Đến năm 2030, cả nước sẽ có 28 sân bay

BTS |

VTV.vn - Giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, chỉ đầu tư 6 cảng hàng không mới.

Chỉ đầu tư 6 cảng hàng không mới

Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, khai thác hàng không dân dụng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quy hoạch để cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10 năm nay.

Hiện nay, cả nước có 22 cảng hàng không, trong đó có 8 cảng hoạt động có lãi là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi, Liên Khương.

Cục Hàng không cho biết, giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Cục vẫn giữ quan điểm từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, chỉ đầu tư 6 cảng hàng không mới là: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết và Nà Sản, nâng tổng số lên 28 cảng hàng không cả nước.

Mở rộng các cảng hàng không cả nước

Trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng lưới cảng hàng không được quy hoạch với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là hai địa phương có 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhưng đang rơi vào tình trạng quá tải. Cảng Hàng không Cát Bi, Hải Phòng cũng ở tình trạng tương tự.

Với lợi thế đóng tại địa phương có nhiều điểm du lịch, là nơi trung chuyển, kết nối giao thông giữa các địa phương đang thu hút đầu tư của vùng, lượng khách qua Cảng hàng không Cát Bi, Hải Phòng 8 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 2 triệu lượt khách và bắt đầu có dấu hiệu quá tải.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi. Dự kiến, việc xây dựng sẽ được triển khai trong 18 tháng kể từ khi hoàn thành giải phóng mặt bằng và có thể khởi công vào tháng 5/2023.

Đến năm 2030, cả nước sẽ có 28 sân bay - Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Ảnh: Báo Đầu tư.

18,43 ha được chọn để xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, Hải Phòng. Việc nhanh chóng khởi công xây dựng nhà ga T2 vào quý II năm sau không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt của cảng, nâng công suất khai thác, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy kinh tế của địa phương và vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung.

Còn tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 đã được Chính phủ đồng ý triển khai từ năm 2020 với quy mô 20 triệu hành khách/năm để giảm tải cho nhà ga T1 và T2. Dự kiến, nhà ga hành khách T3 sẽ khởi công trong quý IV năm nay. Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Đối với dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hiện đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật. Dự kiến dự án sẽ khởi công hệ thống móng cọc từ tháng 3/2023 và hoàn thành vào năm 2024.

Sau khi mở rộng, nhà ga hành khách T2 Nội Bài sẽ nâng mức khai thác từ 10 triệu hành khách/năm hiện nay lên 15 triệu hành khách/năm.

Đẩy nhanh tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đến năm 2030, cả nước sẽ có 28 sân bay - Ảnh 2.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia. Công trình này thuộc chương trình phát triển kinh tế lớn của Chính phủ cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ. Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị, nhà thầu thi công đang nỗ lực để có thể hoàn thành theo các mốc thời gian đề ra.

Dự án thành phần 2 "Các công trình phục vụ quản lý bay" giai đoạn 1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư 3.500 tỷ đồng vừa được khởi công với diện tích 24.000m2 gồm: Đài Kiểm soát không lưu, các trạm radar, các hệ thống cảnh báo và các hạng mục phụ trợ khác.

Trong đó, đài kiểm soát không lưu cao 123m là hạng mục quan trọng nhất. Các hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.

Các nhà thầu cho biết, khó khăn lớn nhất lúc này chính là mùa mưa khiến nền đất ẩm cao và lún, kéo theo dây chuyền thi công 3 ca cũng bị ngắt quãng. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn nỗ lực thi công để giữ tiến độ.

Hiện dự án thành phần 3 đã triển khai xong các thủ tục để có thể đấu thầu khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách vào cuối năm nay. Các nhà thầu cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác chính thức trong năm 2025.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không của cả nước đến năm 2030 sẽ đưa vào khai thác tổng số 28 cảng hàng không bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km. Đến năm 2050 sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP Hồ Chí Minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại