Di ngôn trên bia đá tiết lộ bí mật động trời khiến trộm không dám xâm phạm mộ Gia Cát Lượng

Lam Anh (Tổng Hợp) |

Sử sách ghi lại trên bia đá mộ Gia Cát Lượng đã tiết lộ không ít bí mật, trong đó có điều khiến trộm không bao giờ dám đụng tới mộ phần của ông. Vậy di ngôn viết gì?

Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, là nhà quân sự, tư tưởng nổi tiếng thời Tam Quốc, cũng là biểu tượng trí tuệ được nhiều người Á Đông tôn sùng. Ông phò tá Lưu Bị, chia ba thiên hạ, thành lập liên minh Ngô – Thục chống lại Tào Ngụy.

Người đời so sánh ông với mưu lược gia nổi tiếng Tôn Tử. Hình tượng ông càng nổi tiếng và được cả thế giới biết đến qua tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa.

Những bất ngờ khó lý giải về ngày an táng

Là một nhà quân sự danh tiếng trong sử sách, Gia Cát Lượng trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Chính vì lẽ đó nên ông cũng hết sức coi trọng việc chọn nơi an nghỉ cho chính mình sau khi chết, đồng thời có nhắn nhủ gia nhân rất kỹ về việc này.

Trung Quốc thời cổ đại, việc an táng được con người thực hiện rất cầu kỳ, đặc biệt là chú trọng đến việc chọn huyệt tại nơi an táng. Gia Cát tiên sinh về việc này cũng đã dặn dò gia nhân rất rõ ràng và kỹ lưỡng.

Trong nhiều tài liệu lịch sử đều chép lại rằng Gia Cát Lượng đã chủ động chọn nơi an táng mình trên núi Định Quân.

Núi Định Quân nay nằm ở phía nam huyện Miễn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Sở dĩ ông chọn nơi này, đầu tiên là bởi ông muốn sau khi chết có thể bảo vệ cả một vùng biên cương nước Thục, không cho phép kẻ địch quấy rầy. Sau nữa, ông cũng không hy vọng kẻ thù tìm thấy phần mộ của mình nên Định Quân là lựa chọn tốt nhất.

Tương truyền, trước khi chết, ông dặn tướng sĩ bỏ xác ông vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sĩ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ. Mặc dù đại quân sư đưa ra yêu cầu kỳ lạ nhưng vốn tôn kính và tin tưởng ông nên các quân sĩ vẫn thực hiện đúng theo lời dặn.

Khi tới núi Định Quân, đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Lúc này, quân sĩ mới nhớ tới lời dặn dò của ông, ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi, sợ hãi, hốt hoảng toát mồ hôi, vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt.

Tuy nhiên khi quân sĩ còn chưa kịp đào huyệt thì bỗng nghe thấy một tiếng nổ ầm ầm long trời lở đất ngay sau lưng. Họ càng sợ hãi hơn nữa khi quay đầu nhìn lại, phát hiện đỉnh núi Định Quân bị nứt tách ra. Đất đá sụp xuống vừa khít tạo thành một huyệt mộ vừa vặn với kích thước quan tài của Gia Cát Lượng.

Lúc này, mọi người mới bàng hoàng bái phục, cho rằng Gia Cát Lượng đúng là thần nhân. Tất cả quỳ sụp xuống đất, chuẩn bị đồ tế lễ và run rẩy đặt quan tài Gia Cát Lượng vào vị trí trên. Hóa ra ngay từ đầu, Khổng Minh đã tự sắp xếp, lựa chọn cho mình một vị trí hạ huyệt. Người ta nói, ông có thể đoán trước được thiên tượng biến hóa có lẽ cũng là bởi vậy chăng?

Và sau gần 2000 năm, chưa ai có thể lý giải được điều lạ lùng này. Việc Gia Cát Lượng tự chọn chỗ an táng cho mình sau khi chết cho đến nay vẫn là một câu đố đầy hiểm hóc đối với hậu thế.

Vì sao không ai dám xâm phạm mộ phần Gia Cát Lượng?

Thứ nhất, dòng bia khắc tiết lộ Gia Cát Lượng "rất nghèo". Trên thực tế, phần mộ được phát hiện ở núi Định Quân có quy mô tương đối nhỏ, chỉ vừa đủ chôn một chiếc quan tài.

Thuộc hạ của Gia Cát Lượng đã tuân thủ theo lời trăn trối của ông, nên bên trong ngôi mộ cũng không chôn theo bất kỳ vật phẩm đáng giá nào. Hơn nữa, bên trên mộ bia của Khổng Minh còn có khắc một dòng chữ với nội dung đại ý là: "Ta đời này rất nghèo, không có vật tùy táng, các người cũng đừng tốn công vô ích".

Động cơ chủ yếu của những kẻ hành nghề trộm mộ chính là tài sản chôn theo người quá cố. Nếu trong mộ đã không có vật tùy táng, họ cũng chẳng hơi đâu đi phí hoài tâm tư, mạo hiểm tính mạng.

Thứ hai, ông là vị quân sư tài ba lỗi lạc khiến người người kính nể, coi trọng. Sinh thời, Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy, dâng hiến đời mình cho đại nghiệp của nhà Thục Hán. Người dân Thục quốc đương nhiên sẽ không làm ra những điều bất kính như việc xâm phạm nơi an nghỉ của ông.

Hơn nữa, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện từng cho lập miếu thờ ông, cũng hạ lệnh bách tính hàng năm đều tới lễ bái, cúng tế Khổng Minh. Theo quan niệm của người xưa, sau khi đã được lập miếu thờ, địa vị của Gia Cát Lượng sẽ được xem như thần tiên.

Xuất phát từ lòng tôn kính của bách tính đối với ông, ngay tới ngôi miếu thờ Khổng Minh từ trước tới nay cũng chưa từng bị kẻ trộm ghé thăm.

Kỳ thực, việc ngôi mộ ở núi Định Quân có đích thực là nơi an táng thi thể của Ngọa Long tiên sinh hay không vốn không phải là vấn đề nhất thiết phải làm sáng tỏ. Bởi lẽ, sự tôn kính của hậu thế đối với Gia Cát Lượng vốn nằm ở tấm lòng chứ không phụ thuộc vào vị trí mộ phần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại