Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường tự hào về năng lực của quân đội Mỹ, cho rằng ông đã có công lớn cho việc cải cách quân đội.
Trong bài phát biểu gần đây tại căn cứ hải quân ở Washington, ông khẳng định: “Quân đội Mỹ hiện giờ là một lực lượng mới, một lực lượng lớn. Chúng ta có những trang thiết bị tiên tiến nhất, có máy bay, tên lửa, tàu chiến tốt nhất.
Có nhiều loại khí tài đã được phát triển. Chúng ta có một lượng lớn đơn đặt hàng cho tiêm kích tàng hình thế hệ mới F-35. Năng lực tàng hình của F-35 thật sự đáng nể và bạn không thể nhìn thấy chúng”.
Bất chấp những thành tựu mà Tổng thống Donald Trump kể trên, giới phân tích cho rằng quân đội Mỹ hiện giờ đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc tiếp tục nỗ lực khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu sau nhiều năm gặp rắc rối về phân bổ ngân sách, đến việc thực hiện những yêu cầu mà Tổng thống Trump đặt ra chẳng hạn như xây dựng Lực lượng vũ trụ (Space Force).
1. Ngân sách
Những tranh cãi xoay quanh việc phân bổ ngân sách cho quân đội tại Quốc hội Mỹ kéo dài nhiều năm qua đã đẩy quân đội Mỹ rơi vào tình huống mà một số nhà lập pháp phải gọi là cuộc “khủng hoảng” về khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Bằng chứng là trong năm 2017, đã xảy ra nhiều vụ đâm va của tàu chiến Mỹ, chẳng hạn như vụ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của hải quân Mỹ va chạm với một tàu chở dầu ngoài khơi Singapore ngày 21/8, hay Tàu tuần dương USS Lake Champlain va chạm với một tàu cá Hàn Quốc trên biển Nhật Bản vào ngày 9/5.
Tiếp đến kể từ đầu năm đến nay, cũng đã có nhiều sự cố xảy ra với máy bay quân sự Mỹ như vụ máy bay chiến đấu F-35 lao xuống đường băng ngày 22/8 hay gần đây nhất là vụ chiến đấu cơ từ tàu sân bay USS Ronald Reagan rơi xuống vùng biển phía đông bắc Philippines hôm 12/11.
Mỹ cũng đang chứng kiến sự tăng vọt trong chi tiêu quốc phòng. Ước tính, kinh phí dành cho quốc phòng vào trong năm tài khóa 2018 là khoảng 700 tỷ USD và trong năm tài khóa 2019 là 716 tỷ USD.
Nhiều quan chức khẳng định, sự gia tăng chi phí này đang giúp tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của các binh sỹ nhưng trên thực tế tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Giới quan sát cho rằng, sẽ có một cuộc chiến nảy lửa về ngân sách quốc phòng tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng 11/2018.
Đảng Dân chủ - giành quyền kiểm soát Hạ viện muốn cắt giảm chi tiêu quốc phòng, còn Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện muốn gia tăng ngân sách lên đến 733 tỷ USD. Trong khi Tổng thống Donald Trump cho biết, ông có kế hoạch đề xuất ngân sách quốc phòng ở mức 700 tỷ USD cho năm tài khóa 2020.
2. Lực lượng vũ trụ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch đầy tham vọng về thành lập một lực lượng mới mang tên "Lực lượng Vũ trụ", với tư cách là nhánh thứ 6 trong quân đội Mỹ, trước năm 2020. Tuy nhiên đề xuất này cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xúc tiến công việc nhằm đặt nền móng cho ý tưởng trên. Ưu tiên hàng đầu trong số các nhiệm vụ đặt ra là trình lên Quốc hội một đề xuất chính thức về thành lập Lực lượng vũ trụ, trong đó có cả chi phí dành cho dự án. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này sẽ trình Quốc hội đề xuất chính thức vào tháng 2/2019.
Chi phí dành cho dự án này vẫn là một trong những câu hỏi lớn. Theo một báo cáo bị rò rỉ của Không quân Mỹ - lực lượng phản đối kế hoạch trên, chi phí xây dựng Lực lượng vũ trụ trong 5 năm đầu tiên vào khoảng 13 tỷ USD.
Những người ủng hộ dự án đã chỉ trích không quân Mỹ cố tình đẩy chi phí lên cao để tạo ra sự phản đối từ Quốc hội. Còn những người phản đối cho rằng việc thành lập một lực lượng như vậy là không cần thiết và tốn kém, bởi những công việc trên vốn đã được thực hiện bởi các tổ chức và lực lượng như Không quân.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng, chi phí cho việc thành lập Lực lượng Vũ trụ sẽ ở con số đơn, dao động từ 5 tỷ USD đến 10 tỷ USD. Trong trường hợp đề xuất thành lập lực lượng này không được Quốc hội thông qua thì Bộ Quốc phòng sẽ nỗ lực làm việc để đầu tư tốt hơn vào lĩnh vực không gian vũ trụ theo nhiều cách khác.
Bộ này có kế hoạch củng cố Bộ Tư lệnh không gian Mỹ để phối hợp tốt hơn với các đơn vị khác trong thực thi những hoạt động quân sự trong không gian và nâng cấp Cơ quan phát triển không gian nhằm cải thiện việc thu nhận thông tin, dữ liệu.
3. Cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn
Hồi đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược quốc phòng mới, kêu gọi dừng sự tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, vốn tiêu tốn các nguồn lực của quân đội Mỹ trong nhiều năm qua.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ xác định các đối thủ chiến lược hiện nay là Trung Quốc và Nga, đồng thời kêu gọi Mỹ quay trở lại cuộc cạnh tranh giành quyền lực giữa các nước lớn.
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nỗ lực của quân đội trong việc theo đuổi chiến lược này là Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây ra tuyên bố sẽ rút dần binh sỹ tại Châu Phi trong vài năm tới. Theo đó, quân số cắt giảm dự kiến là khoảng 10% trong tổng số 7.200 binh sĩ đang được triển khai tại châu Phi.
Tuy nhiên, một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, quân đội Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với quân đội của Nga và Trung Quốc bởi một loạt vấn đề về chính trị, tài chính và quốc tế phát sinh thời gian gần đây đang làm “xói mòn và hạ ưu thế” của quân đội Mỹ “xuống một mức độ nguy hiểm”.
Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên cho rằng, trong cuộc xung đột trong tương lai, quân đội Mỹ có thể sẽ chịu tỷ lệ thương vong và tổn thất về tiền của khó có thể chấp nhận được; thậm chí có thể thua trắng trong cuộc chiến tranh với Nga và Trung Quốc.
“Quân đội phải nỗ lực rất nhiều mới có thể chiến thắng hoặc có lẽ sẽ thu trong cuộc chiến với Nga hay Trung Quốc. Quân đội Mỹ có nguy cơ bị “choáng” nếu buộc phải chiến đấu trên hai hay nhiều mặt trận cùng một lúc”.
Bình sĩ Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan. Ảnh: AP.
4. Afghanistan
Sau 17 năm can thiệp vào cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ hiện giờ vẫn bị sa lầy trong cuộc xung đột này.
Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan, trong đó có việc điều động thêm hàng nghìn binh sỹ tới đây và vạch ra một lộ trình rút quân với hy vọng đánh bại phiến quân Taliban trên chiến trường và buộc lực lượng này phải đàm phán hòa bình.
Tuy vậy, tình hình an ninh vẫn tiếp tục xấu đi nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê mới công bố tháng 11 của Văn phòng giám sát đặc biệt vấn đề tái thiết Afghanistan, trong tổng số 407 khu vực ở nước này, chính phủ Afghanistan đang kiểm soát và có ảnh hưởng 55,5% diện tích – mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, đã có 28.000 binh sỹ nước này bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh suốt 4 năm qua.
Bất chấp những con số biết nói nêu trên, giới chức Mỹ vẫn khẳng định rằng chiến lược đối với Afghanistan đang diễn ra hiệu quả, viện dẫn những tín hiệu cho thấy Taliban đang để ngỏ việc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh, ngay cả khi bạo lực leo thang.
Vào tháng 10 vừa qua, đặc phái viên của chính phủ Afghanistan Zalmay Khalilzad đã gặp các thủ lĩnh của Taliban tại Qatar. Tuy vậy vẫn chưa rõ Tổng thống Donald Trunp muốn duy trì binh sỹ ở Afghanistan trong thời gian bao lâu.
5. Phòng thủ tên lửa
Hiện nay, một trong những bí mật vẫn được giữ kín tại Bộ Quốc phòng là thời điểm công bố bản đánh giá phòng thủ tên lửa. Bản đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa của quân đội ban đầu dự kiến phát hành vào cuối năm 2017, sau đó lùi tới tháng 2/2018.
Tuy nhiên, thời điểm công bố biên bản này đã bị hoãn lại khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định mở rộng phạm vi, từ thiết lập hệ thống phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo tới việc thiết lập hệ thống phòng thủ bằng tất cả các loại tên lửa. Kể từ thời điểm đó, các quan chức Mỹ liên tục hứa hẹn sẽ sớm công bố bản đánh giá này.
Phát biểu với báo chí vào tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, bản đánh giá này đã được hoàn thành nhưng không tiết lộ thời điểm công bố chính thức.
Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin thông báo, Bộ Quốc phòng đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào hệ thống vũ khí sử dụng năng lượng trực tiếp dùng cho phòng thủ tên lửa, nhưng từ chối bình luận về trạng thái của Bán đánh giá nêu trên.