Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/12

Trung Hiếu |

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 4/12/2022.

Chiến sự Ukraine. Ảnh: DPA.

Chiến sự Ukraine. Ảnh: DPA.

NATO tăng cường hiện diện ở Baltic và biển Đen: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh này sẽ mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp Đông Âu, từ Biển Đen đến Baltic với quyết tâm gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga khi xung đột vẫn tiếp diễn căng thẳng ở Ukraine.

Phát biểu tại Romania trước đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong thập kỷ qua, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố các khu vực có tầm quan trọng chiến lược để có thể phản ứng kịp thời khi có vấn đề xảy ra.

Để đối phó với Nga, NATO đang tăng cường sự hiện diện của mình từ Biển Baltic đến Biển Đen. Ông cho biết, tổ chức này đã thành lập các nhóm tác chiến mới, trong đó có nhóm do Pháp dẫn đầu tại Romania với các trang bị quân sự cần thiết để bảo vệ tất cả các đồng minh.

Tổng thống Pháp Macron: NATO nên cân nhắc về đảm bảo an ninh cho Nga: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/12 cho rằng NATO nên cân nhắc về những đảm bảo an ninh cho Nga trong thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với TF1 và LCI của Pháp, ông Macron mô tả cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần vừa qua là một “thành công”. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về “hòa bình” hậu xung đột Nga-Ukraine.

Chiến thuật câu nhử của Nga để phá hủy hệ thống radar Ukraine: Đối mặt các radar lợi hại do NATO cung cấp, Nga áp dụng chiến thuật phóng tên lửa Iskander và Kalibr để câu nhử các radar đó, làm chúng lộ tín hiệu và vị trí. Ngay sau đó, Nga bắn tên lửa chống bức xạ để phá hủy các mục tiêu này.

Gần đây rộ lên nhiều thông tin về cách thức Nga áp dụng để vô hiệu hóa các hệ thống radar phòng không của Ukraine do NATO cung cấp. Theo đó, Nga đầu tiên phóng các quả tên lửa Iskander và Kalibr để dẫn dụ hệ thống radar Ukraine, làm chúng phát tín hiệu.

Sau đó, khi đã phát hiện mục tiêu bị lộ của đối phương, Nga sẽ phóng tiếp tên lửa chống bức xạ (ARM) để hạ các radar này. Có khả năng không quân Nga phóng các tên lửa chống bức xạ tầm xa Kh-31PD từ các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35S.

Mỹ tập trung vào cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga thay vì thỏa thuận hạt nhân: Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho biết Mỹ muốn tập trung vào cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí cho Moscow và các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran chứ không phải nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA).

“Iran không quan tâm đến thỏa thuận và chúng tôi đang tập trung vào những vấn đề khác. Hiện nay, chúng tôi có thể tìm cách ngăn chặn và làm gián đoạn việc Iran cung cấp vũ khí cho Nga và cố gắng hỗ trợ những nguyện vọng cơ bản của người dân Iran”, Bloomberg ngày 3/12 dẫn lời ông Malley cho biết.

Tổng thống Pháp sắp thảo luận với Tổng thống Nga về hạt nhân dân sự tại Ukraine: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Cơ quan nguyên tử quốc tế - IAEA trong ngày 4/12 để chuẩn bị nội dung cho cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề hạt nhân dân sự tại Ukraine đầu tuần tới.

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1 của Pháp ngày 3/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trong ngày hôm nay, 4/12 ông sẽ điện đàm với Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA, ông Rafael Grossi để thảo luận về vấn đề hạt nhân dân sự tại Ukraine, trong đó đặc biệt là các diễn biến liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là điểm nóng của xung đột Nga-Ukraine suốt nhiều tháng qua, khi hai phía Nga và Ukraine liên tục chỉ trích lẫn nhau là cố ý tấn công, đe doạ sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân này.

Mỹ dự đoán xung đột Nga - Ukraine giảm cường độ trong những tháng tới: Giới tình báo Mỹ cho rằng nhịp độ giao tranh ở Ukraine sẽ giảm trong vài tháng tới. Cả Nga và Ukraine đều sẽ tìm cách tái trang bị cũng như tiếp tế để chuẩn bị cho một cuộc phản công sau mùa đông.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan thường niên ở California ngày 3/12, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một dạng xung đột đã giảm nhịp độ... và đó có thể là những gì chúng ta sẽ chứng kiến trong những tháng tới”.

Quan chức EU: Mỹ hưởng lợi từ xung đột Ukraine trong khi châu Âu thiệt hại: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, tác động từ xung đột Ukraine - Nga khắc nghiệt với EU hơn với Mỹ. Một quan chức EU cấp cao không nêu tên cho biết, Mỹ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này.

Theo ông Michel, quan hệ an ninh giữa Brussels và Washington đã tăng cường từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, trong đó phương Tây hậu thuẫn Kiev.

Nga tuyên bố không chấp nhận trần giá dầu do EU áp đặt: Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ không chấp nhận mức trần giá dầu và chính quyền sẽ thông báo về các quyết định tiếp theo dựa trên phân tích tình hình.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov cho biết, tình hình hiện đang được phân tích. Điện Kremlin chắc chắn sẽ không chấp nhận mức trần như vậy, công việc sẽ được tổ chức như thế nào, sau khi phân tích sẽ nhanh chóng tiến hành.

Tổng thống Ukraine: Mức trần giá áp với dầu Nga chưa đủ cứng rắn: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 3/12 cho rằng việc áp trần giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng là chưa đủ cứng rắn và sẽ không có tác dụng ngăn cản Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu qua video cho rằng, việc đặt ra giới hạn như vậy đối với giá dầu mỏ của Nga không phải là một quyết định nghiêm túc, mức giá 60 USD/thùng vẫn khá thoải mái đối với ngân sách của Nga.

Phản ứng của các bên về việc áp giá trần đối với dầu Nga: Nga tuyên bố không chấp nhận bị áp giá trần dầu, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả. Trong khi đó, Ukraine cho rằng mức giá này vẫn “khá dễ chịu” với Nga.

Quyết định của EU về mức giá trần với dầu Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. G7 và Australia tuyên bố cũng sẽ áp dụng từ ngày mai hoặc “không lâu sau đó”. Mức giá trần 60 USD/thùng dầu Nga đang thấp hơn mức giá dầu mà Nga giao dịch là 67,44 USD./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại