Ngày 5/9, đăng tải trên Tweeter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông sẽ cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản mua "số lượng đáng kể các thiết bị quân sự có độ phức tạp cao".
Mặc dù Nhà Trắng không giải thích rõ lý do nhưng nhiều khả năng ông Trump hy vọng những hợp đồng chuyển giao này sẽ giúp tăng cường răn đe Triều Tiên.
Tàu chiến và máy bay phải mất nhiều năm mới chế tạo được và thậm chí những vũ khí ít phức tạp hơn cũng cần tới hàng tháng sản xuất. Do vậy, nhiều khả năng Mỹ phải sử dụng đến kho vũ khí của chính mình mới tạo được tác động ngay lập tức.
Dưới đây là những phương tiện mà Hàn Quốc và Nhật Bản đã có trong kho vũ khí của họ và những thiết bị sẽ nằm trong danh sách mua sắm.
Phòng thủ tên lửa
Nhật Bản đang có kế hoạch nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa lớn.
Đề xuất ngân sách quốc phòng 2018 yêu cầu cấp vốn cho các hệ thống đánh chặn SM-3 Block 2A, PAC-3 MSE, nâng cấp radar phòng không và phòng thủ tên lửa, và quan trọng nhất là Aegis Ashore – phiên bản trên bộ của hệ thống tác chiến phòng không được sử dụng trên rất nhiều tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dự án phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore đang được xây dựng tại Deveselu, Romania ngày 14/1/2017. Ảnh: Defense One
Nếu được thông qua, đây sẽ là tổ hợp Aegis Ashore thứ hai được triển khai sau một hệ thống ở Romania.
Roman Schweizer, chuyên gia phân tích của tổ chức nghiên cứu Cowen Washington cho biết, Tokyo cũng đang xem xét mua các tên lửa đánh chặn trong Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã sở hữu các tên lửa phòng không Patriot.
Tên lửa
Ngày 4/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Hàn Quốc dỡ bỏ giới hạn tải trọng tên lửa của nước này.
Một thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc năm 2012 đã hạn chế tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc ở mức tối đa 800 km và tải trọng đầu đạn tối đa là 500 kg.
Theo Bruce Klingner, cựu phó trưởng đại diện CIA tại Hàn Quốc và hiện là nghiên cứu viên cao cấp về Đông Bắc Á của Quỹ Heritage, Seoul hiện sẽ có thể phóng các đầu đạn nặng 1.000 kg, gia tăng khả năng phá hủy các mục tiêu rắn chắc hơn.
"Đây là câu trả lời thích hợp cho đề nghị của một đồng minh đang phải đối diện với mối đe dọa anh ninh nghiêm trọng.
Làm như vậy sẽ tăng cường thêm các khả năng răn đe và phòng thủ cho đồng minh, đẩy nhanh quá trình Hàn Quốc tiếp nhận trách nhiệm tự phòng thủ lớn hơn và là cách để trấn an chính phủ và công chúng Hàn Quốc rằng Mỹ hiểu được các yêu cầu phòng vệ của đồng minh" - Klingner nói.
Mỹ có thể nhanh chóng chuyên giao thêm nhiều bom và tên lửa có sức công phá lớn hơn cho Hàn Quốc từ kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng quân đội Mỹ đã tiêu tốn khá nhiều tên lửa trong chiến dịch không kích kéo dài 3 năm chống ISIS ở Iraq và Syria nên cũng phải đang tích cực bù đắp.
Máy bay chiến đấu
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang mua F-35 - máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ. Hàn Quốc có kế hoạch mua 40 chiếc F-35 với chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao trong năm tới, còn Nhật Bản cũng bắt đầu phát triển 42 chiếc F-35 cho riêng mình.
Chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 đầu tiên theo kế hoạch sẽ được chuyển giao cho Hàn Quốc vào năm 2018. Ảnh: Defense One
Hai quốc gia Đông Bắc Á cũng đang mua máy bay do thám không người lái tầm cao Global Hawk.
Một lựa chọn khác nữa có thể là máy bay không người lái General Atomics Avenger, loại có thể bay cao hơn, xa hơn các UAV động cơ cánh quạt và có thể mang theo khoảng 1.360 kg cảm biến hoặc bom.
Tháng trước, David Alexander, Giám đốc Hệ thống máy bay của Tập đoàn General Atomics từng tuyên bố: "khả năng bay lâu và giám sát mục tiêu liên tục" đặc biệt hữu ích với các mục tiêu như Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật
Giải pháp nâng cấp vũ trang mạnh mẽ nhất cho Hàn Quốc có thể là việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật mới.
Đây là những vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp hơn, có thể được phóng bằng hệ thống rocket như MGR-3 Little John.
Little John là hệ thống rocket nhỏ nhất có thể mang đầu đạn hạt nhân mà Quân đội Mỹ từng phát triển. Ảnh: U.S. Army
Mỹ đã thu hồi tất cả vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên trong những năm 1990 nhưng ngày 4/9, phát biểu tại phiên điều trần ở Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ James Mattis về vấn đề này.
"Tôi đã nói với ông ấy rằng, việc thường xuyên gửi tới bán đảo Triều Tiên các vũ khí chiến lược là điều tốt và một số nghị sỹ Hàn Quốc đang thúc giục mạnh mẽ việc tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật".
Tuy nhiên, động thái này có thể là bị xem là hành động khiêu khích, nhiều khả năng làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc và Nga, cũng như sẽ khiến Triều Tiên nổi giận.
Khi còn là ứng viên chạy đua chiếc ghế tổng thống Mỹ, ông Trump từng để ngỏ ý tưởng cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản tự trang bị vũ khí hạt nhân.
Song, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In để thảo luận việc đẩy mạnh các khả năng quân sự chung, vấn đề vũ khí hạt nhân chiến thuật đã không được đề cập tới mà chỉ là các tên lửa thông thường của Hàn Quốc.
Một số chính trị gia của Đảng bảo thủ Saenuri từng kêu gọi Hàn Quốc tự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân cho riêng mình.
Tháng 2/2016, Nghị sỹ Won Yoo-chul, lãnh đạo đảng Saenuri lập luận trong một bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc: "Chúng ta không thể cứ mượn ô của hàng xóm mỗi khi mưa".
Ngày 4/9, ông Won Yoo-chul tiếp tục nhắc lại vấn đề: "Chúng ta phải sẵn sàng và mặc áo mưa của chính mình".