Sự kiện Ấn Độ dự định ký kết với Nga hợp đồng cực lớn có trị giá lên tới 5,5 tỷ USD để mua 5 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf cùng hàng ngàn quả đạn dự trữ là một trong những tin tức thu hút rất nhiều quan tâm của giới truyền thông trong thời gian qua.
Chú ý đổ dồn về thương vụ này không chỉ nằm ở con số "khủng" mà chủ yếu lại liên quan đến những tranh cãi đi kèm, khi Mỹ gây sức ép buộc New Delhi phải hủy bỏ hợp đồng với Nga nếu không muốn bị đóng băng quan hệ hợp tác quân sự với Washington.
Hoa Kỳ đã căn cứ vào đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) để gây sức ép lên quốc gia Nam Á, đây là đòn hiểm vì Ấn Độ vẫn rất cần các công nghệ cũng như vũ khí tối tân của Mỹ.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối - THAAD của Mỹ phóng đạn đánh chặn
Tuy nhiên, sau khi đưa ra "cây gậy" và nhận thấy khó lòng thay đổi quyết định của Ấn Độ, Mỹ đã phải dùng tới "củ cà rốt", đó là thông báo sẽ cung cấp cho New Delhi hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nếu thương vụ S-400 bị hủy bỏ.
Điều này làm liên tưởng đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara từng tuyên bố sẽ cân nhắc lại việc mua S-400 nếu Mỹ bán cho Patriot PAC 3. Nhưng có điều Ấn Độ lại chẳng phải Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất trên của Mỹ có lẽ khó mà thành hiện thực.
THAAD là một tổ hợp phòng không được thiết kế chuyên để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm xa khi chúng bước vào giai đoạn xâm nhập trở lại bầu khí quyển, đây là nhiệm vụ chủ chốt và gần như là duy nhất của nó.
Tổ hợp này cũng có thể sử dụng để bắn máy bay nhưng hiệu quả sẽ rất thấp vì khả năng cơ động thay đổi đường bay chẳng phải thế mạnh của THAAD.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf được Nga triển khai tại Syria
Trong khi đó, S-400 lại là một hệ thống phòng không đa năng, nó có khả năng chống tên lửa nhưng không mạnh bằng THAAD. Vai trò chính của S-400 là tạo lập chiếc ô phòng thủ bảo vệ các mục tiêu mặt đất tránh khỏi cuộc tập kích đường không bằng máy bay của đối phương.
Khi Ấn Độ công bố việc mua S-400 thì ai cũng biết rằng đối tượng nhắm đến của họ chính là Không quân Trung Quốc.
Triumf sẽ giúp New Delhi hạn chế bớt sự chênh lệch với người láng giềng hùng mạnh vì hiện tại Bắc Kinh đang tỏ ra vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng của các loại chiến đấu cơ.
Khi nổ ra cuộc xung đột tại khu vực cao nguyên Doklam hồi năm 2017, Ấn Độ tỏ ra rất thất thế với Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm soát bầu trời, tổ hợp phòng không Akash mà họ điều tới đây bị đánh giá thua xa HQ-16, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh triển khai HQ-9 hay thậm chí là S-400.
Trước tình cảnh trên, Ấn Độ tối thiểu cũng phải tạo lập được một chiếc ô phòng không đủ mạnh nhằm ngăn tiêm kích Trung Quốc chiếm lĩnh ưu thế quá lớn trên không. Để hoàn thành nhiệm vụ này chỉ có S-400 phù hợp, còn nếu mua THAAD thì lại là hành động "trật đường ray" vì nó sẽ gần như bất lực trước chiến đấu cơ đối phương.
Với lý do nêu trên, có thể nhận định rằng lời đề nghị Mỹ đưa ra là Ấn Độ hãy mua THAAD thay vì S-400 nhiều khả năng sẽ bị phá sản.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD