Diễn biến tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 12/9

Hồng Anh |

24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Ukraine cảnh báo nguy cơ Nga phản công và Kiev tố Nga tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu khiến hàng loạt khu vực mất điện.

Binh sĩ Ukraine di chuyển trên một thiết giáp gần Kiev. Ảnh: AP.

Binh sĩ Ukraine di chuyển trên một thiết giáp gần Kiev. Ảnh: AP.

Ukraine nói Nga rút khỏi thị trấn chiến lược ở Lugansk: Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 11/9 cho biết, các lực lượng Nga đã rút khỏi thị trấn chiến lược Svatove ở vùng Lugansk, nằm cách 40km so với tiền tuyến.

Svatove là một địa điểm quan trọng trên các tuyến đường tiếp tế của Nga tới các mặt trận nằm xa hơn ở phía nam - dọc theo biên giới giữa Donetsk và Lugansk.

"Các lực lượng Nga đã từ bỏ Svatove ở vùng Luhagsk. Họ sử dụng 4 chiếc xe tải Kamaz, 20 chiếc xe bọc thép Tigr AV để rút quân", văn phòng Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong một thông báo đăng trên Facebook.

Anh và EU chi 500 tỷ USD vào trợ cấp năng lượng: Cùng với nhiều quốc gia châu Âu khác, Anh hồi tuần qua xác nhận kế hoạch trợ cấp hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm bảo vệ nền kinh tế "khỏi bị đóng băng" trong mùa đông khi Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Bắt đầu từ tháng 10 tới, mỗi hộ gia đình ở Anh sẽ không phải trả quá 2.500 bảng Anh (2.880 USD) cho năng lượng trong hai năm tới. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức khu vực công về chi phí năng lượng trong sáu tháng tới và có thể lâu hơn. Theo nhà phân tích Salomon Fiedler tại Ngân hàng Berenberg, bởi vì chương trình không nhắm mục tiêu cụ thể đến những người cần nhất mà là trên diện rộng, nên sẽ tương đối tốn kém và ước tính có thể lên tới 150 tỷ bảng Anh (172 tỷ USD).

Ngoại trưởng Nga: Ukraine càng trì hoãn đàm phán thì càng khó đạt thỏa thuận: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/9 cho biết, Nga không từ chối đàm phán với Ukraine nhưng việc Kiev tiếp tục trì hoãn đàm phán sẽ là phức tạp thêm khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1, ông Lavrov lưu ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã truyền đạt quan điểm của Moscow trong cuộc họp với Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và lãnh đạo các đảng phái.

"Tổng thống nói với những người tham gia cuộc họp rằng chúng tôi không từ chối các cuộc đàm phán, nhưng phía Ukraine nên hiểu rằng họ càng trì hoãn quá trình này thì họ càng khó đàm phán với chúng tôi", ông Lavrov nói.

Ukraine tố Nga tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu khiến hàng loạt khu vực mất điện: Ukraine cáo buộc Nga tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này, làm mất điện và nước tại nhiều khu vực ở Kharkov, khiến một loạt thành phố của Ukraine chìm trong bóng tối.

Kiev cho rằng, đây là hành động trả đũa của Nga sau khi họ giành được một số thành công trên chiến trường.

Đài RT của Nga đưa tin các tỉnh miền Đông Ukraine như Kharkov và Donetsk đã bị mất điện hoàn toàn trong ngày 11/9 và nhiều tỉnh khác như Sumy, Dnipropetrovsk, Poltava, Zaporizhzhia và Odessa bị mất điện một phần.

Ông Ihor Terekhov, thị trưởng thành phố Kharkov, cho biết chính quyền thành phố đang thực hiện các công việc để khôi phục nguồn điện. Trước đó, các cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết, một đám cháy đã bùng phát dữ dội tại nhà máy phát điện số 5 của Kharkov.

Ukraine cảnh báo nguy cơ Nga phản công: Ukraine cần bảo vệ các vùng lãnh thổ đã giành lại được trước cuộc phản công có thể diễn ra của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cảnh báo, đồng thời nhận định cuộc phản công chớp nhoáng của Kiev đã "tốt hơn dự kiến".

Ukraine tuyên bố cuộc phản công của nước này đã đẩy lùi các lực lượng của Nga, giành lại 3.000 km2 và khiến Bộ Quốc phòng Nga phải ra lệnh rút quân.

"Một cuộc phản công giải phóng lãnh thổ đã được thực hiện và sau đó chúng ta phải kiểm soát những vùng lãnh thổ này và sẵn sàng bảo vệ nó", ông Oleksii Reznikov nhận định với Financial Times.

Đức từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 12/9 một lần nữa từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.

"Cho tới nay, vẫn chưa có nước nào cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực hay xe chiến đấu bộ binh do phương Tây sản xuất cho Ukraine. Chúng tôi đã nhất trí với các đối tác rằng Đức sẽ không đơn phương thực hiện hành động như vậy", bà Lambrecht phát biểu tại Berlin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại