Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Lý giải về đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động.
Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc bày tỏ sự phản ứng mạnh mẽ đề xuất này. Bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Tôi rất bất mãn với cách thay đổi cách tính chi trả BHXH áp dụng từ năm 2017 đến nay, những thay đổi này làm mất quyền lợi của nhiều người lao động, trong đó có bản thân tôi; mất 10% của 75% lương hưu là quá lớn.
Đến năm 2023, tôi nghỉ hưu đúng tuổi (60 năm 9 tháng) với 28 năm tham gia BHXH nên được hưởng 61% lương hưu. Nếu theo cách tính trước 2017 tôi được 71% lương hưu. Như vậy 5 năm từ 2017 đến 2022, tôi vẫn lao động nhưng không được % lương hưu nào, lại thêm 4 năm nay không được tăng lương do dịch COVID-19. Nếu đến 1-7-2023 mới tăng lương thì sau đó vài tháng là đã nghỉ hưu".
Bạn đọc giấu tên khác bức xúc: "Càng sửa tôi lại càng cảm thấy sự bất lực trong cách quản lý và hoạch định của BHXH. Tại sao không nhìn nhận thẳng vào vấn đề là do tuổi hưu cao, tỉ lệ hưởng không phù hợp,...v.v . Có cái công ty nào mà tuyển công nhân viên sau 50 tuổi không.
Với tỷ lệ 8% hay 14% gì thì cũng đều là tiền của người lao động cả. Nếu nói theo thông lệ quốc tế thì cũng cần phải nhìn nhận chế độ an sinh, mức sống có giống nước ta không chứ hưởng theo mức bình quân lương của toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm là đã thấy bất hợp lý lắm rồi.
Tại sao không phải là bình quân của 6 tháng hay 12 tháng cuối cùng đóng bảo hiểm chứ. Bây giờ 500.000 đồng thì cũng lớn thật đấy nhưng sau này vật giá leo thang thì 500.000 đồng lúc đó mua được cái gì?".
Theo nhiều bạn đọc, không ai muốn giặt lúa non cả bởi đa số những người công nhân nghèo vào thế bí mới rút BHXH 1 lần.
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh góp ý: "Do tuổi nghỉ hưu quá cao, chỉ phù hợp với người lao động gián tiếp, lương cao, người lao động trực tiếp 45, 50 tuổi thì sức đã mòn, lực đã cạn, biết có còn sống 10, 12 năm nữa để hưởng đồng lương hưu hay không mà không rút một lần. Cho dù có rút một lần thì cũng là đồng tiền tích góp của người lao động trong nhiều năm".
Cũng theo bạn đọc này, BHXH chỉ là cơ quan được nhà nước phân công, giao việc quản lý giúp đồng tiền của người lao động gởi vào, nay họ muốn rút ra là quyền của người lao động, hà cớ gì ngăn cản, viện đủ lý do vô lý không cho họ rút.
Đó là người lao động chưa "tính sổ" với BHXH, lẽ ra trong suốt thời gian người lao động gởi vào, BHXH kinh doanh đồng tiền đó, giờ BHXH phải chia lợi nhuận cho người lao động nữa kia. BHXH chỉ cho người lao động đến tuổi nhận 45 đến 75% là đã quá lãi rồi, chưa kể vô số người chưa đến tuổi nghỉ hưu đã "nghỉ thở" thì BHXH còn lãi nhiều hơn nữa.
Thời gian đóng BHXH dài lâu nhưng chính sách BHXH thì không ổn định, thay đổi liên tục, mỗi lần thay đổi là một lần thu hẹp quyền lợi hưởng BHXH của người lao động
Bạn đọc Hoàng Nhi góp ý: "Nói thật nếu như không bắt buộc thì cũng chẳng người lao động nào tự nguyện đóng vào cả, thay vì cứ sửa luật để ép buộc người ta thì tại sao không nghĩ cách thu hút người lao động tự nguyện tham gia".
Đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già đảm bảo cuộc sống ai cũng mong muốn. Tại sao vừa qua có rất nhiều công nhân chọn rút BHXH một lần mà không tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Có 3 nguyên nhân cơ bản sau 1. Thời gian đóng BHXH dài lâu nhưng chính sách BHXH thì không ổn định, thay đổi liên tục, mỗi lần thay đổi là một lần thu hẹp quyền lợi hưởng BHXH của người lao động nên họ không yên tâm
2. Đồng tiền ngày càng mất giá nhưng cách tính lương hưu của khối lao động ngoài nhà nước là tính lương bình quân cả quá trình đóng BHXH nên dẫn đến mức lương hưu thấp và không công bằng cho 2 khối dù có nhân hệ số trượt giá.
3.Từ thực tiễn trước mắt có nhiều công nhân về hưu, lương hưu không đảm bảo cuộc sống tối thiểu họ vẫn phải tiếp tục bươn chải để mưu sinh. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao mức lương hưu khi người lao động về hưu phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Theo bạn đọc này, thay vì tìm mọi cách cắt giảm quyền lợi của người lao động nữa mà hãy thực hiện một số vấn đề sau: Tăng mức đóng BHXH bằng cách đóng trên mức lương thực lãnh theo lộ trình trước mắt đóng trên 80% sau đó 100%; Có chính sách quản lý quỹ BHXH tốt hơn, giảm chí phí không hợp lý, hợp lệ. Có biện pháp chế tài mạnh những trường hợp nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động; Xem lại hệ số trượt giá khi tính lương hưu cho phù hợp tạo sự yên tâm cho người lao động.
Phải nghiên cứu kỹ
Theo bạn đọc Nguyễn Ngọc Giang, không ai muốn giặt lúa non cả bởi đa số những người công nhân nghèo vào thế bí mới rút BHXH 1 lần.
Bạn đọc Lê Dũng phân tích: "1 năm người lao động và người sử dụng lao động đóng 2,64 tháng lương nhưng nghỉ việc chỉ được lãnh 2 tháng lương đã là 1 thiệt thòi cho người lao động rồi. Bây giờ BHXH còn muốn giữ lại 14% phần của người sử dụng lao động, vậy người lao động lãnh 8% rồi mà chuyển sang lao động tự do không tham gia BHXH nữa hoặc không may qua đời thì số tiền 14% đó coi như xong.
Chính sách mới này cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho các bên,chứ như vậy thì thiệt thòi cho người lao động, nhất là người lao động chân tay,nặng nhọc không thể làm việc lâu dài.