Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020

Trung Phạm |

Để đối phó với các mối đe dọa địa chính trị to lớn từ các quốc gia láng giềng, Ấn Độ đã đầu tư một lượng lớn ngân sách cho các hệ thống vũ khí quân sự hiện đại.

Cách đây không lâu, khi ông Manohar Parrikar mới lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, đã có thông tin New Delhi muốn chi khoảng 223 tỷ USD để nâng cấp sức mạnh quân sự trong thập kỷ tới, qua đó muốn duy trì sức mạnh hỏa lực cần thiết để luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.

Theo chương trình nâng cấp này, chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ mua khoảng 500 trực thăng, 12 tàu ngầm, gần 100 máy bay chiến đấu một động cơ và trên 120 máy bay chiến đấu hai động cơ.

Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã ký hai hợp đồng riêng rẽ trị giá hàng tỷ USD mua các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung (MRSAM) tiên tiến từ Israel và pháo tự hành 155 mm của Hàn Quốc.

Là nước đứng thứ 5 thế giới về chi tiêu quốc phòng nhưng Ấn Độ đang phải đối diện với các mối đe dọa địa chính trị to lớn từ các quốc gia láng giềng cũng như từ chủ nghĩa khủng bố.

Nhận thức rõ những thách thức đó, Ấn Độ đã đầu tư một lượng lớn ngân sách cho các hệ thống vũ khí quân sự hiện đại.

Tên lửa đất đối không tầm trung MR-SAM

Tháng 4/2017, Ấn Độ ký hợp đồng mua các tổ hợp tên lửa Barak 8 của Israel trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không tầm trung (MR-SAM) đang được Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ (IAI) của Israel phối hợp cùng với Ấn Độ phát triển.

Với tầm bắn lên tới 70 km, Barak 8 sẽ giúp Ấn Độ đối phó hiệu quả với các mục tiêu trên không. Tổ hợp Barak 8 đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ vào năm 2023.

Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020 - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung (MRSAM). Ảnh: Times Now

Máy bay không người lái Guardian

Tháng 6/2017, Ấn Độ ký với Mỹ một hợp đồng mua 22 chiếc máy bay không người lái Guardian trị giá trên 2 tỷ USD.

Một số nguồn tin báo chí cho biết, Ấn Độ muốn sở hữu các máy bay do thám không người lái này nhằm giám sát tốt hơn Ấn Độ Dương.

Hệ thống máy bay không người lái Guardian là biến thể hải quân của Predator B, có sải cánh 20 m và sử dụng động cơ TPE331-10 của Honeywell.

Guardian có thể mang tải trọng lên tới 1.769 kg và đạt độ cao tối đa 50.000 feet và có thể bay trên không tối đa 27 giờ.

Guardian sẽ gia tăng thêm sức mạnh cho Hải quân Ấn Độ vì sẽ cho phép họ tăng cường giám sát các hoạt động thù địch và lên kế hoạch đối phó tương thích.

Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020 - Ảnh 2.

Máy bay không người lái Guardian sẽ giúp Ấn Độ tăng cường năng lực kiểm soát các khu vực bờ biển dài 7.500 km. Ảnh: Times Now

Pháo tự hành 155 mm

Ngày 21/4/2017, công ty sản xuất thiết bị quốc phòng tư nhân Larsen & Toubro và công ty Hanwha Techwin của Hàn Quốc đã được giao thực thi nhiệm vụ cung cấp 100 pháo K9 VAJRA-T trị giá 720 triệu USD cho Lục quân Ấn Độ.

K-9 là pháo tự hành 155mm có tầm bắn 40 km.

Các pháo này hiện đang được sản xuất tại Talegaon, bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ và dự kiến sẽ được chuyển giao trong 3 năm, cho đến 2020.

K9 VAJRA là biến thể cải tiến của pháo tự hành K9 Thunder do Hanwha Techwin chế tạo. Đây sẽ là một sự bổ sung thông minh cho Lục quân Ấn Độ, đặc biệt trong việc yểm trợ cho các đơn vị đóng ở sa mạc.

Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020 - Ảnh 3.

K9 VAJRA - biến thể cải tiến của pháo tự hành K9 Thunder. Ảnh: Times Now

Máy bay chiến đấu Rafale

Rafale là một trong những dòng máy bay chiến đấy được mong đợi nhất của Ấn Độ. Những chiếc Rafale đầu tiên nhiều khả năng sẽ gia nhập kho vũ khí của Không quân Ấn Độ (IAF) trong 2 năm tới nhưng có thể kéo dài tới 2022.

Năm ngoái, Ấn Độ đã ký hợp đồng 8,7 tỷ USD với Pháp mua tổng cộng 36 chiếc Rafale. Đây sẽ là sự bổ sung vô giá cho các máy bay hiện có của IAF, lực lượng vốn được xem ở thế yếu so với các khả năng không quân tiến tiến của Pakistan và Trung Quốc.

Dòng máy bay chiến đấu này sẽ được trang bị các tên lửa hiện đại nhất như Meteor và Scalp, giúp Không quân Ấn Độ có được những khả năng mà họ còn thiếu trong kho vũ khí.

Chính tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) Meteor với tầm bắn trên 150 km khiến Rafale là một vũ khí chiến lược trong biên chế của IAF.

Trong khi đó, Scalp - tên lửa hành trình không đối đất tầm xa với tầm bắn trên 300 km cũng mang lại cho IAF một lợi thế so với các đối thủ.

Theo hãng chế tạo máy bay Dassault Aviation, Rafale có thể thực hiện cả các cuộc tấn công không đối đất và không đối không cũng như đánh chặn trong cùng một lần xuất kích.

Đặc biệt, chiến đấu cơ Rafale có thể mang tên lửa hạt nhân, với chức năng đa nhiệm: vừa trinh sát, vừa nghênh chiến và oanh tạc yểm trợ chiến thuật trên bộ, trên biển.

Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020 - Ảnh 4.

Một chiến đấu cơ Rafale của Dassault Aviation. Ảnh: Hindustantimes

Lựu pháp siêu nhẹ M777 A-2

Ấn Độ hiện cũng có thể tự hào về lựu pháo siêu nhẹ M777 mà nước này đặt mua của Mỹ vào tháng 11/2015 trị giá 750 triệu USD.

Tổng số lượng chuyển giao là 145 chiếc nhưng phần lớn sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ.

Lựu pháo mày sẽ tăng cường các khả năng tác chiến tầm cao cho Lục quân Ấn Độ. Đây cũng là hợp đồng lớn đầu tiên nhằm hiện đại hóa các hệ thống pháo binh của New Delhi sau hợp đồng Bofors gây tranh cãi.

Điểm mặt dàn vũ khí “siêu khủng” Ấn Độ sẽ sở hữu đến năm 2020 - Ảnh 5.

Lựu pháo M777 155 mm được sản xuất từ hợp kim titanium và aluminium, chỉ nặng 4 nên có thể vận chuyển bằng trực thăng. Ảnh: Times Now

Trực thăng Apache và Chinook

Năm 2015 Ấn Độ đã ký hợp đồng 3,1 tỷ USD mua 22 trực thăng tấn công AH-64E Apache Longbow của Boeing và 15 trực thăng vận tải hạng nặng Chinook.

Hoạt động chuyển giao dự kiến được thực hiện vào năm 2019.

Cheetah và Chetak - những trực thăng đã lỗi thời hiện nay của Ấn Độ từng nhiều lần bộc lộ mối nguy hiểm đến tính mạng phi công nên việc bổ sung những biến thể trực thăng mới như Apache và Chinook sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho Quân đội Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại