Bốn vùng của Ukraine trưng cầu ý dân sáp nhập Nga: Hàng triệu người dân tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở vùng Donbass và khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson, Zaporizhzhia của Ukraine hôm nay (23/9) bắt đầu bỏ phiếu về nguyện vọng sáp nhập các vùng lãnh thổ này vào Nga.
Hình ảnh lá phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ở Donetsk. Ảnh: RiaNovosti
Giới chức thân Nga ở 4 địa phương này cho biết, do giới hạn thời gian và các vấn đề kỹ thuật, nên họ đã quyết định sử dụng phiếu giấy truyền thông và không bỏ phiếu theo hình thức kỹ thuật số. Hoạt động bỏ phiếu được chia làm hai giai đoạn. Ngày bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm tiếp nhận sẽ diễn ra trong 27/9. Những ngày trước đó, phiếu bầu sẽ được thu thập theo từng địa phương, và các quan chức phụ trách bầu cử sẽ đến gõ cửa từng nhà, vì lý do an ninh.
Thổ Nhĩ Kỳ nêu cách chấm dứt xung đột ở Ukraine: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới nên tiến hành các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Hôm 22/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói thế giới chưa hành động đủ để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Erdogan cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới nên tập trung vào ngoại giao và đối thoại nhiều hơn với cả Nga và Ukraine để chấm dứt cuộc giao tranh một cách hòa bình. Ankara luôn tin tưởng vào sức mạnh của đối thoại và ngoại giao", ông Erdogan nói, chỉ ra những nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận ngũ cốc Istanbul giữa Nga và Ukraine cũng như vụ trao đổi tù nhân gần đây giữa hai bên.
Tàu Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Thái Bình Dương: Các tàu Nga tham gia hoạt động gồm khinh hạm Marshal Shaposhnikov, các tàu hộ tống Aldar Tsydenzhapov, Sovershenny và Gromky, tàu chở dầu Pechenga còn về phía Trung Quốc là tàu khu trục Nian Chang, tàu tuần tra Yang Chen và tàu tiếp liệu Dong Pinghu.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/9 đưa tin, các tàu chiến của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc diễn tập, bao gồm diễn tập tìm kiếm cứu nạn và diễn tập phòng không, như một phần của cuộc tuần tra trung ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ: Xung đột Nga-Ukraine đang "phá vỡ trật tự quốc tế": Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng "trật tự quốc tế mà chúng ta cố gắng duy trì đang bị phá vỡ trước mắt chúng ta do cuộc xung đột Nga-Ukraine".
"Thế giới không thể để Tổng thống Nga Putin làm điều đó", ông Blinken nhấn mạnh.
Phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga đã đưa ra nhiều quyết định đáng chú ý trong những ngày qua, trong đó có việc ban bố sắc lệnh động viên một phần để huy động hàng trăm nghìn quân nhân dự bị và ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga tại các khu vực do nước này kiểm soát ở Ukraine.
Mỹ tuyên bố tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine bất chấp mối đe dọa hạt nhân từ Nga: Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/9 tuyên bố, cảnh báo của Tổng thống Nga Putin về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không ảnh hưởng đến việc viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine.
Các lực lượng chuẩn bị chuyển đạn dược, vũ khí cho Ukraine tại Căn cứ Không quân Dover ở Delaware - Mỹ. Ảnh: Reuters
Tướng Patrick Ryder - Thư ký báo chí Lầu Năm Góc nêu rõ: "Những tuyên bố hoặc thông báo từ phía Nga sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Bộ Quốc phòng trong việc tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế và các đồng minh, nhằm cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết trong cuộc chiến bảo vệ đất nước của họ".
Ngoại trưởng Nga lên án phương Tây, cáo buộc Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 22/9 đã bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đồng thời cáo buộc Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine, ông Lavrov cho rằng, các lực lượng Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công bất hợp pháp nhằm vào "những công dân ôn hòa của Donbass". Ông Lavrov cáo buộc Tổng thống Zelensky và chính phủ Kiev đang thực hiện "hành động gây hấn chống lại Nga" và "phân biệt chủng tộc".
Bộ Quốc phòng Nga công bố chi tiết về sắc lệnh điều động một phần: Trong một tuyên bố với báo chí ngày 22/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sắc lệnh động viên một phần sẽ tập trung vào những quân nhân dự bị có kinh nghiệm chiến đấu và chuyên ngành quân sự liên quan trong quá trình huy động.
Những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, những người không đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe, có ít nhất 4 con hoặc đang chăm sóc người tàn tật sẽ được miễn điều động. Mỗi khu vực sẽ được yêu cầu đệ trình một số lượng quân nhân dự bị nhất định tùy thuộc vào dân số của họ.
Người đứng đầu DPR: Ukraine sắp phản công ở khu vực Donetsk: Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết tình hình ở phía Bắc của khu vực này đang "cực kỳ khó khăn" trong bối cảnh Ukraine đang tập trung lực lượng tại đây.
Ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), hôm 22/9 cho biết, các lực lượng Ukraine có thể thực hiện cuộc tiến công ở phía Bắc DPR "trong tương lai rất gần".
Nga tăng tốc sản xuất tiêm kích thế hệ 5 Su-57: Không quân Nga sẽ nhận thêm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 mới vào cuối năm nay, nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.
Nga sẽ tăng tốc sản xuất tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở Ukraine đã kéo dài 7 tháng qua, Công ty Công nghệ Quốc phòng Rostec cho biết.
"Không quân Nga sẽ nhận lô máy bay Su-57 mới trong năm nay", ông Sergey Chemezov, người đứng đầu Rostec cho biết ngày 22/9.
Cựu quan chức Mỹ cảnh báo Ukraine "không nên đụng tới Crimea": Kế hoạch của Ukraine nhằm giành lại Bán đảo Crimea từ Nga có thể dẫn đến xung đột lan sang các nước châu Âu, ông Doug Bandow, cựu quan chức dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhận định.
Theo cựu quan chức Doug Bandow, mục tiêu của Mỹ ở Ukraine nên là kiềm chế những tác động của cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "có quyền mơ về việc giành lại bán đảo này nhưng chính quyền Tổng thống Biden nên dựa vào chính sách về Ukraine trên thực tế", ông Bandow bình luận.
Đô đốc Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân với đối thủ "ngang tầm": Đô đốc Hải quân Charles Richard, chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ tuyên bố rằng, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân với một đối thủ ngang tầm.
Phát biểu tại một hội nghị do Không quân tổ chức ở Maryland, ông Richard cho biết, Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho tình huống leo thang nhanh chóng với các đối thủ và bảo vệ lãnh thổ của mình.
"Tất cả chúng ta trong căn phòng này đều phải suy nghĩ về cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ có khả năng hạt nhân. Chúng ta đã không phải trải qua điều đó trong hơn 30 năm qua", ông Richard cho hay./.