Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30 , nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 đang gây nhiều tranh cãi.
Ngày 3/5, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng nhìn nhận, việc thống nhất giờ làm như dự thảo đưa ra cần phải xem xét thận trọng, thấu đáo.
Ông Sơn cho rằng, ở nước ta, việc áp dụng giờ giấc làm việc như dự thảo đưa ra là rất khó.
"Ở đây ta chưa bàn đến giờ bắt đầu và kết thúc ngày làm việc mà chỉ nói đến thời gian nghỉ trưa 60 phút đã thấy có nhiều chuyện phải bàn.
Thói quen của người lao động Việt Nam, đặc biệt trong khối hành chính, buổi trưa là phải có một giấc ngủ. Cái này không chỉ là nói quen mà phải nói đã trở thành tập quán rồi. Để thay đổi tập quán, đó là điều rất khó khăn”, ông Sơn nói.
Ở các thành phố, các khu công nghiệp tập trung, việc quy định giờ làm việc này là thuận lợi, nhưng với những tỉnh, thành phố và các khu vực không làm việc tập trung là chưa hợp lý
Ông Nguyễn Văn An
Bên cạnh đó, giờ làm việc của công chức, người lao động liên quan đến chuyện con cái học hành, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề xã hội khác.
“Ở các quốc gia khác, để áp dụng thống nhất giờ làm việc rất thuận lợi vì hệ thống an sinh xã hội của họ rất tốt. Họ không phải lo chuyện con cái đi học, trưa con về nhà thế nào, ăn, ngủ ra sao, hoàn toàn không phải lo gì”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, một điều cần phải lưu ý nữa là ở các đô thị, vấn đề giờ giấc làm việc không cần phải bàn, nhưng ở các khu vực khác thì sao. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu để đánh giá lại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho rằng, quy định giờ làm việc chung của công chức là 8h30, nghỉ lúc 17h30 thì chỉ hợp lý đối với một số bộ phận.
“Nhìn tổng thể, mỗi bộ phận này mang những đặc thù khác nhau về công việc nên việc áp dụng chung là rất khó. Ở các thành phố, các khu công nghiệp tập trung, việc quy định giờ làm việc này là thuận lợi, nhưng với những tỉnh, thành phố và các khu vực không làm việc tập trung là chưa hợp lý”, ông An nói.
Tiếp nhận, trả hồ sơ tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng.
Ông An lấy ví dụ ở Hà Nội, cán bộ công chức làm việc từ 8h đã từ lâu, còn các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ và nhiều địa phương khác thì có khi 7h30 người ta đã làm việc rồi.
Quy định như thế, nhưng nên theo hướng mở, tùy điều kiện ở các địa phương mà vận dụng linh hoạt, phù hợp thực tế. Mặt khác, cũng phải tùy thuộc vào vị trí địa lý của các vùng, miền mà áp dụng quy định giờ làm việc.
“Anh quy định 8h thì ở mũi hướng Tây phù hợp nhưng lúc đó ở mũi hướng Đông mặt trời đã đứng bóng rồi. Bởi mũi hướng Đông mặt trời lên sớm, 6h là đã sáng, còn mũi hướng Tây phải 7h mới sáng”, ông An nói.
Cũng liên quan đến ự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, ngày 4/5, trả lời PV VTC News, ông Phan Xuân Quang (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam) cho rằng, đề xuất giờ làm việc các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 là không phù hợp.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, việc thay đổi khung giờ làm việc cần phải nghiên cứu sâu và kỹ càng hơn. Khung giờ làm việc phải dựa vào khí hậu, thời tiết, tập quán…của mỗi vùng miền và cả mối quan hệ các tầng lớp nhân dân, lao động trong xã hội. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
Nói rõ hơn về những luận điểm mà mình vừa nêu, ông Quang dẫn chứng: “Chẳng hạn công chức, viên chức đưa con đi học trong khoảng thời gian từ 6h30 – 6h45. Vậy nếu thay đổi giờ làm việc vào lúc 8h30 thì sẽ dư ra một lượng thời gian lớn và theo tôi, khung giờ hiện nay đã khá hợp lý”.