyết phục về vấn đề này và mọi người đều có ý kiến khác nhau.
Trong hồi ký của mình, Popov viết ông đã gặp J. Edgar Hoover tại văn phòng FBI ở New York. Sau khi Hoover chết, FBI tuyên bố thẳng thừng rằng không có cuộc gặp mặt trực tiếp nào xảy ra!
Trong những năm cuối đời, Popov viết cuốn hồi ký của mình tựa đề “Spy/Counterspy” (tạm dịch: Gián điệp/phản gián). Dusko Popov mất năm 1981 ở tuổi 69, để lại một người vợ và 3 đứa con trai.