Thiền sư và con nhện
Ngày trước, có một người đi học thiền định. Một hôm, đang ngồi thiền trong phòng, anh ta thấy một con nhện bò tới trước mặt mình. Sau đó, ngày nào con vật cũng xuất hiện, ngày một lớn hơn.
Người này thấy sợ quá, bèn đến gặp sư phụ để xin lời khuyên. Anh ta nói, mình đã thủ sẵn một con dao ở trong người, phòng khi con nhện xuất hiện, có thể ra tay giết nó bất cứ lúc nào.
Nghe xong, vị sư phụ trầm ngâm một lúc rồi bảo: "Thay vì con dao, anh hãy mang theo một viên phấn. Khi con nhện bò ra, hãy đánh dấu chữ X vào bụng nó rồi đến gặp ta".
Người học trò nghe lời, quay về thiền tiếp. Khi con nhện gớm ghiếc xuất hiện, anh ta đã cố kìm chế ý muốn tấn công nó, và làm đúng như sư phụ của anh đã khuyên. Sau đó, anh ta đến gặp thầy của mình.
Vị sư phụ bảo học trò hãy vén áo lên và nhìn xuống bụng mình. Quả nhiên ở đó có chữ X.
Lời bàn: Những chướng ngại mà ta thường cho là do ngoại cảnh tác động, kỳ thực lại ở chính trong lòng mỗi người. Nếu xem nó như thù nghịch, muốn hủy diệt nó, thì coi chừng ta hủy diệt chính mình, vì muốn đâm con nhền nhện mà suýt thọc mũi dao vào bụng mình.
Người đàn ông mù và chiếc đèn lồng
Ở nước Nhật thời xưa, khi chưa có điện, người ta rất hay dùng đèn lồng để soi lúc trời tối. Một buổi tối nọ, có một người đàn ông mù tới thăm bạn. Khi về, anh ta được bạn đưa cho một chiếc đèn lồng.
"Tôi thì cần gì đèn lồng. Ánh sáng hay bóng tối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì", người này từ chối.
"Tôi biết anh không cần đèn lồng để nhìn đường, nhưng nếu anh không cầm đèn, nhỡ có ai đâm vào anh thì sao. Vì thế anh cứ cầm đi", bạn anh ta giải thích.
Rồi người đàn ông mù cầm chiếc đèn trở về nhà. Nhưng chưa đi được bao xa thì có người đã đâm sầm vào anh ta. Anh ta hét lên: "Phải nhìn đường chứ! Anh không thấy chiếc đèn lồng hay sao?"
"Thế sao anh lại không thắp đèn?", người đâm vào anh ta nhẹ nhàng hỏi lại.
Lời bàn: Làm việc tốt phải xuất phát từ cái tâm của mình, nếu chỉ làm "cho có", hay làm vì một mục đích ích kỷ nào đó thì không những không mang lại tác dụng, trái lại còn có thể hại người, hại mình.
Thiền sư và tên trộm
Một buổi tối nọ, thiền sư Shichiri Kojun đang đọc kinh trong nhà thì có một tên trộm đột nhập mang theo một thanh kiếm sắc bén và hét lớn: "Đưa tiền đây, nếu không ta giết chết".
Không hề tỏ ra sợ hãi, thiền sư Shichiri đáp lại, "Đừng có làm phiền ta. Ngươi cứ tự nhiên mà lấy tiền, nó ở trong ngăn kéo ấy" rồi lại quay lại việc đọc kinh.
Đã làm nghề trộm cướp nhiều năm, nhưng chưa bao giờ tên trộm gặp phải tình huống này nên rất ngạc nhiên. Trong lúc vơ vét tiền của, hắn định đem đi hết thì thiền sư lại cất giọng: "Đừng có lấy hết chứ, để lại một ít để ngày mai ta còn phải nộp thuế".
Nghe kỳ lạ, nhưng không hiểu sao hắn cũng làm theo lời của thiền sư. Tưởng đã xong, nhưng trước khi đi, hắn lại giật mình trước lời nói của ông: "Ngươi lấy tiền của ta mà không cảm ơn ta sao? Thật là bất lịch sự!"
Lần này, tên trộm thật sự sốc trước sự can đảm và khí phách hơn người của thiền sư nên đã cúi đầu cảm ơn ông và chạy mất. Sau đó, hắn kể cho bạn bè mình rằng trong đời, hắn chưa từng thấy sợ và nể phục ai đến thế.
Vài ngày sau, tên trộm bị bắt giữ khi đang thực hiện một vụ trộm khác. Hắn khai rằng mình đã ăn trộm ở nhà thiền sư Shichiri. Khi được gọi lên làm chứng, Shichiri đã nói rằng: "Người đàn ông này đâu có ăn trộm của tôi. Khi tôi cho anh ta tiền, anh ta còn cảm ơn tôi mà".
Quá xúc động trước tấm lòng khoan dung và nhân từ của nhà sư, tên trộm đã quyết định sẽ hoàn lương, trở thành một học trò của nhà sư để giúp đỡ những người khác.
Lời bàn: Hận thù chỉ càng sinh ra thêm hận thù, chỉ có lòng trắc ẩn, sự khoan dung mới có thể gieo những hạt mầm tốt lành trên những mảnh đất đã khô cằn sỏi đá, để cho ra những bông hoa đẹp ngát hương cho đời.
Dịch từ các báo nước ngoài