Điện Kremlin: Tổng thống Zelensky không có tính chính danh, là rào cản khi đàm phán hòa bình

Hữu Hiển |

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết địa vị của Tổng thống Ukraine có thể là vấn đề cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Hãng tin RT (Nga) ngày 24/7 đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, địa vị của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky có thể gây ra vấn đề khi Moscow và Kiev đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt câu hỏi về tính chính danh của Tổng thống Zelensky, lưu ý rằng nhiệm kỳ của ông đã hết hạn.

"Tổng thống của chúng tôi [Nga] đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Zelensky chắc chắn đã mất tính chính danh", ông Peskov nói với các nhà báo vào ngày 24/7.

Một vấn đề khác "có thể cản trở nghiêm trọng tiến trình hòa bình" là sắc lệnh năm 2022 của Tổng thống Zelensky "cấm bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào của Ukraine tham gia các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin", ông Peskov cho biết.

Điện Kremlin: Tổng thống Zelensky không có tính chính danh, là rào cản khi đàm phán hòa bình- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Global Look Press

Theo RT, nhiệm kỳ tổng thống Ukraine của ông Zelensky đã chính thức hết hạn vào ngày 20/5/2024. Trước đó, ông Zelensky đã từ chối tổ chức bầu cử vào tháng 3, với lý do thiết quân luật được áp dụng tại nước này do xung đột với Nga. Ông lập luận rằng nhiệm kỳ của mình đã được gia hạn trên thực tế theo luật pháp Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần tuyên bố trong những tháng gần đây rằng việc phân tích Hiến pháp Ukraine và các điều luật khác không cho thấy một cách giải thích nào cho phép ông Zelensky tiếp tục nắm quyền.

Trích dẫn Điều 111 của Hiến pháp Ukraine, Tổng thống Putin lập luận vào tháng 5 rằng quyền lực của ông Zelensky nên được chuyển giao cho Chủ tịch Quốc hội Ukraine.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk đã nhấn mạnh rằng ông Zelensky là nguyên thủ quốc gia hợp pháp của Ukraine, và bất kỳ ai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ông đều là "kẻ thù".

Kiev sẵn sàng đàm phán với Moscow

RT đưa tin, cũng trong ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng ông "sẵn sàng và mong muốn" tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.

Phát biểu với các phóng viên, bà Mao đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về chương trình nghị sự trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Kuleba cũng như các cuộc hội đàm của ông với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kuleba kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. 

Theo bà Mao, tình hình thù địch giữa Moscow và Kiev là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự, với việc Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói rõ rằng "Ukraine sẵn sàng và mong muốn tham gia đối thoại và đàm phán với Nga".

"Tất nhiên, các cuộc đàm phán phải hợp lý và thực chất, hướng đến mục tiêu đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài", bà Mao dẫn lời ông Kuleba.

Bà Mao cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo rằng có "nguy cơ leo thang và lan rộng" của cuộc xung đột, đồng thời nói thêm rằng "Trung Quốc tin rằng việc giải quyết mọi xung đột cuối cùng phải quay trở lại bàn đàm phán".

Theo bà Mao, ông Vương lưu ý rằng "gần đây, cả Ukraine và Nga đều đã gửi tín hiệu sẵn sàng đàm phán ở các mức độ khác nhau".

Nga cũng phản hồi bằng cách nói rằng họ sẽ chờ thông tin chi tiết về lập trường của Ukraine. "Chúng tôi chưa nghe thấy những tuyên bố này từ chính ông Kuleba", người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết trong ngày 24/7, đồng thời nói thêm rằng đàm phán vẫn tốt hơn là tiếp tục thù địch.

Điện Kremlin: Tổng thống Zelensky không có tính chính danh, là rào cản khi đàm phán hòa bình- Ảnh 3.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Global Look Press

Theo RT, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Ukraine Kuleba diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố vào đầu tuần này rằng ông muốn chấm dứt xung đột "càng sớm càng tốt" và ra tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Nga.

Điều này trái ngược hoàn toàn với sắc lệnh tổng thống hiện tại mà ông Zelensky đã ký vào mùa thu năm 2022, trong đó cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại ở Moscow. Tổng thống Zelensky đã đưa ra lệnh cấm sau khi bốn khu vực của Ukraine bỏ phiếu để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Kể từ đó, ông Zelensky đã thúc đẩy "công thức hòa bình" của mình, yêu cầu Nga rút quân khỏi mọi vùng lãnh thổ của Ukraine. Đề xuất này đã bị Moscow bác bỏ vì xa rời thực tế.

Vào tháng 6 vừa qua, Ukraine đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ, tập trung vào một số điểm trong công thức của ông Zelensky. Tuy nhiên, Moscow không được mời và Bắc Kinh cũng tránh sự kiện này, với lý do rằng Nga cần phải là một phần của tiến trình này. Một số bên tham gia sau đó cũng đã không ký vào tuyên bố chung.

Theo RT, những động thái này diễn ra khi lực lượng Nga liên tục đẩy lùi quân đội Ukraine ở Donbass và những nơi khác trong những tháng gần đây. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố Moscow sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine sau khi nước này rút quân khỏi Donbass và hai khu vực khác, và cam kết áp dụng quy chế trung lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại