Ở tuổi 15, con người ta lo sợ những kì kiểm tra bị điểm kém, về nhà sợ bị bố mẹ mắng, đến lớp sợ bị thầy cô giáo chê...
Ở tuổi 20, con người ta lo sợ những lần lỡ chi tiền tiêu xài quá tay mà không dám kể cho bố mẹ nghe, đành phải ăn tạm mì gói ngày qua ngày và chỉ dám than thở với đứa bạn thân...
Ở tuổi 25, con người ta lo sợ những khi mình phải chịu cảnh cô đơn, sợ cả những lần nghe câu chuyện thành đạt của những người bạn cùng trang lứa bỗng một ngày mua được xe hơi hay được thăng chức...
Ở tuổi 30, con người ta lo sợ khi mình kiếm tiền không đủ để lo cho con cái mỗi tháng, nào tiền ăn học, nào tiền mua sữa, tiền cho con học một môn năng khiếu cho bằng bạn bằng bè...
Rồi đến tuổi 35 hay 45, con người ta lo sợ có thể bất cứ lúc nào mình sẽ bị cho nghỉ việc vì sức cống hiến không bằng những người trẻ, lo sợ những đứa con bé bỏng của mình liệu có thể bước vào đời mà không sợ hãi không, lo sợ thời gian trôi qua khiến bản thân mình ngày một không còn tươi trẻ như hiện tại...
Dường như, con người ta càng thêm 1 tuổi lại càng thêm nhiều nỗi sợ. Những nỗi sợ ấy cứ mỗi năm lại chồng chất lên nhau, đầy ứ trong tâm hồn. Điều kì lạ là càng lớn tuổi, người ta càng giấu kĩ những nỗi sợ ấy vào trong, không muốn người khác phát hiện ra là mình nhỏ bé đến thế.
Những nỗi sợ chẳng vơi dần theo năm tháng mà cứ thế tăng nhiều lên bởi càng biết nhiều về cuộc đời, con người ta lại càng không chắc chắn những năm mình đã sống liệu có ổn không. Những tưởng công việc, gia đình, cuộc sống mọi thứ ngày càng vươn tới trên đỉnh cao, đâu có ai ngờ ẩn sâu trong đó là một mối tơ vò.
"Tuổi 35, tôi luôn lo sợ sự đổ vỡ, mất mát"
Nếu ở độ tuổi 20, con người ta hoàn toàn có thể tự tin không 100% thì cũng 99% rằng tôi có đủ nhan sắc, xinh đẹp và tài giỏi để níu giữ đối phương của mình lại. Nhưng đến khi lập gia đình, sinh con, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm cảm xúc, giải quyết không ít vấn đề "trong nhà ngoài ngõ", con người ta lại càng cảm thấy mệt nhoài vì những nỗi sợ do chính bản thân tạo ra.
Tất nhiên, những nỗi sợ ấy đều có nguyên do của nó. Chẳng có nỗi sợ nào là vô cớ cả khi những áp lực cuộc sống cứ "đè đầu cưỡi cổ".
Một người phụ nữ, khi lấy chồng sinh con, nhiều khi thở dài khi đứng trước gương về ngoại hình của chính mình. Với phụ nữ, vẻ ngoài gần như là ưu tiên số 1; đó là lý do vì sao mà họ mất hàng tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho buổi hẹn hò đầu tiên hay đi đến hàng chục shop quần áo để mua một món đồ phù hợp cho ngày kỉ niệm cặp đôi.
Khi sự ưu tiên này không còn nữa, mà thay vào đó là con cái, bỉm sữa và công việc gia đình, đôi khi, họ cảm thấy khổ sở và sợ hãi nếu một ngày nào đó, người chồng ngày ngày "đầu gối tay ấp'' về muộn, không một câu bắt chuyện, không cãi cọ một lời nào. Họ sợ...
Một người đàn ông, khi lập gia đình, có lẽ điều mà họ tiếc nuối nhiều hơn cả là sự tự do.
Khi độc thân, nhấc máy lên "alo" gọi thằng bạn ra quán bia bất cứ lúc nào cũng được; còn khi kết hôn, ít nhất cũng phải thông báo cho vợ một câu bởi không chỉ có vợ mà còn có con nhỏ đợi cơm. Đàn ông khi đã lấy vợ sinh con, áp lực làm trụ cột gia đình cũng là một gánh nặng tâm lý.
Nhiều khi, không làm đúng những gì mình đề ra, họ cảm thấy "mất mặt" với chính đứa con mình sinh ra vì sợ không đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình. Họ sợ...
Hạnh phúc gia đình là do sự vun vén của hai người. Nếu không làm tốt, hạnh phúc ấy có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Muốn có hạnh phúc, phải có sự thấu hiểu. Nhưng đôi khi, vì những áp lực cuộc sống, vì sự sĩ diện của bản thân, vì những nỗi thống khổ khó nói ra, con người buộc lòng mình phải xây những bức tường thành ngăn chặn sự quan tâm của đối phương.
Chẳng có ai mong muốn mất mát, tất cả chỉ mong một cái kết có hậu. Đã nắm tay nhau đi qua những ngày tháng yêu đương nồng nhiệt, vậy tại sao lại để phí những ngày được trọn vẹn ở bên nhau cho những nỗi sợ?
Đời này sướng hay khổ thì cũng cứ vui vẻ mà đón nhận. Sợ mình xấu đi, sợ chồng có người mới, sợ bị kìm kẹp, sợ không làm trụ cột gia đình được... Phải chăng những nỗi sợ ấy bắt nguồn từ việc người ta chưa sẵn sàng mà bị buộc kết hôn vì nghĩa vụ?
"Tuổi 35, tôi luôn lo sợ không kiếm đủ tiền"
Ở tuổi này, con người ta bắt đầu đong đếm thành công bằng xe bằng nhà nhiều hơn cả. Hạnh phúc một đời có kéo dài hay không cũng dựa vào chính giai đoạn này. Không chỉ đau đầu suy nghĩ làm sao kiếm được tiền mà lại bắt đầu phải tính toán đến việc tháng này có đủ tiền để mua sữa cho con không, giỗ chạp hiếu hỉ tháng này cần chi bao nhiêu...
Những khoản tiền bạc "giời ơi đất hỡi ở đâu ra không biết" cứ khiến con người ta đôi khi cảm thấy bất lực.
Con cái cứ lớn dần lên, những chi phí cứ theo đó mà tăng theo. Hơn nữa, số thành viên trong gia đình tăng, nhu cầu của bản thân cũng thay đổi, diện tích nhà cần phải rộng hơn để phù hợp cho không gian sống. Chính những áp lực ấy khiến con người ta cảm tưởng như mình cứ bơi mãi, bơi mãi mà chẳng chạm vào bờ, cánh tay thì mỏi nhừ.
Điều đáng nói là những áp lực ấy chẳng ai có thể thấy rõ, nó cứ ám ảnh trong mỗi giấc mơ, tái hiện thông qua những cuộc nói chuyện. Khi độc thân, tiền kiếm nhiều hay ít không quan trọng nhưng khi đã lập gia đình, nếu không "thừa" thì ít nhất cũng nên "đủ" vì đó là câu chuyện của một gia đình, chứ không còn là của một người.
"Tuổi 35, tôi luôn lo sợ sự nghiệp trục trặc, không như mong muốn"
Không chỉ phải lo tiền bạc đơn thuần mà ở độ tuổi này, người ta còn bắt đầu tính toán về đường công danh. Có một công việc ổn định, một sự nghiệp chắc chắn thì cũng phải nghĩ đến vị trí của mình trong xã hội. Hơn thế, có vợ hiền, gia đình làm hậu phương thì chắc hẳn họ sẽ yên tâm mà tăng tốc trên con đường sự nghiệp.
Nhưng đấy là câu chuyện của số ít người có sự nghiệp đang tỏa sáng. Còn phần nhiều lo lắng công việc mình không ổn định và có thể có những bất ngờ không dự đoán được.
Vì sao?
Vì ở độ tuổi 35, sự đam mê, nhiệt huyết có dấu hiệu đi xuống. Chẳng còn như xưa, khi vừa mới ra trường.
Vì ở độ tuổi 35, vòng xoáy cơm áo gọi tiền cuốn lấy, con người ta chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng làm xong việc rồi về nhà với con. Nhiều người thậm chí còn bắt đầu nghĩ đến việc tay trái để tranh thủ kiếm thêm.
Vì ở độ tuổi 35, chí ít đã có vài người bạn đã làm được những việc đáng ngưỡng mộ. Còn bản thân cứ giậm chân tại chỗ, đâm buồn bực, khó chịu, cáu gắt, đổ lỗi vô cớ lên những người xung quanh. Những ý chí khi xưa cũng tự dưng mà biến mất.
Những bất an thường trực. Có thể một người nào đó tốt hơn sẽ thay thế vị trí mình đang nắm giữ bất cứ lúc nào. Bất an lại chồng bất an và cứ bất an mãi thế thì sớm muộn sự nghiệp gặp trục trặc cũng không sai đâu.
"Tuổi 35, tôi luôn lo sợ bố mẹ ngày càng già đi"
Số tuổi của mình ngày càng tăng lên thì tất nhiên, số tuổi của bố mẹ cũng ngày một tăng lên theo quy luật tự nhiên. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy tóc bố mẹ bac trắng, da nhăn nheo, bước đi cũng chậm hơn.
Thật kì lạ, ngày bé chúng ta chỉ mong lớn nhanh bằng bố mẹ để được tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ, làm mọi điều mình thích. Ấy thế mà, càng lớn, càng va vấp ngoài xã hội nhiều, chúng ta lại chỉ mong được bé lại để mãi là những đứa con bé bỏng trong vòng tay bố mẹ.
Con cái, dù có đi khắp 5 châu 4 bể, về tới nhà có bố mẹ vẫn là nơi hạnh phúc nhất. Khách sạn 5 sao có cao cấp đến mấy cũng không có những món ăn mẹ nấu, bố gắp thức ăn cho. Máy bay dù có là hạng thương gia cũng không có được cốc nước cam mẹ pha khi mệt, cốc nước dừa bố leo lên cây đẩy quả xuống rồi lại cặm cụi lấy dao bổ cho con uống.
Những điều tưởng nhỏ nhặt vậy thôi mà sẽ có một ngày, chắc chắn đứa con nào cũng phải hối tiếc nói lời tạm biệt để bố mẹ được yên nghỉ. Rồi những điều quý giá ấy trong phút chốc sẽ trở thành những hồi ức. Vì thế, hãy ở bên bố mẹ ngày nào mình còn có thể.
Cả cuộc đời, con người luôn chạy trốn trong những nỗi sợ. Sợ, chẳng sao cả, ai mà chẳng có. Nhưng nếu sợ hãi làm con người ta hèn kém, nhụt chí thì ắt hẳn cuộc đời càng về sau càng chồng chất những hối tiếc. Còn nếu vô tình hay hữu ý, sợ hãi là một động lực sâu thẳm thì mỗi giây mỗi phút được sống trên thế giới này là một món quà vô giá!