Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Đây là sự cạnh tranh không công bằng, không trung thực, một âm mưu sử dụng các biện pháp phi thị trường đi ngược lại tiêu chuẩn và nguyên tắc thương mại quốc tế, nhằm buộc đối thủ chính của các hãng sản xuất Mỹ rời khỏi thị trường."
Ông Peskov cũng gọi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới này là hành động thù địch và khó lường, song không nêu rõ Nga sẽ đáp trả thế nào.
Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên sau khi Washington ngày 20/9 áp đặt lệnh trừng phạt đối với một đơn vị quân đội Trung Quốc vì đã mua sắm máy bay và tên lửa của Nga, vi phạm luật trừng phạt sâu rộng của Mỹ đối với Nga vì cáo buộc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, điều mà Moskva luôn cho là vô căn cứ.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố năm ngoái, buôn bán vũ khí trên toàn thế giới trong 5 năm qua đã tăng ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong thời gian từ năm 2012 đến 2016 là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức, chiếm 74% lượng vũ khí xuất khẩu, trong đó hai nước Mỹ và Nga chiếm tới 56%.
Từ năm 2004, lượng vũ khí bán ra trên thế giới gia tăng liên tục và giai đoạn 2012-2016 tăng 8,4% so với giai đoạn 2007-2011 với các chỉ số cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Giai đoạn 2012-2016, Mỹ vẫn đứng đầu các nước xuất khẩu vũ khí với lượng vũ khí xuất khẩu tăng 21% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó một nửa là xuất sang Trung Đông.
Mỹ xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia, chủ yếu là máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình và các vũ khí có độ chính xác cao cũng như các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất.
Trong thời gian này, vũ khí của Nga chiếm 23% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chủ yếu bán sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria... Xuất khẩu vũ khí của Nga tăng 4,7% so với 5 năm trước.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 3, chiếm 6,2% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2012-2016. Hiện nay Trung Quốc nằm trong số các nước xuất khẩu vũ khí chính cùng với Pháp (6%), Đức (5,6%).