Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/6

Kiều Anh |

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 16/6.

Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí lên tới 1 tỷ USD cho Ukraine: Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản viện trợ vũ khí mới lên tới 1 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm và lựu pháo. Tổng thống Biden đã công bố khoản viện trợ trên sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/6. Ông Biden cũng công bố bổ sung 225 triệu USD viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine bao gồm nước uống, thực phẩm, nguồn cung y tế và tiền mặt để giúp các gia đình ở Ukraine mua các sản phẩm thiết yếu.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/6 - Ảnh 1.

Binh lính Nga canh giữ khu vực nhà máy thép ở Azovstal, Mariupol ngày 13/6. Ảnh: AFP

Nga cáo buộc Ukraine dừng đàm phán hòa bình theo lệnh từ Mỹ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/6 cho rằng Ukraine đã phá vỡ những cuộc đàm phán hòa bình với Nga theo lệnh từ Mỹ.

"Những cuộc đàm phán đã bị đóng băng, dừng lại và phá vỡ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay, đồng thời khẳng định Nga có thông tin về việc Mỹ đứng đằng sau quyết định này. Cũng theo bà Zakharova, Ukraine chưa phản hồi trước phản ứng của Nga đối với những đề xuất của Kiev nhằm giải quyết tình hình tại quốc gia này. Bà khẳng định, chính Ukraine là bên tìm kiếm các cuộc đối thoại và Nga đã nhất trí với đề xuất này nhưng sau đó, chính quyền Kiev bắt đầu đưa ra nhiều điều kiện để đàm phán.

NATO tuyên bố tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine: Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết các nước NATO đã thống nhất sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí hạng nặng lẫn các hệ thống tấn công tầm xa, và gói viện trợ cụ thể sẽ được thông báo khi các nước NATO nhóm họp Thượng đỉnh vào cuối tháng này tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Trong khi đó, nhiều hãng truyền thông phương Tây cho rằng, việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này mong muốn có thể khiến kho vũ khí của Mỹ cạn kiệt.

3 kịch bản có thể xảy ra khi chiến sự Nga-Ukraine ở thời điểm bước ngoặt: Các quan chức quân đội và tình báo phương Tây tin rằng cuộc chiến ở Ukraine đang ở thời điểm bước ngoặt có thể quyết định kết quả của cuộc xung đột.

Ukraine đe dọa phá hủy cầu dài nhất châu Âu – tuyến tiếp viện chính của Nga: Ukraine sẽ nhắm vào cây cầu bắc qua Eo biển Kerch nối Crimea với vùng đất liền của Nga ngay sau khi nhận được những vũ khí cần thiết từ phương Tây, Thiếu tướng Ukraine Dmitry Marchenko nhận định.

"Cầu Kerch là mục tiêu số 1 của chúng tôi", ông Dmitry Marchenko tuyên bố. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu được khánh thành vào năm 2018. "Vì đây là một tuyến đường chính tiếp viện cho quân đội Nga nên chúng tôi phải cắt đứt nó. Ngay sau khi con đường này bị gián đoạn, họ sẽ bắt đầu hoảng sợ", Thiếu tướng Dmitry Marchenko bình luận.

Nga nói phương Tây đang "tự bắn vào đầu mình" vì cuộc chiến ở Ukraine: Nga cho rằng phương Tây đã "tự bắn vào đầu mình" khi cố gắng hạn chế nhập khẩu năng lượng vì cuộc xung đột ở Ukraine, trái ngược hẳn với Trung Quốc - quốc gia đã tăng nhập khẩu năng lượng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc sẽ giúp đối phó với những nỗ lực gây bất hòa từ phương Tây, đồng thời nhận định Mỹ và châu Âu đã phá hủy quan hệ với Moscow.

"Nguồn cung năng lượng đang tăng đều: Trung Quốc biết rõ điều mình muốn và không tự bắn vào chân mình. Trong khi đó phương Tây đã tự bắn vào đầu mình", bà Zarakhova nhận định.

Tướng Mỹ thừa nhận về lợi thế của Nga trong cuộc chiến ở phía Đông Ukraine: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng chiến thắng của Nga ở khu vực phía Đông Ukraine không phải là điều không thể tránh khỏi, song vẫn nhận định Nga có lợi thế về số lượng, nhất là pháo binh.

"Không có điều gì là không thể tránh khỏi trong chiến tranh. Chiến tranh luôn có nhiều bước ngoặt nên tôi sẽ không nói đây là điều không thể tránh khỏi".

Tổng thống Pháp khẳng định Ukraine cần đàm phán với Nga: Đến một thời điểm thích hợp, Ukraine sẽ cần phải đàm phán với Nga cùng sự tham gia của các thành viên châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong chuyến thăm Romania và Moldova.

"Đến một thời điểm nào đó, Tổng thống Ukraine và đội ngũ lãnh đạo của ông ấy sẽ cần phải đàm phán với nước Nga. Và chúng ta, các quốc gia châu Âu cũng sẽ tham dự bàn đàm phán quan trọng này để đảm bảo an ninh cho châu Âu bởi đây là vấn đề thuộc về châu Âu. Thực tế sẽ là như vậy", Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Ukraine phớt lờ tối hậu thư của Nga yêu cầu đầu hàng ở Sievierodonetsk: Ukraine đã phớt lờ tối hậu thư của Nga, yêu cầu Kiev đầu hàng ở Sievierodonetsk giữa bối cảnh lo ngại gia tăng về số phận của hàng trăm dân thường vẫn ở trong nhà máy hóa học Azot. Nga đã yêu cầu lực lượng Ukraine một ngày trước đó dừng "kháng cự vô ích và hạ vũ khí" trong bối cảnh Moscow kiểm soát 80% thành phố Sievierodonetsk.

Ukraine nêu giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí đốt của EU: Ukraine cho biết họ sẵn sàng bơm thêm khí đốt của Nga cho EU thông qua điểm trung chuyển chính ở nước này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Đức chuyển giao 3 hệ thống M270 và tên lửa dẫn đường phóng loạt cho Ukraine: Đức sẽ cung cấp 3 bệ phóng tên lửa đa năng M270 và nhiều tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) cho Ukraine, bổ sung cho các cam kết viện trợ vũ khí của Mỹ và Anh.

Lý do Mỹ ngần ngại chuyển giao "Đại bàng xám" MQ-1C cho Ukraine: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đau đầu về vấn đề hậu cần và đào tạo khi xem xét bán máy bay không người lái có vũ trang cho Ukraine, Forbes dẫn thông tin từ hai quan chức Mỹ cho biết.

Ukraine nói vũ khí mới của Mỹ sẽ giúp giành lại tất cả lãnh thổ, gồm cả Crimea: Các vũ khí của Mỹ sẽ giúp Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát, trong đó có Donbass và Crimea, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN ngày 16/6.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết bước đầu tiên sẽ là ổn định tình hình thực địa để ngăn cản những tổn thất lớn hơn của Ukraine trước quân đội Nga. Trong giai đoạn thứ hai, ông Oleksiy Reznikov cho biết, Ukraine sẽ đẩy lùi lực lượng Nga về các vị trí như trước chiến dịch quân sự ngày 24/2. Trong giai đoạn thứ ba, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhận định sẽ có những cuộc thảo luận với các đối tác của Ukraine để làm thế nào "giải phóng lãnh thổ, trong đó có Crimea". Phía Ukraine cho biết họ sẽ không sử dụng các vũ khí để tấn công Nga nhưng Ukraine không coi Crimea là lãnh thổ của Nga.

Ukraine tiết lộ con số thương vong, thừa nhận chưa thể đàm phán vì "vị thế yếu": David Arakhamia, người đứng đầu đoàn đàm phán của Ukraine với Nga và đứng đầu đảng của Tổng thống Zelensky trong Quốc hội cho biết, có tới 1.000 binh lính Ukraine chết hoặc bị thương mỗi ngày trong cuộc xung đột với Nga. Theo ông David Arakhamia, trong khi Kiev đã huy động 1 triệu người kể từ khi xung đột bùng phát thì nước này có thể phải huy động thêm 2 triệu binh lính nữa. Tuy nhiên, theo quan chức Ukraine, vấn đề không phải là thiếu binh lính và mà thiếu các vũ khí và trang thiết bị.

"Chúng tôi có những người được huấn luyện để tấn công, phản công nhưng chúng tôi cần vũ khí để làm vậy", ông David Arakhamia khẳng định.

Lãnh đạo châu Âu gặp ông Zelensky lần đầu tiên từ khi xung đột nổ ra: Các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/6 nhằm thể hiện sự ủng hộ với Kiev. Đây là chuyến thăm đầu tiên của 3 nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy tới Kiev kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2. Ukraine hy vọng theo sau cuộc gặp này sẽ là nhiều chuyến vận chuyển vũ khí hơn cho Kiev cũng như những hành động cứng rắn hơn nhằm vào Nga

Chuyến thăm là "một thông điệp đoàn kết và ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine, là một thông điệp về hiện tại và tương lai bởi vì chúng tôi biết những tuần tới sẽ rất khó khăn", Tổng thống Pháp Macron cho hay.

Nga cảnh báo phương Tây sẽ đối mặt với điều tồi tệ nhất: Moscow cho rằng phương Tây đang tự làm tổn thương mình khi đối đầu với Nga và cuối cùng sẽ phải thừa nhận những lợi ích hợp pháp của Moscow.

"Chúng tôi vẫn chưa tiến gần đến điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên họ (phương Tây-ND) thì không như vậy. Chúng tôi vẫn là một nhà nước ổn định nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô mà chính phủ thực hiện", ông Peskov nhận định với RIA Novosti khi nói về tổn thất kinh tế của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại