Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/9

Nguyễn Hiếu |

Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 3/9/2022.

Ukraine tuyên bố bắn hạ UAV trinh sát Kartograf của Nga: Bộ tư lệnh không quân Ukraine hôm 2/9 thông báo họ đã bắn hạ một UAV trinh sát của Nga ở vùng Mykolaiv.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/9 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Cụ thể, không quân Ukraine thông báo như sau: "Vào ngày 2/9, lúc khoảng 9h sáng, UAV "Kartograf" của Nga đã bị đơn vị tên lửa phòng không của Không quân Ukraine xóa sổ trên bầu trời vùng Mykolaiv".

Giới chức Zaporizhzhia: Ukraine nã pháo vào sát nhà máy điện hạt nhân: Rogov - ủy viên hội đồng chính của chính quyền quân sự - dân sự vùng Zaporizhzhia (Ukraine) cho biết, quân đội Ukraine vừa pháo kích thành phố Enerhodar nằm cách nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia chưa đầy 2 dặm.

Ông Rogov thông qua mạng xã hội Telegram cho biết: "Có 5 vụ nổ ở Enerhodar. Vào 1h45-1h50 giờ địa phương (tức 22h45-22h50, giờ GMT ngày 2/9). Các vụ nổ nằm không xa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia".

Nga thử nghiệm trực thăng tấn công Ka-52M được nâng cấp ở chiến trường Ukraine: Quân đội Nga đã thử nghiệm thành công trực thăng tấn công/trinh sát Ka-52M được nâng cấp trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - một nguồn tin thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhận định với Tass ngày 2/9.

"Hiện nay, Ka-52M đang trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và quân đội đã quyết định thử nghiệm trực thăng được nâng cấp này trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Trực thăng Ka-52M đã cho thấy hiệu quả hoạt động của mình. Sau khi xem xét hiệu quả sử dụng, các quan chức quốc phòng đã đề nghị hoàn thiện và tinh chỉnh một số hệ thống", nguồn tin trên cho hay.

Nga ghi nhận mức độ tham gia ngày càng tăng của Mỹ trong hỗ trợ quân sự Ukraine: Ngày 2/9, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, mức độ tham gia của Mỹ trong việc hỗ trợ quân sự cho Kiev tiếp tục gia tăng. Hậu quả của những gì đang xảy ra sẽ rất nặng nề.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossia 24, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, thật đáng tiếc, phía Nga buộc phải lưu ý với lo ngại rằng mức độ can dự và nhúng tay của Mỹ, bao gồm cả việc hỗ trợ vật chất vũ khí cho Kiev, tiếp tục tăng lên. Xu hướng này là nguy hiểm. Theo ông, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về những hậu quả có thể xảy ra khi Mỹ thực hiện việc này và bằng cách tham gia vào các hình thức hỗ trợ trực tiếp khác cho Kiev, trên thực tế, tự đặt mình vào vị trí gần với những gì có thể được gọi là một bên trong cuộc xung đột.

Ukraine bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Belarus về mâu thuẫn nội bộ: Tổng thống Belarus cho rằng đang có mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine, giữa quân đội và tổng thống. Cố vấn của tổng thống Ukraine -Podoliak - đã lên tiếng bác bỏ điều này.

Trong một buổi học lịch sử của học sinh sinh viên ở Belarus mới đây, Tổng thống nước này - ông Lukashenko, nói rằng chiến sự ở Ukraine sẽ sớm kết thúc với chiến thắng thuộc về Nga.

Tại sự kiện đó, Tổng thống Belarus cho rằng đang có mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine, giữa Tổng thống Zelensky và quân đội Ukraine. Theo ông Lukashenko, quân đội Ukraine muốn có một thỏa thuận nhầm tránh nguy cơ Ukraine bị xóa sổ. Ông nhấn mạnh rằng Ba Lan đang để ý đến vùng phía Tây của Ukraine.

Trước các tuyên bố trên của Tổng thống Belarus, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podoliak, nói rằng cáo buộc về mâu thuẫn giữa Tổng thống Zelensky và quân đội Ukraine là thông tin giả, vô căn cứ.

Nga tuyên bố tiếp tục đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1: Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu tiếp tục leo thang, hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 - tuyến đường ống dẫn khí chủ chốt giữa Nga và Đức, sẽ đóng cửa vô thời hạn.

Thông qua mạng xã hội, hãng năng lượng quốc doanh Gazprom thông báo rằng họ phát hiện một số "trục trặc" của một tua-bin quan trọng trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ miền Tây nước Nga sang Đức.

Châu Âu nói gì sau khi Nga khóa van Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn?: Moscow đã cảnh báo việc vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, gây ra sự thiếu hụt một số bộ phận dự phòng.

Tuy nhiên, nhà sản xuất Siemens của Đức cho biết công ty này đã có các turbine thay thế tại trạm nén khí - nơi phát hiện sự cố rò rỉ và có thể sử dụng một trong số các turbine trên trong trường hợp khẩn cấp.

"Những sự cố rò rỉ thế này không ảnh hưởng đến hoạt động của turbine và có thể được bịt kín".

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Charles Michel đã cáo buộc Nga "sử dụng khí đốt làm vũ khí" và khẳng định điều đó sẽ "không thay đổi quyết tâm của EU" khi khối này đang hướng đến "độc lập về năng lượng".

Hungary được Nga bơm thêm khí đốt so với hợp đồng: Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, vào tháng 9 và tháng 10 tới, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ cung cấp thêm tới 5,8 triệu m3 khí đốt mỗi ngày cho Hungary qua Serbia so với số lượng quy định trong hợp đồng dài hạn.

Phát biểu từ Praha bên lề cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng EU, ông Szijjarto cho biết, trong tháng 8/2022, lượng khí đốt bổ sung tối đa so với hợp đồng dài hạn là 2,6 triệu m3. Tuy nhiên, con số này sẽ được tăng lên tối đa 5,8 triệu m3 mỗi ngày kể từ 1/9. Hiện một hợp đồng về việc này đã được ký giữa Hungary và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Tỷ lệ tín nhiệm ông Putin lên tới 81% giữa lúc xung đột Ukraine nóng bỏng: Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn kết quả một cuộc điều tra xã hội cho thấy, tỷ lệ công dân nước này tín nhiệm Tổng thống Putin vẫn ở mức cao 81% vào cuối tháng 8/2022 và có tới 78,1% số người được hỏi ủng hộ công việc của ông.

Cuộc điều tra dư luận được thực hiện từ ngày 22-28/8 trên 1.600 người trong độ tuổi trên 18. Các kết quả do Trung tâm Nghiên cứu Công luận toàn Nga công bố.

G7 muốn lật ngược thế cờ, áp giá trần dầu mỏ Nga – Moscow đáp trả: Với việc áp giá trần dầu mỏ của Nga, nhóm G7 mong muốn làm giảm doanh thu của Nga, trong khi vẫn hạn chế tác động của xung đột tới giá cả năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, phía Nga đã lập tức đáp trả.

Hôm qua (2/9), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) nhất trí thực hiện kế hoạch áp mức trần giá đối với dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại