Trong bài viết trên tạp chí Business Insider, nhà phân tích Benjamin Brimelow cho hay, từ sau cuộc chiến tranh năm 1979, hiện đại hóa quân đội là ưu tiên hàng đầu đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Hơn 40 năm sau, những nỗ lực hiện đại hóa đó đã "đâm hoa kết trái", quân đội Trung Quốc (PLA) hiện nay được xem là một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, có một điều mà họ vẫn chưa thể bắt kịp Mỹ.
Tái cơ cấu và đầu tư
Những nỗ lực hiện đại hóa đầu tiên là tái cơ cấu. Quy mô lực lượng của PLA giảm từ gần 6 triệu quân năm 1979 xuống còn gần 2,5 triệu quân. Điều này cho phép họ xây dựng một lực lượng có chất lượng cao hơn, khi mỗi binh sĩ được đầu tư nguồn lực lớn hơn và huấn luyện bài bản hơn.
11 quân khu của Trung Quốc đã được tái cơ cấu thành 5 quân khu, lực lượng tên lửa đạn đạo trở thành một quân chủng độc lập và lực lượng thủy quân lục chiến, bị giải tán năm 1957, đã được tái thành lập.
Xe tăng Type 96 (ZTZ-96) của Trung Quốc tại cuộc tập trận Vostok 2018 do Nga tổ chức. Ảnh: TASS
Ông Tập còn thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược của PLA [chuyên hỗ trợ các chiến dịch tác chiến mạng, tác chiến không gian, tác chiến điện tử] và Bộ Tham mưu Liên hợp, đóng vai trò như một cơ quan điều hành giữa các quân chủng của PLA và Ủy ban Quân ủy Trung ương.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng nhằm tạo ra một quân đội hàng đầu thế giới vào năm 2050. Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới [chỉ sau Mỹ] và lớn nhất tại châu Á.
Máy bay và xe thiết giáp mới
Sự thể hiện rõ ràng nhất cho sức mạnh gia tăng của PLA chính là trang thiết bị của họ. Năm 1979, Trung Quốc không có trực thăng tấn công chuyên dụng nào. Giờ thì họ có hai mẫu Z-19 và Z-10. Chúng đều có thể mang tên lửa phòng không và chống tăng dẫn đường, trong đó Z-19 còn có thể dùng làm trực thăng trinh sát.
Về trực thăng vận tải, PLA đang vận hành các phiên bản sản xuất theo/không theo giấy phép của Pháp, Nga và Mỹ như Z-8, Mil Mi-17 và Z-20. Trong đó, Z-20 mới ra mắt năm ngoái và được xem là bản sao của trực thăng UH-60 Black Hawk Mỹ.
Trực thăng Z-10 và Z-19 tại Triển lãm trực thăng Trung Quốc ở Tianjin năm 2015. Ảnh: Reuters
Không quân Trung Quốc hiện còn có trong trang bị các máy bay chiến đấu đa nhiệm và hiện đại, trong đó có tiêm kích Su-27 do Nga chế tạo [và phiên bản J-11 do Trung Quốc sản xuất theo giấy phép], Su-30MKK [phiên bản Su-30 dành cho Trung Quốc] và Su-35.
Trung Quốc còn có các loại chiến đấu cơ và tiêm kích-bom nội địa, trong đó có J-10 [ được xem là đối thủ của F-16], J-11, JH-7 và J-16. Sau đó, Bắc Kinh có thêm tiêm kích tàng hình J-20. Cả J-10 và J-20 đều được cho là sản phẩm đánh cắp thiết kế của Mỹ.
Bên cạnh không quân, lực lượng thiết giáp của PLA cũng được tái sinh. Các mẫu xe thiết giáp cũ từ thời Liên Xô đã được thay thế bằng một loạt xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe chiến đấu đổ bộ mới. Trung Quốc cũng tích cực phát triển các loại vũ khí bộ binh nội địa.
Lực lượng hải quân phát triển nhanh chóng
Có lẽ ấn tượng nhất vẫn là sự phát triển "đáng kinh ngạc" của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Năm 1979, PLAN được xem là lực lượng hải quân nước nông, giới hạn ở các vùng biển ven bờ. Phần lớn tàu chiến của họ đều tụt hậu ít nhất 1 thế hệ so với lực lượng hải quân nước ngoài.
Tàu chiến Trung Quốc tại cảng Zhoushan tháng 4/2020. Ảnh: Xinhua
Ngày nay, PLAN là lực lượng hải quân lớn nhất trên thế giới, với 33 tàu khu trục, 54 khinh hạm, 42 tàu hộ tốn, 37 tàu đổ bộ/tàu vận tải đổ bộ, 60 tàu ngầm và quan trọng nhất là 2 tàu sân bay, cùng 2 tàu tấn công đổ bộ.
Số lượng các loại tàu chiến mang tên lửa hiện đại và phạm vi hoạt động của chúng đã gia tăng tới mức làm dấy lên những tranh cãi xung quanh việc PLAN đã đạt tới vị thế "hải quân viễn dương" hay chưa.
Trung Quốc có 10 tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm tên lửa đạn đạo, con số này dự kiến sẽ tăng lên 21 tàu vào năm 2021. Được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, các tàu ngầm của PLAN có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 5.500 dặm chỉ với 1 hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân.
PLAN đang có kế hoạch chế tạo thêm 2 lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tấn công hạt nhân. Type 096, mẫu tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới của họ, dự kiến sẽ mang 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tăng gấp đôi tải trọng vũ khí của tàu ngầm Type 094 hiện nay.
Trong khi toàn bộ tàu ngầm của Hải quân Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân thì PLAN có 50 tàu ngầm diesel-điện thuộc 4 lớp khác nhau, con số này dự kiến tăng lên 55 chiếc vào năm 2030.
Tàu ngầm Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận chung với Nga ngoài khơi bán đảo Shandong năm 2005. Ảnh: Reuters
Các tàu ngầm hạt nhân nhìn chung có tốc độ nhanh hơn và có thể hoạt động dưới nước lâu hơn tàu ngầm diesel-điện, mặc dù tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chưa tiên tiến đến mức đó.
Họ cũng chú trọng cải tiến các tàu ngầm diesel-điện, một số mẫu trong số này đang khiến Mỹ và các đối tác của Washington trong khu vực lo ngại.
Trung Quốc đang chế tạo thêm nhiều tàu chiến với tốc độ đóng nhanh hơn nhiều so với Mỹ và các đối tác của Mỹ ở châu Á. Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch tăng quy mô lực lượng thủy quân lục chiến, từ quân số 20.000 lên 100.000.
Lực lượng tên lửa không bị hạn chế
Lực lượng tên lửa của PLA (PLARF) đã trở thành một trong những lực lượng tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới. Trung Quốc chưa từng ký Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nên họ có thể tự do đầu tư mạnh vào các tên lửa đạn đạo.
"Cộng đồng quốc phòng Mỹ thực sự đã có một quãng thời gian khó khăn để tìm kiếm các phương thức đối phó với những loại vũ khí như tên lửa đạn đạo chống tàu và tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Trung Quốc đã cho ra đời những loại tên lửa rất nguy hiểm" – Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng và quốc tế cấp cao tại Tổ chức tư vấn RAND cho hay.
Tên lửa DF-17 của Trung Quốc xuất hiện trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh tháng 10/2019. Ảnh: AP
Những loại tên lửa khiến giới chức Mỹ lo ngại bao gồm DF-21, DF-26 [mệnh danh là ‘Sát thủ diệt Guam’] và DF-41. Mỗi tên lửa này có thể mang 10 đầu đạn độc lập và được cho là có thể vươn tới lục địa Mỹ trong 30 phút.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có tên lửa DF-17 và DF-100 – những tên lửa siêu vượt âm đầu tiên chính thức được đưa vào biên chế một quân đội.
PLARF được cho là có kho tên lửa trên bộ lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới, khoảng 95% trong số này sẽ vi phạm Hiệp nước INF nếu Trung Quốc tham gia ký kết.
Kinh nghiệm là một nhân tố lớn
Bất chấp sự gia tăng "với tốc độ sao băng" trong năng lực, Trung Quốc vẫn thiếu một thứ mà Mỹ và nhiều đồng minh NATO nắm giữ, đó là: Kinh nghiệm chiến đấu.
Trong khi Trung Quốc chưa tham gia cuộc chiến tranh quy mô lớn nào kể từ sau năm 1979 thì Mỹ đã dấn vào các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia kể từ năm 2001. Mặc dù trong những cuộc chiến này, đối thủ của Mỹ phần lớn đều thua kém về công nghệ nhưng nhiều thập kỷ chinh chiến đã mang lại cho họ một lợi thế lớn.
Chưa hết, Mỹ còn có kinh nghiệm hợp tác với đồng minh và kinh nghiệm trong tác chiến liên hợp – lĩnh vực mà PLA chỉ mới bắt đầu học hỏi trong hai thập kỷ gần đây.
"Có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm hoạt động như một lực lượng liên hợp, nhiều mối quan hệ thử nghiệm và mới nhằm xử lý các vấn đề tác chiến thực tiễn vẫn còn hoàn toàn lạ lẫm đối với PLA" – ông Heath nói.
Một lĩnh vực điển hình có thể kể tới là vận hành tàu sân bay, đây cũng là thành phần quan trọng nhất trong lực lượng hải quân hiện đại. Nếu như Mỹ đã có gần 8 năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay thì Trung Quốc chưa có học thuyết nào hoàn thiện hoặc chưa có được lực lượng tác chiến tàu sân bay sắc bén.
Ngoài tàu sân bay, tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc cũng gặp phải nhiều vấn đề tới mức Bắc Kinh phải tăng tốc phát triển mẫu tiêm kích tàng hình mới thay thế.
Trung Quốc còn gặp phải một loạt các thách thức quốc phòng khác như chưa thể chế tạo được động cơ máy bay hiệu quả, tác động tiêu cực của chính sách một con và vấn nạn tham nhũng trong PLA.
Tham vọng khác biệt
Một điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc không tìm cách thách thức Mỹ trong một cuộc xung đột quân sự trên khắp thế giới hay trở thành một lực lượng quân sự cắm rễ trên toàn cầu như Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định chủ quyền [thậm chí phi pháp] đối với những khu vực mà họ gọi là "lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc".
Trung Quốc có lợi thế lớn trong trường hợp nổ ra xung đột gần lãnh địa của họ. Tức là lúc này Bắc Kinh không nhất thiết phải đạt đến cấp độ năng lực như Mỹ bởi họ có thể đưa binh lính, tàu chiến, máy bay và vũ khí tới tham chiến mà không gặp phải những thách thức trong việc hoạt động, tác chiến đường xa.
Theo chuyên gia Heath, trong bối cảnh những nỗ lực hiện đại hóa vẫn tiếp diễn thì PLA sẽ trở nên mạnh hơn nữa. Một khi vấn đề về trang thiết bị đã được giải quyết đầy đủ thì họ sẽ không mất nhiều thời gian để phát triển các học thuyết hải quân.
"Trung Quốc có một tham vọng khác", ông Heath nói, "và chúng ta phải dựa vào đó để đánh giá họ".