Trả lời phỏng vấn của Defense News, Tư lệnh Hải quân Italia - Đô đốc Valter Girardelli tuyên bố: Khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang tìm kiếm thiết kế khinh hạm mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên biển, họ nên cân nhắc tới mẫu khinh hạm FREMM của Italia.
Ông Girardelli cho biết FREMM là mẫu khinh hạm do công ty Fincantieri của Italia chế tạo theo chương trình hợp tác với ngành công nghiệp Pháp. Trong bối cảnh Italia đang tiến hành các hoạt động chống cướp biển và phải đối mặt với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga ở Địa Trung Hải, trong đó có tàu ngầm Nga, thì đây là mẫu tàu vô cùng cần thiết.
"Thế giới đang thay đổi và các tàu FREMM có khả năng hoạt động ở những vùng biển cận bờ, cũng như xa bờ" - ông Girardelli nói.
Italia hiện đã đưa vào biên chế 6/10 tàu FREMM đặt đóng, trong đó có chiếc Carabinieri (từng ghé thăm Australia trong chuyến hải trình kéo dài 6 tháng, cận kề thời điểm nước này sắp đưa ra quyết định mua khinh hạm mới) và chiếc Fasan (dẫn đầu hoạt động chống cướp biển của Liên minh châu Âu hồi tháng trước ngoài khơi Sừng châu Phi).
Chiếc đầu tiên trong số 6 tàu trên gia nhập Hải quân Italia năm 2013.
Giới thiệu hệ thống vũ khí và điện tử trên khinh hạm FREMM - Italia
Hải quân Italia đã đặt đóng 2 phiên bản tàu FREMM: phiên bản thường (dành cho các nhiệm vụ phổ biến) và phiên bản chống ngầm, trong đó phiên bản chống ngầm được ông Girardelli mô tả là "tàu chống ngầm công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới".
Các khinh hạm FREMM đặc biệt êm ái, giúp chúng không bị phát hiện. Đối với phiên bản chống ngầm thì điều này giúp tối ưu hóa hiệu quả của các cảm biến.
"Đây là đặc tính đã mất đi sau thời Chiến tranh Lạnh, mãi cho tới khi tàu ngầm trở lại làm phương tiện chiến lược" - ông Girardelli nhấn mạnh.
Phiên bản thường của FREMM cho phép triển khai lực lượng đặc nhiệm lên bờ biển và hỗ trợ lực lượng tác chiến trên bộ bằng đạn dẫn đường Vulcano 127mm.
"FREMM là một hệ thống hoàn chỉnh có khả năng hoạt động", ông Girardelli nói, đồng thời cho biết thêm rằng sau tổng cộng 20.000 giờ trên biển, "chúng đã chứng minh được hiệu quả và được đưa vào sử dụng".
Leonardo - đơn vị phát triển đạn dẫn đường Vulcano - đã hợp tác với BAE Systems để giới thiệu công nghệ của họ với Hải quân Mỹ.
Ngoài đạn Vulcano, khinh hạm FREMM còn trang bị tên lửa Aster 15/30 và hệ thống pháo Strales 76mm với đạn dẫn đường bằng radar để bắn hạ tên lửa.
"Với 3 phát bắn, chúng tôi có thể hạ gục một tên lửa cách 5.000m" - ông Girardelli khẳng định.
Ngoài cạnh tranh ở Australia, khinh hạm FREMM còn thu hút sự quan tâm từ phía Canada và Mỹ.
Ông Girardelli cho biết, không những là một lựa chọn tiềm năng cho Mỹ, FREMM còn là phương tiện hiệu quả để tuần tra Địa Trung Hải - khu vực đã trở thành điểm nóng trong những năm gần đây.
Trung Quốc và Nga đang tăng cường hiện diện tại khu vực này. Mùa hè năm nay, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc, gồm 1 tàu khu trục, 1 khinh hạm và 1 tàu tiếp dầu, đã dừng chân tại cảng Civitavecchia của Italia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
"Cảng Piraeus của Hy Lạp trước đây giờ đã là của Trung Quốc, họ còn xây dựng một cảng khác ở Algeria" - ông Girardelli nói.
Trong khi đó, các tàu ngầm Nga cũng đang tích tực tuần tra Địa Trung Hải.
Về phần mình, Hải quân Italia đã tham gia chiến dịch Sophia của EU nhằm ngăn chặn làn sóng tị nạn trái phép đi qua biển Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của họ lúc này là chiến dịch Mare Sicuro (tạm dịch: Biển an toàn), tập trung vào các vùng biển quan trọng tại Địa Trung Hải nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Italia tại khu vực này, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm khủng bố đến từ Bắc Phi.